Công dụng thuốc Acenews

Thuốc Acenews được sản xuất bởi Xí nghiệp Dược Phẩm 120-Việt Nam, có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam là VD-10860-10, được đăng ký bởi Xí nghiệp Dược Phẩm 120. Công dụng thuốc Acenews giúp làm loãng đờm trong các bệnh phế quản – phổi cấp và mãn tính kèm theo sự tăng tiết chất nhầy.

1. Thuốc Acenews là thuốc gì?

Nhóm thuốc: Thuốc tác dụng trên đường hô hấp

Dạng bào chế: có 2 dạng

  • Thuốc cốm (thuốc acenews 100mg)
  • Quy cách đóng gói: Hộp 30 gói thuốc cốm
  • Thành phần: Acetylcystein 100mg
  • Tá dược vừa đủ 1 gói 2g
  • Viên nang (thuốc Acenews 200mg)
  • Quy cách đóng gói: Hộp 10 vỉ x 10 viên
  • Thành phần: Acetylcystein 200 mg
  • Tá dược (Lactose, Magnesi stearat) vừa đủ 1 viên nang

2. Dược lý của thuốc Acetylcystein

Dược lực học:

Acenews là một chất điều hoà chất nhầy theo kiểu làm tan đờm. Thuốc tác động trên giai đoạn gel của niêm dịch, làm giảm độ quánh của đờm ở phổi có mủ hoặc không, bằng cách cắt đứt cầu nối disulfua trong mucoprotein và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng ho, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học.

Dược động học:

Sau khi uống thuốc nhanh chóng được hấp thu. Thuốc có ái tính đặc biệt với mô phổi và các chất tiết của phế quản, do đó cho phép đạt được nồng độ hiệu quả sau 3 giờ sau khi dùng thuốc.

3. Công dụng thuốc Acenews

Thuốc Acenews có thành phần hoạt chất chính là Acetylcysteine. Acetylcysteine là chất có khả năng cắt đứt các cầu nối disulfua liên kết các glycoprotein, từ đó làm tan chất nhầy, cùng với động tác ho tống nhầy ra bên ngoài. Ngoài ra Acetylcysteine còn có tác dụng chống oxy đối với các gốc tự do sinh ra do nhiễm khuẩn hay từ bên ngoài vào thông qua chất glutathion là chất chuyển hóa trung gian của nó từ đó hỗ trợ nâng cao miễn dịch tự nhiên đường hô hấp. Đặc biệt nó còn có khả năng phối hợp với kháng sinh, làm quá trình diệt khuẩn diễn ra nhanh chóng hơn. Acetylcysteine còn được dùng để giải độc trong quá liều paracetamol.

4. Chỉ định dùng thuốc Acenews

  • Dùng thuốc với mục đích tiêu nhầy, kháng khuẩn (kết hợp với kháng sinh đặc trị) ở các bệnh lý đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi có tăng tiết dịch nhầy.
  • Dùng thuốc để giải độc trong trường hợp ngộ độc paracetamol khi dùng quá liều.

5. Liều dùng và cách dùng thuốc Acenews

Acenews được dùng đường uống, dùng khoảng 30-40ml nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc pha với 1 gói, uống ngay sau khi pha, liều lượng tùy từng trường hợp như sau:

Trường hợp điều trị tiêu nhầy

  • Trẻ em trên 14 tuổi và người lớn: Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 gói.
  • Trẻ em từ 6 đến 14 tuổi: Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 gói hoặc Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1/2 gói.
  • Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi: Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1⁄2 gói.

Trường hợp điều trị bệnh tăng tiết nhầy

  • Đối với trẻ em trên 6 tuổi: Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 gói.
  • Đối với trẻ em từ 2-5 tuổi: Ngày uống 4 lần, mỗi lần nửa gói.

Trường hợp ngộ độc paracetamol

Ban đầu dùng liều 140mg/kg, sau mỗi 4 tiếng dùng tiếp với liều 70mg/kg và liên tiếp như vậy 17 lần.

Lưu ý: Khi dùng thuốc này để giải độc Paracetamol nên dùng trong 8h đầu sau khi ngộ độc, thời gian sau đó hiệu quả kém

6. Chống chỉ định

  • Chống chỉ định với người có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với bất kì thành phần nào của thuốc.
  • Chống chỉ định với bệnh nhân có tiền sử hen.

7. Thận trọng khi sử dụng thuốc Acenews

  • Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định, không tự ý tăng hay giảm lượng thuốc uống để nhanh có hiệu quả.
  • Trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần hạn chế tối đa các loại thức ăn hay đồ uống có chứa cồn hoặc chất kích thích.
  • Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi quyết định ngừng điều trị bằng thuốc.
  • Phụ nữ mang thai và đang trong thời gian cho con bú: chỉ dùng khi thật sự cần thiết mặc dù vẫn chưa có kết quả nghiên cứu chính xác nào về tác hại của thuốc đối với thai nhi.
  • Những người lái xe hoặc vận hành máy móc: gần như không gây ảnh hưởng

Lưu ý:

  • Với các thuốc hết hạn sử dụng hoặc xuất hiện các biểu hiện lạ trên thuốc như mốc, đổi màu thuốc, chảy nước thì không nên sử dụng tiếp.
  • Tránh để thuốc ở những nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào hoặc nơi có độ ẩm
  • Không để thuốc gần nơi trẻ em chơi đùa, tránh trường hợp trẻ em có thể nghịch và vô tình uống phải.

8. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Acenews

  • Tác dụng phụ hay gặp: Buồn nôn hoặc nôn.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Phát ban da, mày đay, buồn ngủ, ù tai, đau đầu.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Co thắt phế quản, sốt, rét run.

Lưu ý: Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy có bất kỳ khó chịu hay bất thương nào, hãy đến gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để có lời khuyên tốt nhất cho bạn.

9. Tương tác thuốc

  • Một số loại thuốc như thuốc trị ho, thuốc kháng sinh tetracyclin, thuốc điều trị bệnh lý tim mạch như Nitroglycerin,...sẽ tương tác với thuốc Acenews vì vậy không nên dùng kết hợp với nhau.
  • Điều cần làm là bệnh nhân hãy liệt kê các thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng vào thời điểm này để bác sĩ có thể biết và tư vấn để tránh tương tác thuốc không mong muốn.

10. Quá liều, quên liều và cách xử trí

Quá liều: Các triệu chứng gặp phải khi bệnh nhân bị uống quá liều thường là các biểu hiện nặng hơn của tác dụng không mong muốn. Và trong trường hợp xấu có thể xuất hiện các triệu chứng lạ và nguy hiểm mà không có dấu hiệu báo trước.

Xử trí: Ngưng thuốc ngay và hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Luôn theo dõi bệnh nhân sát sao, kịp thời phát hiện tình trạng xấu có thể diễn ra và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Quên liều: Nếu liều quên chưa cách quá xa liều dùng đúng thì bệnh nhân nên uống bổ sung ngay liều đó. Trong trường hợp thời gian bỏ liều đã quá lâu thì bệnh nhân nên uống liều tiếp theo như bình thường và duy trì tiếp tục. Không uống gấp 2 liều.

Không nên bỏ liều quá 2 lần liên tiếp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan