Công dụng thuốc Caorin

Thuốc Caorin là thuốc được sử dụng theo đơn của bác sĩ. Thuốc Caorin có chứa một trong những chất chuyển hóa có hoạt tính của Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa canxi. Vậy thuốc Caorin là thuốc gì? Công dụng của thuốc Caorin.

1. Công dụng của thuốc Caorin

Thuốc Caorin là thuốc gì? Thành phần chính của thuốc Caorin gồm có: Calcitriol 0.25mcg, Calcium Lactate 425mcg, Magnesi Oxyd 40mg, Kẽm Oxyd 20mg và hệ thống các tá dược bao gồm: Triglyceride chuỗi trung bình, Lecithin, Dầu Cọ, Dầu đậu nành Hydrogen hóa một phần, Sáp ong trắng, cồn 95%, Butylat Hydroxy Toluen, Butylat Hydroxy Anisol, Gelatin, Glycerin đậm đặc, D – Sorbitol 70%, Ethyl Vanillin, Methylparaben, Propylparaben, Titan Dioxid, Màu đỏ số 40, Màu vàng số 5, nước tinh khiết.

Calcitriol là một trong những chất chuyển hóa có hoạt tính của Vitamin D, thông thường chất chuyển hóa này được tạo thành ở thận từ một tiền chất là 25 – Hydroxycholecalciferol. Bình thường, lượng chất này khi được sinh ra sẽ làm tăng sự hấp thu Calci và Phosphat, đây là 2 chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình khoáng hóa xương. Ở người suy thận mãn, việc tạo ra Calcitriol kém sẽ góp phần ảnh hưởng đến sự bất thường chuyển hóa khoáng chất.

Magnesi là khoáng chất rất quan trọng tham gia vào hàng trăm phản ứng enzyme trong cơ thể người. Magnesi rất cần thiết cho việc bổ sung Calci do đây là chất trung gian trong quá trình chuyển hóa Vitamin D thành dạng có hoạt tính.

Kẽm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ Calci của cơ thể và cải thiện hệ thống miễn dịch.

Thuốc Caorin được chỉ định trong điều trị để làm đảo ngược sự rối loạn chuyển hóa Calci ở bệnh nhân có bệnh thận mạn tính, thuốc Caorin còn dùng điều trị loạn dưỡng xương do thận, giảm calci máu liên quan đến tình trạng suy cận giáp trạng, chứng còi xương phụ thuộc vào Vitamin D và loãng xương.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Caorin

Thuốc Caorin được sử dụng qua đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Liều dùng thuốc Caorin thường là 1 -2 viên tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bệnh nhân.

Quá liều thuốc Caorin có thể gây tăng Calci máu và có khi bị tăng Calci niệu. Vì vậy mỗi khi điều chỉnh liều lượng thuốc Caorin định kỳ với các khoảng cách đều đặn, bác sĩ cần xét nghiệm nồng độ Calci trong huyết thanh của bệnh nhân.

Dùng quá liều kẽm có thể dẫn đến các triệu chứng quá liều thuốc Caorin như buồn nôn, nôn nghiêm trọng dẫn đến mất nước và thiếu máu nguyên bào sắt thứ phát do kẽm sẽ làm mất đồng.

Điều trị quá liều: Ngừng thuốc Caorin, ngừng bổ sung Calci, duy trì khẩu phần ăn ít Calci, uống nhiều nước hoặc có thể chỉ định truyền dịch.

3. Chống chỉ định khi sử dụng thuốc Caorin

  • Không được dùng thuốc Caorin cho bệnh nhân tăng Calci máu hoặc có bằng chứng về độc tính của Vitamin D;

Chống chỉ định thuốc Caorin cho bệnh nhân quá mẫn với thuốc (hoặc các hoạt chất cùng nhóm) hoặc các thành phần của thuốc Caorin.

4. Tác dụng phụ của thuốc Caorin

Thuốc Caorin có thể gây ra tình trạng quá liều Vitamin D với những dấu hiệu và triệu chứng đến sớm hoặc đến muộn của ngộ độc Vitamin D đi kèm tăng Calci máu gồm:

  • Triệu chứng sớm: bệnh nhân ốm yếu, nhức đầu, buồn ngủ, buồn nôn hoặc nôn, khô miệng, táo bón, đau nhức cơ, đau xương, miệng có vị kim loại, chán ăn, đau ở vùng bụng, đau dạ dày.
  • Triệu chứng muộn: Bệnh nhân có thể đi tiểu nhiều, khát nhiều, chán ăn, sụt cân, đi tiểu đêm, viêm kết mạc (do Calci hóa), viêm tụy, sợ ánh sáng, chảy nước mũi, ngứa, sốt, giảm khả năng tình dục, tăng nồng độ BUN, Albumin niệu, tăng Cholesterol máu, tăng AST và ALT, calci hóa lạc chỗ, nhiễm Calci thận, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, loạn dưỡng, rối loạn các giác quan, mất nước, lãnh đạm, ngừng phát triển, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hiếm gặp tình trạng tâm thần rõ ràng.

5. Thuốc Caorin cho phụ nữ có thai và cho con bú

Các nghiên cứu về độc tính trên động vật không cho các kết quả thuyết phục cũng như không có nghiên cứu tương đối ở người về tác dụng của Calcitriol có nguồn gốc ngoại sinh trên thai kỳ và sự phát triển của bào thai. Do đó, chỉ sử dụng Calcitriol khi lợi ích cao hơn nhiều so với nguy cơ có thể xảy ra cho bào thai trong bụng mẹ.

Calcitriol có nguồn gốc ngoại sinh còn được bài tiết qua sữa mẹ. Do đó những bà mẹ đang cho con bú khi uống Calcitriol phải theo dõi nồng độ Calci huyết thanh của mẹ và bé.

6. Tương tác thuốc của thuốc Caorin

  • Cholestyramine: hoạt chất này sẽ làm giảm sự hấp thu qua ruột của các vitamin tan trong lipid từ đó làm cản trở sự hấp thu của thuốc Caorin qua ruột.
  • Phenytoin/Phenobarbital: Phối hợp thuốc Caorin với Phenytoin (hoặc với Phenobarbital) không có ảnh hưởng đến nồng độ của Calcitriol trong huyết tương, tuy nhiên các thuốc này có thể làm giảm nồng độ của 25(OH)D3 nội sinh trong huyết tương do tình trạng tăng chuyển hóa. Vì mức Calcitriol trong máu bị giảm do đó bệnh nhân cần dùng Caorin cao hơn khi phối hợp với Phenytoin hoặc Phenobarbital.
  • Các thiazid thúc đẩy quá trình tăng calci huyết do làm giảm đào thải calci qua nước tiểu, khi phối hợp các Thiazid với thuốc Caorin sẽ gây tăng calci huyết vì vậy phải thận trọng khi phối hợp 2 loại thuốc này với nhau;
  • Không dùng đồng thời thuốc Caorin với các Glycosid trợ tim do độc tính của Glycosid trợ tim sẽ tăng do tăng calci huyết, dẫn đến loạn nhịp tim.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

675 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan