Công dụng thuốc Alphatrypsin 4 ODT

Thuốc Alphatrypsin 4 thường được dùng để làm giảm tình trạng phù nề, sưng viêm sau phẫu thuật hoặc chấn thương. Ngoài ra, Alphatrypsin 4 còn có tác dụng làm loãng các dịch tiết ở đường hô hấp trên, giúp bệnh nhân hen suyễn, viêm phế quản hoặc viêm xoang cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu. Trong thời gian sử dụng Alphatrypsin 4, bệnh nhân nên thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ gặp các phản ứng bất lợi.

1. Thuốc Alphatrypsin 4 ODT là thuốc gì?

Alphatrypsin 4 ODT là thuốc kháng viêm không steroid, thường được dùng để điều trị tình trạng phù nề sau chấn thương hay phẫu thuật. Ngoài ra, thuốc Alphatrypsin 4 ODT cũng được sử dụng để làm loãng dịch tiết đường hô hấp trên nhằm giúp thông thoáng đường thở cho bệnh nhân bị hen hay viêm xoang.

Thuốc Alphatrypsin 4 ODT được sản xuất bởi Công ty cổ phần dược Apimed – Việt Nam dưới dạng viên nén phân tán trong miệng và đóng gói theo quy cách hộp 2 vỉ, 5 vỉ hoặc 10 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nén Alphatrypsin 4 có chứa hoạt chất chính là Chymotrypsin (Dạng Alpha Chymotrypsin) hàm lượng 4,2mg. Bên cạnh đó, thuốc còn được bổ sung thêm một số tá dược khác như tinh dầu bạc hà, đường trắng, tinh bột mì và Magnesium stearate.

2. Thuốc Alphatrypsin 4 công dụng là gì?

2.1 Tác dụng của hoạt chất Chymotrypsin

Thành phần Chymotrypsin được biết đến là một loại men tiêu hóa có khả năng phân hủy các protease. Hoạt chất này được sản xuất tự nhiên trong cơ thể con người nhờ tuyến tụy. Hiện nay, Chymotrypsin cũng được y học sử dụng rộng rãi dưới dạng men bổ sung nhằm cải thiện nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau.

Hoạt chất Chymotrypsin có khả năng chống phù nề và mang lại tác dụng kháng viêm hữu hiệu. Khi đóng vai trò là chất chống viêm, Chymotrypsin trong thuốc Alphatrypsin 4 hoạt động dựa trên cơ chế ngăn chặn xảy ra những tổn thương mô trong quá trình viêm cũng như sự hình thành của các sợi tơ huyết Fibrin. Nhờ ức chế con đường phát triển của các sợi tơ huyết, Chymotrypsin có thể phá hủy hàng rào bảo vệ vùng viêm gây tắc nghẽn hệ thống mạch bạch huyết và mạch máu, nhờ đó ngăn chặn được hiện tượng phù nề.

Dưới đây là một số công dụng nổi bật của hoạt chất, bao gồm:

  • Giảm sưng tấy và phù nề các mô mềm trên cơ thể.
  • Giảm dịch tiết tại đường hô hấp trên.
  • Cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm xoang, viêm phế quản hay hen suyễn.
  • Giảm nguy cơ chấn thương mắt, giúp loại bỏ phần nhân đục trong bao và thường được dùng trong hoặc sau phẫu thuật thủy tinh thể.
  • Cải thiện tình trạng tụ máu tại vùng da bị chấn thương nhẹ.
  • Điều trị các triệu chứng của viêm tinh hoàn, viêm đường hô hấp cấp – mãn tính hoặc viêm mũi.
  • Điều trị hiệu quả các khối áp xe, vết loét và tình trạng sưng đỏ sau khi trải qua phẫu thuật.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Alphatrypsin 4

Hiện nay, thuốc Alphatrypsin 4 được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị cho những tình trạng bệnh lý dưới đây:

  • Điều trị hiện tượng phù nề sau phẫu thuật hoặc chấn thương, bao gồm chấn thương cấp, dập tim mộ, tổn thương mô mềm, nhiễm trùng, bong gân, chấn thương do thể thao, chuột rút, tan máu bầm, khối tụ máu hoặc phù nề mi mắt.
  • Điều trị các triệu chứng của bệnh viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi.
  • Chỉ định cho bệnh nhân hen bị tiết dịch quá mức ở đường hô hấp trên gây khó thở.

Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc Alphatrypsin 4 cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Người bị dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với hoạt chất Chymotrypsin hay bất kỳ tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định Chymotrypsin cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bị giảm mức Alpha-1 antitrypsin, nhất là bị khí phế thũng.
  • Chống chỉ định thuốc Alphatrypsin 4 cho bệnh nhân mắc hội chứng thận hư.
  • Chống chỉ định tương đối dùng thuốc Alphatrypsin 4 cho thai phụ hoặc bà mẹ nuôi con bú.

3. Thuốc Alphatrypsin 4 được sử dụng như thế nào?

Dược phẩm Alphatrypsin 4 được dùng theo đường uống dưới sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Bệnh nhân cần tránh nhai hoặc nghiền nát thuốc khi uống. Dưới đây là liều dùng Alphatrypsin 4 theo khuyến cáo chung của bác sĩ chuyên khoa:

  • Đường uống: Nuốt 2 viên x 3- 4 lần mỗi ngày.
  • Đường ngậm: Đặt thuốc dưới lưỡi cho đến khi tan hết, mỗi ngày ngậm từ 4 – 6 viên, nên chia làm nhiều lần.

Khi điều trị phù nề hay chống viêm sau chấn thương hoặc mổ, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ trị liệu của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng Alphatrypsin 4 hoặc điều chỉnh liều lượng khi chưa tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

4. Thuốc Alphatrypsin 4 gây ra các tác dụng phụ gì khi dùng?

Ngoài tác dụng điều trị hiệu quả các tình trạng sưng, phù nề và viêm, thuốc Alphatrypsin 4 cũng có thể gây ra một số phản ứng bất lợi cho người dùng, bao gồm:

  • Rối loạn đông máu hoặc chảy máu cam kéo dài. Vì vậy, những người có tiền sử mắc bệnh về máu không nên sử dụng thuốc Alphatrypsin 4.
  • Chóng mặt, đau đầu hoặc buồn nôn.
  • Nổi mày đay, phát ban da, nổi mẩn đỏ hoặc ngứa.
  • Gây tăng áp lực nhãn áp, có nguy cơ gây hủy dây chằng treo thủy tinh thể và tạo dị vật làm cản trở quá trình lưu thông thủy dịch. Nếu không điều trị sớm, tình trạng này có thể dẫn đến hiện tượng đau mắt, mờ mắt và chảy nước mắt sống.

Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên trong thời gian sử dụng Alphatrypsin 4, bệnh nhân nên tạm ngưng uống thuốc và báo cho bác sĩ biết. Khi phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn ngăn ngừa được những nguy cơ sức khỏe khác.

5. Cần lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc Alphatrypsin 4?

Trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc Alphatrypsin 4, bạn cần thận trọng một số điều sau:

  • Không khuyến cáo dùng Alphatrypsin 4 cho người mắc bệnh ưa chảy máu, sắp trải qua phẫu thuật, đang áp dụng liệu pháp kháng đông hoặc bị dị ứng với protein.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Alphatrypsin 4 cho người mắc bệnh loét dạ dày, phụ nữ có thai / dự định có thai hoặc bà mẹ đang nuôi con bú.
  • Sau khi uống thuốc, bệnh nhân nên nghỉ ngơi khoảng 15 phút, tránh lái xe trong thời gian này vì thuốc có thể gây tác dụng phụ buồn ngủ.
  • Bệnh nhân cần uống thuốc theo đúng hàm lượng bác sĩ chỉ định, tránh tự ý thay đổi liều hay lạm dụng thuốc bởi điều này có thể dẫn đến các hiện tượng như đau dạ dày hoặc đau bao tử.
  • Không tự ý kết hợp Alphatrypsin 4 với các loại thuốc khác khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Một số loại dược phẩm có nguy cơ chứa các thành phần tương tác với Alphatrypsin 4 và dẫn đến những tác dụng bất lợi.
  • Alphatrypsin 4 có thể tương tác với một vài loại hạt khi dùng cùng lúc với nhau, chẳng hạn như đậu Jojoba (Mỹ) hoặc đậu nành. Bệnh nhân nên đun sôi hoặc luộc những loại hạt này để loại bỏ bớt lượng protein trước khi ăn nhằm giảm tỷ lệ tương tác với thuốc.
  • Thuốc Alphatrypsin 4 không nên phối hợp dùng chung với Acetylcystein (thuốc tan đờm) hoặc thuốc chống đông máu.
  • Trong trường hợp bỏ lỡ một liều thuốc, bạn nên dùng bù liều càng sớm càng tốt, nhưng cần tránh uống gấp đôi liều hoặc chồng liều.
  • Nếu uống quá liều và gặp phải triệu chứng ngộ độc, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế ngay để được khám chữa kịp thời.
  • Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc Alphatrypsin 4 trước khi dùng để tránh dùng thuốc đã hết hạn.
  • Nếu viên thuốc có dấu hiệu nấm mốc, đổi màu bất thường hoặc chảy nước, bệnh nhân nên loại bỏ thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bảo quản Alphatrypsin 4 tại nơi khô thoáng, tránh ánh sáng mặt trời và nơi có độ ẩm thấp dễ sinh vi khuẩn hay nấm mốc.

Thuốc Alphatrypsin 4 thường được dùng để làm giảm tình trạng phù nề, sưng viêm sau phẫu thuật hoặc chấn thương. Ngoài ra, Alphatrypsin 4 còn có tác dụng làm loãng các dịch tiết ở đường hô hấp trên, giúp bệnh nhân hen suyễn, viêm phế quản hoặc viêm xoang cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

782 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan