Công dụng thuốc Diurefar 40

Thuốc Diurefar 40 chứa hoạt chất furosemid được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp và tình trạng phù do các bệnh lý như xơ gan, suy tim, bệnh thận... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Diurefar 40 qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Diurefar

1.1. Chỉ định

Thuốc Diurefar 40 chứa hoạt chất furosemid 40mg, được chỉ định trong điều trị các bệnh lý sau đây:

1.2. Dược lực học

Furosemid là dẫn chất Sulfonamide tác dụng nhanh, mạnh và phụ thuộc vào liều dùng. Thuốc thuộc nhóm lợi tiểu tác dụng ở nhánh lên của quai Henle nên được xếp vào nhóm lợi tiểu quai. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế quá trình đồng vận chuyển Na+ - K+ - 2Cl - ở giai đoạn dày của nhánh lên quai Henle, từ đó làm tăng thải trừ chất điện giải kèm theo tăng bài xuất nước.

Furosemid cũng làm giảm quá trình tái hấp thu Na+, Cl – và tăng quá trình thải trừ K+ ở ống lượn xa, tác dụng trực tiếp lên ống lượn gần. Thuốc không gây ức chế carbonic anhydrase, không đối kháng aldosterone và tăng đào thải Ca2+, Mg2+, amoni, hydrogen, bicarbonate và cả phosphate qua thận. Cơ thể mất nhiều hydro, kali và clor có thể gây kiềm chuyển hóa. Thuốc gây giảm thể tích huyết tương nên có thể dẫn đến hạ huyết áp, nhưng thường chỉ giảm ở mức nhẹ.

1.3. Dược động học

Furosemid được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa sau khi uống, sinh khả dụng của thuốc đạt khoảng 60 – 70%. Tuy nhiên quá trình hấp thu thuốc bị thay đổi một cách thất thường và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như dạng thuốc bào chế, sự có mặt của thức ăn và quá trình bệnh tật. Ở người bệnh suy tim, quá trình hấp thu furosemid còn xảy ra thất thường hơn. Sinh khả dụng của thuốc có thể giảm xuống dưới 10% ở người mắc bệnh thận và sinh khả dụng tăng nhẹ ở người bệnh gan. Sau khi uống, thuốc có tác dụng nhanh, xuất hiện sau 1⁄2 giờ và đạt tác dụng tối đa sau 1 – 2 giờ, duy trì từ 6 – 8 giờ.

Furosemid gắn mạnh vào album huyết tương (khoảng 99%) và được đào thải chủ yếu qua nước tiểu, phần lớn dưới dạng chưa chuyển hóa. Thời gian bán thải của thuốc dao động từ 30 – 210 phút ở người khỏe mạnh bình thường và thường kéo dài ở người bệnh suy gan, suy thận và trẻ sơ sinh.

Thuốc furosemid qua được hàng rào nhau thai và phân phối được vào sữa mẹ, độ thanh thải của thuốc không tăng khi thẩm phân máu.

Thuốc Diurefar 40
Thuốc Diurefar 40 điều trị tăng huyết áp và một số bệnh lý liên quan khác

2. Liều dùng của thuốc Diurefar 40

Tác dụng của thuốc diurefar 40 trong điều trị tăng huyết áp và tình trạng phù phụ thuộc vào liều dùng cụ thể như sau:

  • Điều trị phù ở người trưởng thành: Liều khuyến cáo là 1⁄2 - 2 viên, dùng 1 lần trong ngày vào buổi sáng. Trường hợp liều dùng không đáp ứng có thể tăng thêm 20 – 40mg/lần x 6 – 8 giờ/lần đến khi đạt được tác dụng mong muốn (bao gồm cả giảm cân). Sau đó, liều duy trì dùng 1 – 2 lần/ngày hoặc uống mỗi 2 – 4 ngày liền (liều duy trì có thể giảm ở một số người bệnh). Trường hợp người bệnh bị phù nặng có thể điều chỉnh liều tới 600mg/ngày.
  • Điều trị tăng huyết áp ở người trưởng thành: Liều khuyến cáo là 20 – 40mg/lần x 2 lần/ngày. Người bệnh cần theo dõi mức huyết áp một cách chặt chẽ khi điều trị bằng furosemid đơn độc cũng như khi phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác, đặc biệt là giai đoạn đầu điều trị.

3. Chống chỉ định sử dụng thuốc Furosemid

Chống chỉ định sử dụng thuốc Furosemid trong những trường hợp sau đây:

  • Người bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Diurefar 40mg;
  • Người bệnh dị ứng với furosemid hay với các chất thuộc dẫn chất sulfonamid;
  • Người bệnh bị mất nước, giảm thể tích máu (có hoặc không kèm hạ huyết áp);
  • Hạ natri máu và kali máu nặng;
  • Tiền hôn mê hoặc hôn mê do xơ gan;
  • Suy thận do hôn mê gan;
  • Người bệnh bị suy thận (độ thanh thải creatinin < 30 ml/phút/1,73m2;
  • Người bị ngộ độc digitalis, người mắc bệnh Addison;
  • Người bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin;
  • Phụ nữ đang cho con bú;
  • Người bệnh bị suy thận hoặc vô niệu do các thuốc gây độc cho thận và gan.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Furosemid

4.1. Tác dụng phụ

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Diurefar 40mg như sau:Tác dụng phụ thường gặp (ADR > 1/100):

  • Tuần hoàn: Giảm thể tích máu trong trường hợp điều trị liều tăng huyết áp tư thế đứng;
  • Chuyển hóa: Mất cân bằng nước, điện giải bao gồm giảm natri huyết, giảm kali huyết, giảm calci huyết, giảm magie huyết và nhiễm kiềm clor huyết.
Khi sử dụng  thuốc Diurefar 40mg người bệnh nên thận trọng với một số tác dụng phụ
Khi sử dụng thuốc Diurefar 40mg người bệnh nên thận trọng với một số tác dụng phụ

Tác dụng phụ ít gặp (1/1000 < ADR < 1/100):

  • Tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa;
  • Chuyển hóa: Tăng acid uric và bệnh gout.

Tác dụng phụ hiếm gặp: (ADR < 1/10.000):

  • Da: Dị cảm, ban da, ban xuất huyết, ngứa, phản ứng mẫn cảm với ánh sáng, viêm da tróc vảy;
  • Phản ứng quá mẫn: Viêm thận kẽ, sốt, viêm mạch;
  • Máu: Giảm bạch cầu, ức chế tủy xương, mất bạch cầu hạt, thiếu máu;
  • Chuyển hóa: Glucose niệu, tăng glucose huyết, vàng da ứ mật và viêm tụy;
  • Tai: Giảm thính lực, ù tai, điếc.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

Trong thời gian điều trị bằng thuốc Diurefar 40mg, người bệnh cần được theo dõi nồng độ các chất điện giải (đặc biệt là kali, natri) và tình trạng hạ huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh gout, suy gan, suy thận. Tránh dùng thuốc ở người bệnh suy gan nặng. Đối với người cao tuổi cần giảm liều thích hợp để giảm nguy cơ độc thính giác. Trường hợp nước tiểu ít, người bệnh cần được bù đủ thể tích máu trước khi dùng thuốc.

  • Thận trọng khi dùng Diurefar 40mg ở trẻ em (nhất là khi dùng trong thời gian dài), cần theo dõi cân bằng nước và điện giải cẩn thận. Trẻ sinh non khi điều trị bằng furosemid có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ống động mạch.
  • Furosemid có khả năng chiếm chỗ của biliburin tại vị trí gắn kết albumin nên cần thận trọng khi dùng thuốc ở trẻ em vàng da. Độ thanh thải của thuốc ở trẻ sơ sinh chậm hơn so với người lớn tuổi, thời gian bán thải (t1/2) trong huyết tương cao gấp 8 lần nên cần tính toán khi dùng liều nhắc lại.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở người mắc phì đại tuyến tiền liệt hoặc người bị đái khó do có thể thúc đẩy bí tiểu tiện cấp.
  • Thuốc Furosemid được coi là không an toàn khi điều trị ở người bệnh bị rối loạn chuyển hóa porphyrin do nguy cơ đi kèm với đợt cấp của bệnh.
  • Ở người bệnh giảm năng tuyến cận giáp điều trị bằng furosemid có thể gây có cứng bởi nguy cơ giảm calci huyết.
  • Phụ nữ đang mang thai: Chỉ sử dụng thuốc ở đối tượng này khi thật sự cần thiết, lợi ích lớn hơn nguy cơ.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc Diurefar 40mg có nguy cơ ức chế quá trình tiết sữa, vì vậy nên ngưng cho con bú khi điều trị bằng thuốc.

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể xảy ra như sau:

  • Sử dụng Diurefar và các thuốc lợi niệu khác làm tăng tác dụng của Diurefar, các thuốc lợi tiểu giữ Kali có thể làm giảm sự mất kali khi điều trị cùng với furosemide.
  • Kháng sinh: Sử dụng thuốc Diurefar và các thuốc kháng sinh làm tăng tác dụng phụ của các thuốc này, cụ thể cephalosporin làm tăng độc tính thận, vancomycin tăng độc tính tai, aminoglycosid tăng độc tính với tai và thận.
  • Muối Lithi: Tăng nồng độ Lithi trong máu và gây độc tính nếu dùng chung với furosemid. Vì vậy cần hạn chế dùng phối hợp hai thuốc trong trường hợp không theo dõi được nồng độ lithi huyết chặt chẽ.
  • Glycosid tim: Tăng độc tính của glycosid trên tim do thuốc có khả năng làm hạ kali máu. Vì vậy cần theo dõi điện tâm đồ và nồng độ kali huyết.
  • Thuốc kháng viêm không steroid: Giảm tác dụng lợi tiểu và tăng nguy cơ gây độc cho thận.
  • Corticosteroid: Đối kháng với tác dụng lợi tiểu của furosemid, tăng nguy cơ hạ kali huyết.
  • Thuốc chống đái tháo đường: Furosemid làm giảm tác dụng hạ glucose huyết của thuốc điều trị đái tháo đường.
  • Thuốc chống đông: Furosemid làm tăng tác dụng chống đông của thuốc.
  • Thuốc giãn cơ không khử cực: Tăng tác dụng giãn cơ.
  • Cisplatin sử dụng cùng furosemid làm tăng độc tính trên thận và tai.
  • Thuốc hạ huyết áp: Furosemid làm tăng tác dụng hạ huyết áp. Trường hợp phối hợp thuốc cần chỉnh liều thích hợp, đặc biệt là đối với nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin bởi huyết áp có thể giảm nặng.
  • Thuốc chống động kinh như phenytoin làm giảm tác dụng của furosemide.
  • Cloral hydrat: Sử dụng cùng furosemide gây nhịp tim nhanh, hội chứng đỏ mặt, toát mồ hôi, tăng huyết áp.
  • Probenecid: Giảm tác dụng lợi tiểu và giảm độ thanh thải qua thận của furosemide.
  • Thuốc ức chế thần kinh trung ương (diazepam, clorpromazi, halothan, clonazepam, ketamin) làm tăng tác dụng hạ huyết áp của Diurefa.

Thuốc Diurefar 40 chứa hoạt chất furosemid được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp và tình trạng phù do các bệnh lý như xơ gan, suy tim, bệnh thận. Để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan