Công dụng thuốc Anigrine

Anigrine thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid. Thuốc được sử dụng để điều trị các chứng đau cấp tính. Hãy cùng tìm hiểu về công dụng, liều dùng của thuốc Anigrine thông qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Anigrine là thuốc gì?

  • Thuốc Anigrine được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, có thành phần chính là Nefopam hydrochloride hàm lượng 20mg/ 2ml và các tá dược khác vừa đủ 1 ống.
  • Nefopamthuốc giảm đau không gây nghiện, tác động lên hệ thần kinh trung ương. Cho đến nay cơ chế tác dụng của thuốc vẫn chưa được biết biết rõ.
  • Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng kích thích thần kinh giao cảm và kháng thụ thể muscarinic.
  • Thuốc sử dụng hiệu quả trong các cơn đau cấp tính và mạn tính mức độ trung bình.
  • Sau khi tiêm bắp, nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc đạt sau 1 giờ, thời gian bán thải khoảng 4 giờ. Thuốc chuyển hóa và đào thải chủ yếu qua nước tiểu.

2. Thuốc Anigrine có tác dụng gì?

  • Thuốc Anigrine được sử dụng để điều trị các chứng đau cấp tính, nhất là đau sau phẫu thuật.
  • Không sử dụng Anigrine trong các trường hợp sau:
    • Mẫn cảm với Nefopam hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
    • Co giật hoặc có tiền sử bị co giật.
    • Đang sử dụng các thuốc ức chế monoamin oxydase (IMAO).
    • Nguy cơ mắc bệnh glocom góc đóng.
    • Bí tiểu.
    • Trẻ dưới 15 tuổi.

3. Cách sử dụng và liều dùng của thuốc Anigrine

Liều dùng phụ thuộc vào mức độ đau và phản ứng của từng bệnh nhân.

  • Đường dùng thuốc: Tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch chậm.
  • Tiêm bắp sâu: 20mg/ lần, mỗi 6 giờ/ lần, tổng liều không vượt quá 120mg/ ngày.
  • Tiêm tĩnh mạch chậm: 20mg/ lần, mỗi 4 giờ/ lần, tổng liều không vượt quá 120mg/ ngày.
  • Nên để bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa khi tiêm và nằm tại chỗ 15 - 20 phút sau tiêm.

4. Tác dụng phụ của thuốc Anigrine

Khi sử dụng thuốc Anigrine có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Khô miệng, buồn nôn, nôn.
  • Tăng tiết mồ hôi, chóng mặt, nhức đầu, nhìn mờ, ngủ gà, dễ bị kích thích, ảo giác.
  • Đánh trống ngực, tim đập nhanh.
  • Động kinh.
  • Bí tiểu.
  • Phản ứng quá mẫn: Sốc phản vệ, phát ban.

Khi sử dụng thuốc Anigrine, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng dùng thuốc, liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.

5. Tương tác với thuốc Anigrine

Khi sử dụng đồng thời Anigrine có thể tương tác với một số thuốc sau:

  • Không dùng cùng với các thuốc IMAO.
  • Thận trọng khi kết hợp với các thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
  • Khi phối hợp với các thuốc kháng thụ thể muscarinic hay kích thích thần kinh giao cảm có thể làm tăng các tác dụng không mong muốn của những thuốc này.
  • Dùng đồng thời với các thuốc có tác dụng an thần (dẫn xuất morphin, thuốc an thần, barbiturat, benzodiazepin, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, kháng histamin H1) có thể làm tăng tác dụng an thần và giảm sự tỉnh táo.
  • Dùng chung với các chất chứa cồn có thể làm tăng tác dụng an thần.

6. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Anigrine

Khi sử dụng thuốc Anigrine, cần lưu ý trong các trường hợp sau:

  • Không nên dùng Nefopam trong các trường hợp đau mạn tính.
  • Không khuyến cáo chỉ định cho người cao tuổi do Nefopam có tác dụng kháng acetylcholin.
  • Do thuốc có tác dụng phụ gây tăng nhịp tim nên thận trọng với người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch. .
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người suy gan, suy thận do có nguy cơ gây tích lũy thuốc, làm tăng các tác dụng phụ.
  • Đối với bệnh nhân lệ thuộc opioid, khi sử dụng Nefopam có thể gây hội chứng cai nghiện.
  • Chưa có dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng Nefopam trong thời kỳ mang thai hay cho con bú, do đó không nên dùng Nefopam cho các đối tượng này.
  • Khi sử dụng Nefopam có thể gây buồn ngủ, do đó nên thận trọng khi lái xe hay vận hành máy móc.

Ngoài những thông tin trên nếu còn bất kỳ thắc mắc gì về thuốc Anigrine, người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

407 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan