Công dụng thuốc Becolorat

Thuốc Becolorat được bào chế dưới dạng siro uống, có thành phần chính là Desloratadin. Thuốc được sử dụng trong điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng và tình trạng mề đay tự phát mãn tính.

1. Tác dụng thuốc Becolorat

Becolorat là thuốc gì? Mỗi 5ml siro thuốc có chứa 2,5mg Desloratadin và các tá dược khác. Desloratadin là chất chuyển hóa chính có hoạt tính của Loratadin - là chất kháng histamin H1 không gây buồn ngủ. Thành phần này có tác dụng lâu dài với liều vừa phải, không gây buồn ngủ vì không đi qua hàng rào máu não. Thuốc cũng có tác dụng giảm sung huyết mũi, đặc biệt ở bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng.

Chỉ định sử dụng thuốc Becolorat:

  • Làm giảm nhanh các triệu chứng viêm mũi dị ứng: Sổ mũi, ngứa mũi, hắt hơi, sung huyết, nghẹt mũi, ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa họng và ho;
  • Làm giảm các triệu chứng liên quan tới mày đay, giúp làm giảm ngứa, giảm kích thước và số lượng ban.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Becolorat:

  • Người bệnh có tiền sử quá mẫn với các thành phần thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Becolorat

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên uống thuốc 1 lần/ngày, có thể uống cùng hoặc không cùng với bữa ăn đều được. 1 đợt điều trị viêm mũi dị ứng liên tục thường kéo dài dưới 4 ngày/tuần; với viêm mũi dị ứng dai dẳng là dưới 4 tuần trong giai đoạn người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Liều dùng: Trung bình 5mg/lần/ngày. Cụ thể:

  • Người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi: Uống 10ml siro (tương đương 5mg) mỗi ngày;
  • Trẻ em 6 - 11 tuổi: Uống 5ml siro (tương đương 2,5mg) mỗi ngày;
  • Trẻ em 2 - 5 tuổi: Uống 2,5ml siro (tương đương 1,25mg) mỗi ngày;
  • Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận: Dùng liều 5mg, uống cách ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Quá liều: Trên 1 nghiên cứu lâm sàng ở người lớn và thanh thiếu niên sử dụng Desloratadin lên tới liều 45mg (cao gấp 9 lần liều thông thường) đã quan sát không thấy biểu hiện của quá liều. Khi dùng thuốc quá liều, người bệnh cần được áp dụng các biện pháp chuẩn để loại bỏ hoạt chất chưa được hấp thu (bằng cách điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ).

3. Tác dụng phụ của thuốc Becolorat

Khi sử dụng thuốc Becolorat, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Mệt mỏi, khô miệng, nhức đầu, tiêu chảy, sốt, mất ngủ,...;
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn (phản vệ và phát ban, dị ứng, phù mạch, khó thở, ngứa da), nhịp tim nhanh, tăng hoạt động tâm thần vận động, tăng men gan, viêm gan, tăng bilirubin, cơn động kinh, chóng mặt, buồn ngủ, đau bụng, buồn nôn, ói mửa, khó tiêu, tiêu chảy, đau cơ,...

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc Becolorat để được tư vấn về cách xử trí phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Becolorat

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Becolorat:

  • Nguy cơ quá liều và nhiễm độc (bao gồm tử vong) có thể xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi sử dụng các chế phẩm không kê đơn có chứa thuốc kháng histamin, long đờm, giảm ho và chống sung huyết mũi đơn độc hoặc phối hợp nhằm làm giảm các triệu chứng của đường hô hấp trên. Chưa có bằng chứng cho thấy hiệu của của các chế phẩm này ở trẻ dưới 2 tuổi, chưa có liều thích hợp được công bố. Do vậy, nên thận trọng khi sử dụng các thuốc không kê đơn chứa thuốc kháng histamin, long đờm, giảm ho, chống sung huyết mũi để giảm ho và giảm triệu chứng cảm cúm cho trẻ dưới 2 tuổi;
  • Khi dùng thuốc Becolorat người bệnh cần tránh uống rượu;
  • Có trường hợp bị co giật ở bệnh nhân sử dụng thuốc kháng histamin. Do vậy, nên thận trọng khi dùng Becolorat ở người bệnh có tiền sử động kinh;
  • Desloratadin được thải trừ qua thận dưới dạng chất chuyển hóa còn hoạt tính nên cần lưu ý giảm liều dùng ở người bệnh suy thận. Tương tự, nên giảm liều dùng thuốc ở người bệnh suy gan;
  • Chưa có dữ liệu lâm sàng về việc sử dụng thuốc Desloratadin trong thai kỳ. Do đó, không nên sử dụng thuốc Becolorat trong thai kỳ, trừ khi lợi ích lớn hơn nguy cơ, được bác sĩ cho phép;
  • Không sử dụng thuốc Becolorat cho phụ nữ đang nuôi con bú vì Desloratadin có thể tiết vào sữa mẹ;
  • Bệnh nhân sử dụng thuốc Becolorat có thể bị ngủ gà nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Becolorat

Một số tương tác thuốc của Becolorat gồm:

  • Becolorat (Desloratadin) làm tăng nồng độ, tăng tác dụng của rượu, thuốc ức chế thần kinh trung ương, thuốc kháng cholin, thuốc ức chế chọn lọc thu hồi serotonin;
  • Nồng độ, tác dụng của Desloratadin có thể tăng lên bởi pramlintid, droperidol, chất ức chế P-glycoprotein, hydroxyzin;
  • Desloratadin làm giảm nồng độ và tác dụng của benzylpenicilloyl Polylysine, thuốc ức chế acetylcholinesterase, betahistin, thuốc cảm ứng P-glycoprotein, amphetamin;
  • Có khả năng tương tác dược động học của Desloratadin với các thuốc ảnh hưởng tới enzyme chuyển hóa ở microsom gan như cimetidin, azithromycin, fluoxetin, erythromycin, ketoconazol. Tuy nhiên, không có thay đổi quan trọng về ECG, triệu chứng lâm sàng, chức năng sống hoặc tác dụng phụ,...

Khi sử dụng thuốc Becolorat, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe của bản thân và các loại thuốc mình đang dùng/đã dùng để có sự điều chỉnh phù hợp, tránh nguy cơ tương tác thuốc hoặc những sự cố khó lường khác.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan