Công dụng thuốc Buminate

Buminate là dịch truyền chứa Albumin người. Do đó thuốc thường được sử dụng cho những bệnh nhân có tình trạng giảm albumin máu hoặc giảm thể tích tuần hoàn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy thuốc Buminate có tác dụng gì và lưu ý gì khi sử dụng?

1. Buminate là thuốc gì?

Thuốc Buminate có thành phần là Albumin người (Albumin Human), bào chế dạng dung dịch truyền tĩnh mạch với 3 dạng nồng độ là 5%, 20% và 25%.

2. Buminate có tác dụng gì?

  • Thuốc Buminate được sử dụng để điều trị tình trạng giảm thể tích tuần hoàn do các nguyên nhân khác nhau;
  • Bổ sung ở người giảm Albumin máu do một số nguyên nhân như cơ thể sản xuất không đủ (bao gồm suy dinh dưỡng, bỏng, chấn thương lớn hoặc mắc bệnh nhiễm trùng), albumin bị phân hủy quá nhiều (do bỏng, chấn thương lớn hoặc viêm tụy), mất albumin khỏi cơ thể (do chảy máu, bài tiết quá mức qua thận, mất qua dịch tiết từ vết bỏng) hoặc tái phân bố albumin (gặp trong các cuộc phẫu thuật lớn hoặc do viêm nhiễm nặng);
  • Thuốc Buminate cũng được sử dụng để điều trị tình trạng giảm albumin máu ở bệnh nhân chấn thương nặng, nhiễm trùng hoặc viêm tụy không có khả năng hồi phục nhanh chóng mặc dù đã đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng nhưng vẫn không có tác dụng;
  • Thuốc Buminate Kết hợp với dịch tinh thể để điều chỉnh tình trạng giảm áp suất thẩm thấu thấp máu và thay thế lượng protein bị mất do bỏng nặng trong 24 giờ đầu tiên;
  • Thuốc Buminate còn được sử dụng trong quá trình phẫu thuật tuần hoàn ngoài cơ thể (Cardiopulmonary Bypass Surgery);

Thuốc Buminate 25% được sử dụng khi tình trạng giảm thể tích tuần hoàn kéo dài và tình trạng giảm albumin máu kèm theo đủ dịch hoặc phù. Albumin có thể sử dụng kết hợp với một số loại thuốc khác (như thuốc lợi tiểu) để điều trị phù phổi và giảm protein máu ở bệnh nhân mắc hội chứng ARDS. Ngoài ra, thuốc Buminate 25% còn được chỉ định trong điều trị giảm phù ở bệnh nhân hội chứng thận hư nặng đang dùng corticosteroid hoặc lợi tiểu.

Lưu ý thuốc Buminate chỉ được sử dụng bởi nhân viên y tế đã được đào tạo dưới sự giám sát trực tiếp của bác sĩ điều trị.

3. Bệnh nhân cần lưu ý gì trước khi dùng thuốc Buminate?

Khi quyết định sử dụng một loại thuốc, bệnh nhân cần cân nhắc giữa rủi ro có thể xảy ra và lợi ích mà thuốc mang lại. Quyết định sử dụng thuốc phụ thuộc vào kết quả trao đổi giữa bệnh nhân và bác sĩ điều trị.

Đối với thuốc Buminate, bệnh nhân cần xem xét những vấn đề sau:

  • Khả năng dị ứng: Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử xảy ra bất kỳ phản ứng bất thường hoặc biểu hiện dị ứng khi sử dụng Albumin hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác. Đồng thời, bệnh nhân nên chia sẻ với bác sĩ về những tiền sử dị ứng khác, bao gồm dị ứng thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hoặc thú nuôi;
  • Nhi khoa: Các nghiên cứu tin cậy cho thấy không có sự khác biệt khi sử dụng thuốc Buminate cho trẻ em khi so sánh với người lớn. Tuy nhiên cần điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với trọng lượng cơ thể của trẻ;
  • Lão khoa: Không có thông tin về mối liên quan giữa tuổi với tác dụng thuốc Buminate khi dùng ở bệnh nhân lớn tuổi;
  • Cho con bú: Không có nghiên cứu đầy đủ về việc dùng thuốc Buminate ở phụ nữ đang cho con bú, do đó chưa xác định những rủi ro tiềm ẩn của thuốc với trẻ bú mẹ. Vì vậy đối tượng này cần cân nhắc giữa lợi ích điều trị so với những rủi ro có thể xảy ra trước khi quyết định dùng thuốc Buminate;

Một số vấn đề y tế khác có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc Buminate, do đó bệnh nhân phải đảm bảo đã thông báo cho bác sĩ điều trị những vấn đề y tế sau:

  • Dị ứng với N-acetyl-tryptophan hoặc natri caprylate;
  • Thiếu máu mức độ nặng;
  • Suy tim với cung lượng tim bình thường hoặc tăng: Không nên dùng thuốc Buminate cho những bệnh nhân mắc bệnh lý này;
  • Các vấn đề về chảy máu (ví dụ: xuất huyết nội tạng);
  • Giãn tĩnh mạch thực quản;
  • Tăng huyết áp;
  • Suy thận;
  • Phù phổi: Nên sử dụng thuốc Buminate một cách thận trọng.

4. Những lưu ý khi dùng thuốc Buminate

Thuốc Buminate cần được sử dụng bởi nhân viên y tế đã được đào tạo theo đường tiêm truyền tĩnh mạch. Một vấn đề quan trọng là bệnh nhân phải được bác sĩ theo dõi cẩn thận trong khi truyền thuốc để đảm bảo an toàn, đồng thời phải thực hiện một số xét nghiệm máu và nước tiểu để phát hiện các tác dụng không mong muốn.

Bệnh nhân sử dụng thuốc Buminate có nguy cơ mắc phải các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đặc biệt là sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Bệnh nhân cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ nếu có những triệu chứng dị ứng như phát ban, ngứa da, khàn giọng, khó thở hoặc khó nuốt hoặc bất kỳ vết sưng tấy nào ở tay, mặt hoặc miệng sau khi dùng thuốc Buminate.

Quá trình sử dụng thuốc Buminate có thể dẫn đến quá tải dịch (do tăng thể tích máu hoặc loãng máu), từ đó dẫn đến dẫn đến quá tải cho tim, mạch máu hoặc phổi (phù phổi). Bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu có những biểu hiện bất thường như đau đầu, khó thở, đau ngực hoặc tức ngực, tĩnh mạch cổ nổi, choáng váng hoặc chóng mặt.

Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bệnh nhân có những triệu chứng sau:

  • Tiểu ra máu;
  • Nhìn mờ, thay đổi khả năng nhìn màu sắc, đặc biệt là màu xanh hoặc vàng;
  • Đau ngực hoặc khó chịu;
  • Đau đầu;
  • Nhịp thở hoặc nhịp tim không đều;
  • Đau lưng;
  • Buồn nôn;
  • Sưng phù mặt, ngón tay hoặc cẳng chân;
  • Khó thở, mệt mỏi, suy nhược một cách bất thường;
  • Nôn ói.

Thuốc Buminate được sản xuất và bào chế từ máu người hiến tặng. Do đó vẫn có nguy cơ (dù rất thấp) xảy ra tình trạng lây truyền một số loại virus nhất định cho bệnh nhân. Người hiến máu và máu hiến tặng đều được xét nghiệm cẩn thận để đảm bảo không lây truyền bệnh ở cho người khác.

5. Tác dụng phụ của thuốc Buminate

Bên cạnh những tác dụng điều trị mà thuốc mang lại, thuốc Buminate vẫn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Mặc dù không phải tất cả các tác dụng phụ này đều sẽ xảy ra, nhưng nếu chúng xảy ra thì bệnh nhân cần được chăm sóc y tế phù hợp.

Bệnh nhân hãy liên hệ với bác sĩ hoặc y tá ngay lập tức nếu xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào sau đây:

  • Môi, móng tay chuyển màu xanh;
  • Tức ngực;
  • Ho, đôi khi kèm bọt màu hồng (do phù phổi);
  • Khó thở, thở nhanh, khò khè;
  • Khó nuốt;
  • Chóng mặt;
  • Tim đập nhanh;
  • Phát ban, ngứa da;
  • Tăng tiết mồ hôi;
  • Da nhợt nhạt;
  • Phù nề mí mắt, xung quanh mắt, mặt, môi hoặc lưỡi;
  • Phù chân và mắt cá chân;
  • Tức ngực;
  • Mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác của thuốc Buminate nhưng tần suất xảy ra chưa được xác định:

  • Nhìn mờ;
  • Khó chịu ở ngực;
  • Ớn lạnh;
  • Tâm lý hoang mang;
  • Chóng mặt, ngất xỉu hoặc choáng váng khi thay đổi tư thế;
  • Sốt;
  • Đau đầu;
  • Buồn nôn;
  • Đau cánh tay, hàm, lưng hoặc cổ;
  • Đổ mồ hôi;
  • Nôn ói.

Một số tác dụng phụ sau có thể xảy ra mà đa số không cần chăm sóc y tế, chúng thường sẽ biến mất trong quá trình điều trị khi cơ thể thích nghi với thuốc Buminate, bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát;
  • Mất hoặc thay đổi vị giác;
  • Đỏ mặt, cổ, cánh tay và phần trên ngực.

Với những tác dụng nêu trên của thuốc Buminate, bác sĩ điều trị có thể hướng dẫn bệnh nhân cách nhận biết, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của chúng. Nếu những vấn đề trên vấn tiếp diễn hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn khi dùng thuốc Buminate, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ để được giải quyết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

74 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan