Công dụng thuốc etodagim

Thuốc Etodagim được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm - Việt Nam, với thành phần chính là Etodolac 200mg. Thuốc Etodagim là thuốc gì? Liều dùng như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Chỉ định dùng thuốc Etodagim

Thuốc Etodagim 200mg thường được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:

  • Ðiều trị bệnh viêm xương khớp, các cơn gout cấp hay giả gout.
  • Điều trị đau sau nhổ răng.
  • Điều trị đau sau các cuộc phẫu thuật, đặc biệt là đau sau cắt tầng sinh môn.
  • Điều trị thống kinh và đau cơ xương cấp tính do nhiều nguyên nhân.

Dược lực học

Etodolac là dẫn xuất của acid pyrano-indol-acetic. Đây là một thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Nó có tác dụng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm. Tương tự như các thuốc kháng viêm không steroid khác, cơ chế tác động của etodolac là ức chế men cyclooxygenase liên quan đến quá trình tổng hợp prostaglandin.

Dược động học

Hấp thu: Etodagim được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sau khi uống 200mg etodogim, nồng độ đỉnh trong huyết tương 10 - 18mcg/ml đạt được trong vòng 1 - 2 giờ. Sau nhiều lần uống thuốc trong giới hạn liều điều trị thì nồng độ trong huyết tương chỉ cao hơn chút ít so với sau khi uống một lần duy nhất. Thuốc có thể được dùng ngay trong bữa ăn hoặc dùng cùng lúc với thuốc kháng acid. Vì mức độ hấp thu của hoạt chất etodolac không bị ảnh hưởng khi thuốc được dùng sau bữa ăn hoặc với thuốc kháng acid.

Khoảng 99% etodolac sẽ gắn kết với protein huyết tương. Etodagim được chuyển hóa hầu hết ở gan. Thời gian bán hủy của etodagim trong huyết tương là 6 - 7,4 giờ.

Khoảng 72% liều uống sẽ được thải trừ chủ yếu trong nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa hydroxyl hóa và dạng liên hợp với glucuronide. Khoảng 16% liều uống có thể được thải qua phân.

2. Liều lượng và cách dùng

  • Đối với bệnh viêm xương khớp, Gout tổng liều tối đa 1200 mg/ ngày. Đối với bệnh nhân < 60kg thì tổng liều tối đa 20 mg/ kg/ ngày.
  • Ðối với các trường hợp đau trong nha khoa 200 mg x 3 - 4 lần/ ngày.
  • Đối với những trường hợp viêm gân duỗi, viêm bao hoạt dịch, viêm lồi cầu khuỷu tay, viêm bao gân, viêm mạc gan bàn chân và đau sau cắt tầng sinh môn dùng liều 400mg x 2 - 3 lần/ ngày.

3. Chống chỉ định

Một số trường hợp chống chỉ định với thuốc Etodagim 200mg:

  • Các trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Etodagim.
  • Những người bị suy thận nặng, suy gan nặng.
  • Những người có tiền sử bị hen suyễn.
  • Các đối tượng bị nổi mày đay hoặc những phản ứng kiểu dị ứng khác sau khi dùng aspirin hoặc các chất kháng viêm không steroid khác.
  • Những trẻ em dưới 15 tuổi. Do tính an toàn và hiệu quả khi dùng cho trẻ em chưa được thiết lập.
  • Đối tượng là phụ nữ có thai 3 tháng cuối, phụ nữ trong thời kỳ cho con bú.
  • Lưu ý theo dõi thật kỹ chức năng thận và sự bài tiết nước tiểu ở bệnh nhân suy tim, suy thận mạn, suy gan hoặc bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu.
  • Kiểm tra định kỳ hematocrit, hemoglobin để phát hiện dấu hiệu thiếu máu có thể xảy ra ở các bệnh nhân dùng thuốc kháng viêm không steroid.
  • Do sự hiện diện của các chất chuyển hóa phenolic của etodolac trong nước tiểu. Một số bệnh nhân dùng thuốc có thể cho phản ứng dương tính giả với bilirubin - niệu

4. Tương tác thuốc

Một số loại thuốc có thể có tương tác với Etodagim:

  • Khi dùng chung Etodagim với warfarin sẽ làm giảm sự gắn kết với protein của warfarin.
  • Các loại thuốc kháng acid dạ dày có thể làm giảm nồng độ của etodagim trong máu.
  • Khi dùng chung Etodagim với aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid khác sẽ làm tăng tác dụng của thuốc.
  • Khi dùng chung Etodagim với cycloserin, digoxin, lithium, methotrexate sẽ làm giảm độ thanh thải những chất này và làm tăng độc tính.

5. Tác dụng phụ

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùngg Etodagim bao gồm:

  • Chóng mặt,trầm cảm
  • Nổi mẩn, ngứa.
  • Mờ mắt, ù tai.
  • Ớn lạnh, sốt.
  • Các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, viêm dạ dày, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn, táo bón, tiêu phân đen.
  • Đi tiểu khó khăn hoặc đi tiểu nhiều lần.
  • Giữ nước, phù, thiếu máu.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan