Công dụng thuốc Antipylo

Thuốc Antipylo được chỉ định trong điều trị viêm loét dạ dày mạn tính gây ra bởi vi khuẩn HP, viêm loét dạ dày khi liệu pháp kháng loét thông thường không đem lại hiệu quả... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Antipylo qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Antipylo

Thuốc Antipylo là thuốc gì?”. Thuốc Antipylo chứa hoạt chất gồm 500mg Clarithromtcin bào chế dưới dạng viên nén bao phim, 500mg Metronidazole bào chế dưới dạng viên nén bao phim và 20mg Omeprazol bào chế dưới dạng viên nang. Một hộp thuốc gồm 7 vỉ, mỗi vỉ có chứa 6 viên thuốc gồm 2 viên Metronidazole, 2 viên Clarithromycin và 2 viên Omeprazol.

Công dụng của từng thành phần trong thuốc Antipylo như sau:

  • Omeprazole thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton H+/K+ ATPase của tế bào thành dạ dày, từ đó giúp hạn chế tiết acid dịch vị có hồi phục. Sau khi ngưng dùng thuốc, quá trình tiết acid dịch vị trở về bình thường và không có tăng tiết acid;
  • Tinidazole là kháng sinh kháng khuẩn thuộc nhóm 5 – nitroimidazol. Tác dụng chống vi khuẩn kỵ khí, động vật đơn bào thông qua cơ chế xâm nhập vào tế bào vi sinh vật và gây tổn hại trên chuỗi ADN hoặc ức chế tổng hợp ADN của vi khuẩn;
  • Clarythromycin là kháng sinh thuộc nhóm Macrolid thế hệ mới, tác dụng theo cơ chế gắn kết với vị trí đặc hiệu trên tiểu đơn vị ribosom 50S của vi khuẩn và chế tổng hợp protein của vi khuẩn.

Thuốc được chỉ định trong điều trị viêm loét dạ dày gây ra bởi vi khuẩn HP, viêm loét dạ dày khi các phương pháp điều trị loét dạ dày khác không đem lại hiệu quả.

2. Liều dùng của thuốc Antipylo

Antipylo công dụng điều trị viêm dạ dày thuộc nhóm thuốc kê đơn, liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng người bệnh.

Một số khuyến cáo về liều thuốc Antipylo như sau:

  • Uống 1 viên nang Omeprazole trước bữa ăn, 1 viên nén Clarithromycin và 1 viên nén Tinidazole sau bữa ăn. Dùng thuốc vào buổi sáng và tối;
  • Thời gian điều trị bằng Antipylo thông thường là 1 tuần;

3. Tác dụng phụ của thuốc Antipylo

Thuốc Antipylo có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Rối loạn đường tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, khó chịu dạ dày, chán ăn, bất thường về vị giác, đầy hơi, táo bón, tăng men gan thoáng qua;
  • Phản ứng quá mẫn, nổi mày đay, phát ban, ngứa;
  • Đau đầu, hoa mắt chóng mặt, lú lẫn có thể xảy ra ở một số người bệnh.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn khi điều trị bằng thuốc Antipylo.

4. Lưu ý khi sử dụng Antipylo

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Antipylo trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Antipylo;
  • Phụ nữ đang mang thai;
  • Người bệnh bị rối loạn tạo máu.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

Người bệnh cần được loại trừ nguy cơ bị u ác tính trước khi điều trị bằng thuốc Antipylo, vì thuốc có thể làm che lấp các triệu chứng bệnh, làm muộn khả năng chẩn đoán bệnh.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Antipylo ở người bệnh suy thận (độ thanh thải creatin nhỏ hơn 30ml/phút cần giảm một nửa liều điều trị).

Không sử dụng rượu trong thời gian điều trị bằng Antipylo, vì nguy cơ gây phản ứng Disulfiram với hoạt chất Tinidazole trong thuốc

Điều trị bằng thuốc Atipylo trong thời gian dài có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi nấm và vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc. Trường hợp bị bội nhiễm cần ngưng điều trị và tiến hành liệu pháp trị liệu thích hơn.

Trên một số ít người bệnh, vi khuẩn H. Pylori có thể trở nên đề kháng với kháng sinh trong thuốc.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Điều trị bằng Antipylo ở đối tượng này cần được chỉ định và giám sát bởi bác sĩ điều trị dựa trên lợi ích và nguy cơ.

Đối với người lái xe, vận hành máy móc: Antipylo không ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc.

Bảo quản thuốc Antipylo ở điều kiện nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng và nơi có độ ẩm cao.

5. Tương tác thuốc Antipylo

Tương tác thuốc gây ra bởi thành phần Clarithromycin:

  • Clarythromycin làm tăng nồng độ của thuốc được chuyển háo qua cytochrom P450 như Triazolam, Warfarin, Disopyramid, Lovastatin, Cyclosporin, Phenytoin...;
  • Clarythromycin làm tăng nồng độ của Theophylin trong huyết tương, vì vậy cần theo dõi nồng độ của Theophylin trong trường hợp phải sử dụng đồng thời hai thuốc;
  • Hiệu lực của Digoxin tăng lên khi sử dụng đồng thời với Clarithromycin, vì vậy cần theo dõi nồng độ của Digoxin trong máu khi dùng kết hợp;
  • Clarithromycin làm giảm tốc độ bài tiết của Carbamazepin, từ đó làm tăng độc tính và tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ;
  • Clarithromycin được chứng minh là làm tăng nồng độ của Terfenadin;
  • Sử dụng đồng thời Clarithromycin và Zidovudin ở người bệnh nhiễm HIV có thể làm giảm nồng độ Zidovudin ở trạng thái bền.

Tương tác thuốc gây bởi Omeprazole:

  • Tác dụng chống đông máu của Dicoumarol tăng lên khi dùng cùng với Omeprazole;
  • Omeprazole làm giảm quá trình đào thải của Diazepam, Warfarin, Phenytoin.

Tương tác thuốc gây ra bởi Tinidazole: Rượu làm tăng nguy cơ gây phản ứng dạng Disulfiram trong thời gian điều trị bằng Tinidazole, vì vậy không sử dụng rượu trong thời gian điều trị bằng thuốc.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Antipylo, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Antipylo.

68 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan