Công dụng thuốc Egolanza

Egolanza thuộc nhóm thuốc chống loạn thần, được sử dụng để điều trị trong trường hợp tâm thần phân liệt. Tham khảo cách dùng thuốc Egolanza thông qua bài viết dưới đây để hiểu hơn về công dụng của thuốc.

1. Thuốc Egolanza là thuốc gì?

Thuốc Egolanza được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là Olanzapine (dưới dạng Olanzapine dihydrochloride trihydrate) hàm lượng 10mg.

Olanzapine là thuốc chống loạn thần không điển hình và là dẫn chất của dibenzodiazepin. Thuốc có các đặc tính dược lý khác với các thuốc chống loạn thần điển hình (dẫn chất của phenothiazin, butyrophenon) như ít gây hội chứng ngoại tháp, giảm tăng tiết prolactin, ít gây rối loạn vận động khi điều trị kéo dài.

Cơ chế chống loạn thần của olanzapine còn chưa được làm sáng tỏ. Cơ chế này có liên quan đến tính chất đối kháng với các thụ thể serotonin typ 2, 3, 6 và dopamin trên thần kinh trung ương của thuốc. Olanzapine còn ức chế thụ thể D2 của dopamin, vì vậy giúp làm ổn định tính khí.

Olanzapine còn đối kháng với các thụ thể muscarin (M1, M2, M3, M4 và M5). Tác dụng kháng cholinergic của olanzapine vừa làm giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp, vừa liên quan đến một số tác dụng phụ khác của thuốc.

Ngoài ra thuốc còn có tác dụng đối kháng với thụ thể histamin H1 và thụ thể alpha - 1 adrenergic, do đó có thể gây ngủ gà, hạ huyết áp tư thế khi dùng thuốc.

2. Thuốc Egolanza có tác dụng gì?

Thuốc Egolanza được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Tâm thần phân liệt, bệnh lưỡng cực: Đợt cấp hưng cảm hay hỗn hợp, kích động cấp do tâm thần phân liệt hoặc bệnh lưỡng cực, bệnh lưỡng cực chu kỳ nhanh.
  • Đơn trị liệu tâm thần hưng cảm ở người lớn và trẻ em 12 – 18 tuổi (dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa).

Không sử dụng thuốc Egolanza trong các trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm với Olanzapine
  • Glocom góc hẹp
  • Phụ nữ đang mang thai và cho con bú

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Egolanza

3.1. Liều dùng

Liều lượng thuốc Egolanza phụ thuộc vào từng đối tượng và tình trạng bệnh:

Người lớn

  • Tâm thần phân liệt: Liều khởi đầu uống 5 – 10mg/lần/ngày, có thể tăng khoảng 5mg/ngày trong 5 – 7 ngày cho tới liều đích 10mg/ngày. Giai đoạn sau điều chỉnh liều thường phải cách nhau ít nhất 7 ngày, tăng hoặc giảm 5m/ngày cho tới liều tối đa là 20mg/ngày. Liều duy trì: 10 – 20mg/lần/ngày.
  • Bệnh lưỡng cực, đợt hưng cảm cấp hay hỗn hợp:
    • Đơn trị liệu: Khởi đầu 10 – 15mg/lần/ngày, có thể tăng 5mg/ngày cách nhau tối thiểu 24 giờ. Liều duy trì 5 – 20mg/ngày. Liều tối đa là 20 mg/ngày.
    • Liệu pháp phối hợp (với valproat hoặc lithi): Khởi đầu 10mg/lần/ngày, liều dùng có thể từ 5 – 20mg/ngày.
    • Điều trị đợt cấp hưng cảm (phối hợp với fluoxetin): Liều khởi đầu olanzapine 6mg và fluoxetin 25mg.
  • Người cao tuổi: Khởi đầu dùng 2,5 – 5mg, sau 2 giờ có thể tăng thêm 2,5 – 5mg nếu cần thiết.
  • Trẻ từ 13 – 17 tuổi: Liều khởi đầu 2,5 – 5mg/lần/ngày. Liều mục tiêu 10mg/ngày. Có thể chỉnh liều tăng hoặc giảm 2,5mg hoặc 5mg. Liều tối đa 20 mg/ngày.
  • Trẻ em dưới 13 tuổi: Độ an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được kiểm chứng.
  • Không cần chỉnh liều thuốc với người suy giảm chức năng thận.
  • Cần điều chỉnh liều với bệnh nhân suy gan, cần theo dõi chặt đối tượng này.

3.2. Cách dùng thuốc

Thuốc dùng đường uống, không phụ thuộc vào bữa ăn, nên uống nguyên viên với nước và dùng thuốc vào cùng một khoảng thời gian mỗi ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Egolanza

Khi sử dụng thuốc Egolanza có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Thần kinh trung ương: Hội chứng ngoại tháp, ngủ gà, mất ngủ, chóng mặt, rối loạn phát âm, sốt, ác mộng, hưng cảm
  • Rối loạn tiêu hóa: Khô miệng, buồn nôn, nôn, khó tiêu, táo bón, tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân
  • Tăng men gan ALT, AST
  • Yếu cơ, run (thận trọng ở người lớn tuổi)
  • Đau ngực, hạ huyết áp, nhịp nhanh, phù ngoại vi
  • Rối loạn nội tiết - chuyển hóa: Tăng cholesterol máu, tăng đường huyết, tăng prolactin máu
  • Viêm kết mạc, giảm thị lực
  • Giảm bạch cầu và giảm bạch cầu trung tính
  • Kéo dài khoảng QT trên hình ảnh điện tâm đồ
  • Động kinh, tăng nhạy cảm với ánh sáng.

Khi sử dụng thuốc Egolanza, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.

5. Tương tác với thuốc Egolanza

Khi sử dụng phối hợp Egolanza có thể tương tác với một số thuốc sau:

  • Không nên dùng đồng thời olanzapine với levomethadyl do tăng nguy cơ gây độc tính trên tim (khoảng QT kéo dài, xoắn đỉnh, ngừng tim), cũng không phối hợp với metoclopramid do tăng nguy cơ dẫn đến hội chứng ngoại tháp, hội chứng an thần kinh ác tính.
  • Dùng đồng thời với các thuốc ức chế thần kinh trung ương như rượu, các dẫn chất benzodiazepin làm tăng tác dụng hạ huyết áp tư thế của olanzapine.
  • Không nên dùng đồng thời olanzapine với dopamin, adrenalin hoặc các thuốc tác động trên thụ thể beta giao cảm khác vì có khả năng làm nặng thêm tình trạng hạ huyết áp do tác dụng ức chế thụ thể alpha của olanzapine.
  • Các thuốc ức chế CYP450 (cafein, erythromycin, ciprofloxacin, cimetidin, quinidin, một số thuốc chống trầm cảm như fluvoxamine) làm tăng tác dụng và độc tính của thuốc.
  • Các thuốc gây cảm ứng CYP450 (carbamazepin, phenobarbital, phenytoin, rifampicin, omeprazol, nicotin) làm giảm nồng độ và tác dụng của olanzapine trong máu.
  • Olanzapin làm tăng tác dụng của các thuốc kháng cholinergic (khô miệng, táo bón, bí tiểu, rối loạn thị giác, an thần), ngoài ra còn làm tăng tác dụng hạ áp của các thuốc hạ huyết áp.
  • Olanzapine không nên dùng đồng thời với các thuốc điều trị Parkinson do có thể làm giảm tác dụng thuốc.

6. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Egolanza

Khi sử dụng thuốc Egolanza cần thận trọng các vấn đề sau:

  • Thận trọng với người cao tuổi bị rối loạn tâm thần liên quan đến sa sút trí tuệ do tăng nguy cơ tử vong, chủ yếu do nguyên nhân tim mạch (đột tử, suy tim) hay nhiễm khuẩn (viêm phổi).
  • Trẻ em từ 13 - 17 tuổi có nguy cơ tăng cân và tăng lipid máu cao hơn so với người lớn, vì vậy cần đánh giá nguy cơ và theo dõi chặt chẽ khi dùng thuốc.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người phì đại tuyến tiền liệt lành tính, glocom góc hẹp hoặc người có tiền sử liệt ruột do tác dụng kháng cholinergic của thuốc.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người mắc bệnh tim, bệnh mạch máu não hoặc các bệnh lý có nguy cơ gây hạ huyết áp (giảm thể tích tuần hoàn, mất nước, đang được điều trị bằng các thuốc hạ huyết áp) do tăng nguy cơ gây hạ huyết áp tư thế kèm theo nhịp tim chậm, ngất hay ngừng nút xoang.
  • Thuốc có tác dụng an thần vì vậy cần thận trọng với nguy cơ giảm tập trung và hoạt động vận động liên quan đến thuốc.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người bệnh đái tháo đường do nguy cơ gây tăng đường huyết, thậm chí có thể không kiểm soát được khi đã ngừng thuốc, vì vậy cần theo dõi đường huyết trong quá trình điều trị.
  • Thận trọng với người suy giảm chức năng gan hoặc đang sử dụng các thuốc gây độc với gan.
  • Thận trọng với người có tiền sử chấn thương vùng đầu, động kinh hoặc đang điều trị bằng các thuốc có khả năng làm giảm ngưỡng động kinh.
  • Tính an toàn của thuốc trên phụ nữ có thai chưa được kiểm chứng, nên cần thận trọng và chỉ sử dụng thuốc khi đã cân nhắc kĩ giữa nguy cơ và lợi ích trước khi chỉ định cho đối tượng này.
  • Thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ, gây ức chế thần kinh trung ương ở trẻ bú mẹ, do đó không nên dùng thuốc cho phụ nữ cho con bú hoặc không cho con bú khi phải dùng thuốc cho người mẹ.
  • Trong quá trình dùng thuốc thận trọng khi lái xe hay vận hành máy móc do thuốc có thể gây chóng mặt, buồn ngủ.

Ngoài những thông tin trên nếu còn bất kỳ thắc mắc gì về thuốc Egolanza, người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan