Công dụng thuốc Ampanto

Thuốc Ampanto được dùng theo đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch nhằm điều trị cho các bệnh về đường tiêu hoá như loét dạ dày – tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison, trào ngược dạ dày – thực quản,... Để đảm bảo an toàn và sớm đạt hiệu quả khi điều trị bằng Ampanto, bạn cần tuân thủ chặt chẽ theo các chỉ dẫn về kế hoạch dùng thuốc hợp lý của bác sĩ.

1. Thuốc Ampanto là thuốc gì?

Thuốc Ampanto là thuốc gì? Ampanto thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ và hiện được lưu hành rộng rãi tại Việt Nam. Thuốc Ampanto được các chuyên gia đánh giá cao về khả năng điều trị tốt các bệnh về đường tiêu hoá như loét dạ dày – tá tràng hoặc trào ngược dạ dày - thực quản.

Ampanto được bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm với thành phần chính là Pantoprazole sodium hàm lượng 40mg. Mỗi hộp thuốc Ampanto bao gồm 1 lọ kèm 1 lọ dung môi 10ml.

2. Thuốc Ampanto có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Pantoprazole

Pantoprazole được biết đến là thuốc ức chế đặc hiệu bơm proton, có tác dụng chọn lọc đối với thành tế bào dạ dày, nhờ đó mang lại tác dụng hiệu quả và nhanh chóng hơn so với các thuốc khác. Theo nghiên cứu cho biết, chỉ sau 8 tuần điều trị, tỷ lệ lành vết loét của bệnh nhân có thể đạt tới 95%. Mặt khác, Pantoprazole hiếm khi tác động đến khối lượng dịch vị, sự co bóp dạ dày, yếu tố nội mô dạ dày và sự bài tiết Pepsin.

Dưới đây là đặc tính dược động học của hoạt chất Pantoprazole trong thuốc Ampanto:

  • Hấp thu: Sau khi nạp vào cơ thể, Pantoprazole được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hoá, tuy nhiên có thể thay đổi tuỳ thuộc vào liều lượng cũng như độ pH dạ dày. Mức sinh khả dụng đường uống của Pantoprazole có thể lên đến 70% trong trường hợp dùng liều lặp lại.
  • Phân bố: Pantoprazole có liên kết mạnh với protein huyết tương.
  • Chuyển hoá: Pantoprazole chuyển hoá chủ yếu ở gan.
  • Thải trừ: Khoảng 80% liều Pantoprazole thải trừ qua thận với thời gian bán thải trong vòng 30 – 90 phút.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Ampanto

Hiện nay, thuốc Ampanto được dùng theo chỉ định của bác sĩ để điều trị hiệu quả các vấn đề về đường tiêu hoá sau:

  • Bệnh loét dạ dày – tá tràng.
  • Dự phòng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng do sử dụng thuốc chống viêm không steroid.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Điều trị tình trạng tăng tiết acid bệnh lý cho bệnh nhân mắc hội chứng Zollinger-Ellison.
  • Dùng phối hợp thuốc Ampanto cùng với các kháng sinh khác để tiêu diệt vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày – tá tràng.

Mặc dù vậy, cần tránh tự ý sử dụng thuốc Ampanto cho các đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Bệnh nhân bị quá mẫn hoặc có phản ứng dị ứng với hoạt chất Pantoprazole hay bất kỳ tá dược phụ trợ được bổ sung vào công thức thuốc.
  • Người có tiền sử mẫn cảm với các dẫn xuất Benzimidazol khác như Lansoprazol, Esomeprazol, Rabeprazol hoặc Omeprazol.
  • Chống chỉ định tương đối sử dụng thuốc Ampanto cho phụ nữ đang mang thai, người nghi ngờ có thai hoặc bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Ampanto hiệu quả

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Ampanto theo khuyến cáo

Liều dùng thuốc Ampanto sẽ được xác định cụ thể dựa trên tình trạng sức khoẻ của từng bệnh nhân:

  • Điều trị loét dạ dày tá tràng hoặc trào ngược dạ dày – thực quản mức nặng: Dùng liều 40mg / lần / ngày vào buổi sáng trong vòng 4 – 8 tuần. Đợt điều trị có thể kéo dài đến 16 tuần nếu bệnh nhân có vết loét ở thực quản không lành sau 8 tuần trị liệu. Dùng liều Ampanto duy trì từ 20 – 40mg / ngày.
  • Điều trị bệnh loét dạ dày lành tính: Dùng liều 40mg / ngày và điều trị trong 4 – 8 tuần.
  • Điều trị loét dạ dày – tá tràng do vi khuẩn Hp: Phối hợp cùng các khác sinh theo phác đồ với liều Ampanto là 40mg x 2 lần / ngày.
  • Điều trị dự phòng loét đường tiêu hoá do dùng thuốc NSAIDs: Dùng liều 20mg / ngày.
  • Điều trị tăng tiết acid bệnh lý ở người mắc hội chứng Zollinger-Ellison: Dùng liều ban đầu 80mg / ngày, sau đó điều chỉnh lại liều theo đáp ứng của bệnh nhân.
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều thuốc Ampanto.
  • Bệnh nhân suy gan nặng: Cần giảm liều thuốc Ampanto hoặc dùng cách ngày. Liều thuốc Ampanto tối đa là 20mg / ngày hoặc 40mg / lần / 2 ngày.

3.2 Hướng dẫn cách sử dụng thuốc Ampanto

Thuốc Ampanto được bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch (tuỳ thuộc vào chỉ dẫn của bác sĩ). Dưới đây là cách pha chế Ampanto đối với từng đường dùng cụ thể:

  • Đường tiêm tĩnh mạch: Pha 1 lọ bột đông khô pha tiêm 40mg cùng với khoảng 10ml dung dịch NaCl 0,9%, sau đó tiêm tĩnh mạch chậm trong vòng ít nhất 2 phút.
  • Đường truyền tĩnh mạch: Pha 1 lọ bột đông khô pha tiêm hàm lượng 40mg cùng với dextran 5%, khoảng 100ml dung dịch NaCl 0,9% hoặc dung dịch Ringer Lactat. Sau khi pha, tiêm truyền đường tĩnh mạch cho bệnh nhân trong vòng 15 phút.

Dung dịch thuốc Ampanto sau khi đã pha không được trộn hoặc dùng chung bộ dây truyền cùng các loại thuốc khác. Ngoài ra, dung dịch thuốc cũng nên được sử dụng ngay trong tối đa 12 giờ sau khi pha để đảm bảo chất lượng về mặt vi sinh. Nếu chỉ cần dùng 20mg Ampanto thì chỉ sử dụng khoảng nửa thể tích pha tiêm, phần dung dịch thuốc không dùng đến sẽ được loại bỏ.

Trong quá trình tiêm hoặc truyền tĩnh mạch bằng thuốc Ampanto, bệnh nhân cần theo dõi kỹ các phản ứng của cơ thể và tuân thủ theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn. Người bệnh cần tránh tự ý áp dụng, điều chỉnh liều hoặc dùng thuốc bằng đường khác khi chưa trao đổi cụ thể với bác sĩ.

4. Những tác dụng phụ có nguy cơ gặp phải khi dùng thuốc Ampanto

Bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất nếu có bất kỳ triệu chứng dị ứng thuốc Ampanto như sưng lưỡi, sưng họng, sưng môi, phát ban, sưng mặt, khó thở hoặc sốc phản vệ. Ngoài ra, bạn cũng cần dừng sử dụng thuốc Ampanto nếu gặp phải các dấu hiệu của tụt magie, bao gồm:

  • Có cảm giác bồn chồn.
  • Co giật cơ.
  • Tim đập nhanh.
  • Nhịp tim không đều.
  • Đi tiêu có máu hoặc chảy nước.
  • Yếu cơ, chuột rút hoặc có cảm giác mềm nhũn chân tay.
  • Nghẹt thở hoặc ho.
  • Khó tập trung, nhức đầu, có vấn đề về ghi nhớ
  • Chán ăn, suy nhược, nhầm lẫn, cảm giác không ổn định.
  • Co giật, ảo giác, ngất xỉu hoặc thở nông.

Trong một số trường hợp nhất định, bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý thoáng qua và phổ biến hơn khi điều trị bằng Ampanto như:

  • Buồn nôn, ói mửa, đau dạ dày hoặc tiêu chảy nhẹ.
  • Thay đổi trọng lượng.
  • Đau dạ dày.
  • Ợ hơi.
  • Chóng mặt.
  • Buồn ngủ.
  • Đau khớp.
  • Mất ngủ hoặc khó ngủ.
  • Có cảm giác mệt mỏi.

Không phải bệnh nhân nào cũng trải qua những phản ứng bất lợi trên khi dùng thuốc Ampanto. Một số tác dụng phụ hiếm gặp khác chưa được đề cập đến cũng có nguy cơ xảy ra trong quá trình điều trị. Nếu bạn còn bất kỳ mối băn khoăn nào về tác dụng phụ của thuốc Ampanto, hãy trao đổi cụ thể với người phụ trách y khoa.

5. Một số lưu ý và thận trọng trong quá trình dùng thuốc Ampanto

Nhằm đảm bảo an toàn và sớm đạt hiệu quả điều trị khi sử dụng thuốc Ampanto, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:

  • Trước khi dùng Ampanto hay bất kỳ loại thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton nào cũng cần loại trừ khả năng ung thư dạ dày của bệnh nhân, bởi loại thuốc này có thể che dấu các triệu chứng và gây chẩn đoán muộn ung thư.
  • Thận trọng khi sử dụng Ampanto cho người mắc bệnh xơ gan, suy gan hoặc bệnh gan nặng. Nếu cần thiết phải dùng Ampanto, người bệnh nên theo dõi chức năng gan thường xuyên.
  • Thận trọng khi dùng Ampanto cho bệnh nhân cao tuổi hoặc suy giảm chức năng thận.
  • Chưa có nghiên cứu cụ thể về công dụng và độ an toàn của thuốc Ampanto cho phụ nữ đang mang thai và người mẹ nuôi con bú. Vì vậy, chỉ dùng thuốc Ampanto cho những đối tượng này khi thực sự cần thiết và mặt lợi ích buộc lớn hơn hẳn so với rủi ro gây hại.
  • Không nên dùng Ampanto khi đang lái xe hoặc vận hành các loại máy móc bởi thuốc có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ,...
  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng Ampanto cùng lúc với các loại thuốc khác như thuốc kháng sinh (Ledipasvir, Atazanavir, Nelfinavir,...), thuốc kháng ung thư (Dabrafenib, Bosutinib, Methotrexate,...) hoặc thuốc điều trị bệnh trầm cảm (Eslicarbazepine Acetate, Citalopram,...).
  • Kiểm tra hạn dùng và chất lượng của thuốc trước khi sử dụng nhằm tránh tiêm thuốc đã quá hạn hay hư hỏng.

Thuốc Ampanto được dùng theo đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch nhằm điều trị cho các bệnh về đường tiêu hoá như loét dạ dày – tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison, trào ngược dạ dày – thực quản,...Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan