Công dụng của cây bách bộ

Bách bộ là một vị thuốc trong y học cổ truyền, có nguồn gốc từ cây bách bộ. Cây bách bộ còn được gọi với nhiều tên khác như là đẹt ác, dây ba mươi, bà phụ thảo, bách nãi, dã thiên môn đông, vương phú, thấu dược, bà tế, bách điều căn, bà luật hương, man mách bộ, bách bộ thảo, cửu trùng căn, cửu thập cửu diều căn,... Vậy cây bách bộ có tác dụng gì?

1. Đặc điểm cây bách bộ

Cây bách bộ có tên khoa học là Stemona tuberosa Lour. Stemonaceae. Cây dạng dây leo có thân nhỏ, nhẵn, quấn, có thể dài 10cm. Lá cây bách bộ mọc đối có khi thuôn dài thân nổi rõ trên mặt lá, có 10 – 12 gân phụ chạy dọc từ cuống lá đến ngọn lá.

Cụm hoa cây bách bộ mọc ở kẽ lá, có cuống dài 2- 4cm, gồm 1-2 bông hoa to màu vàng hoặc màu đỏ. Bao hoa bách bộ gồm 4 phần, 4 nhụy giống nhau, chỉ nhị ngắn. Bầu hoa hình nón, quả nặng có 4 hạt, cây ra hoa vào mùa hè.

Rễ cây bách bộ là loại rễ chùm có gần đến 30 củ vì thế mới có tên gọi là dây ba mươi, có khi nhiều hơn nữa. Cây bách bộ mọc hoang dại khắp nơi, đặc biệt là những vùng đồi núi.

Rễ củ cây bách bộ khô có hình con thoi dài khoảng 6-12cm, đường kính khoảng 0,5-1,5cm, đầu trên hơi phình to, đầu dưới thuôn nhỏ dần, có vết nhăn teo có rãnh dọc sâu bên ngoài, có màu vàng trắng hoặc xám vàng. Chất cứng giòn chắc, ít ngọt, đắng nhiều, có mùi thơm ngát, vỏ ngoài rễ củ có màu đỏ hay nâu sẫm là tốt

Bộ phận dùng làm thuốc là phần rễ củ nhiều năm, củ càng lâu năm càng to càng dài thì càng tốt. Rễ được thu hoặc vào đầu đông hàng năm, hoặc vào lúc đầu xuân, khi chồi cây chưa phát triển, trước khi thu hoạch, cần phải cắt bỏ dây thân, nhổ bỏ cây non, đào toàn bộ củ lên, đem rửa sạch phơi khô.

Các thành phần hóa học chính trong rễ củ cây bách bộ là Stemonine, Isostemonidine, Tubersostemonine, Hodorine, Protostemonine, Sessilistemonine và 1 số loại alcaloid khác chưa rõ cấu trúc.

2. Cây bách bộ có tác dụng gì?

2. 1. Tác dụng của cây bách bộ theo dược lý hiện đại

  • Tác dụng kháng vi trùng: Trong nghiên cứu in vitro cho thấy rễ cây bách bộ có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh gồm: Hemolytic Streptococus, Streptococus Pneumoniae, Neisseria Meningitidis và Staphylococcus aureus.
  • Tác dụng diệt ký sinh trùng: Dịch cồn hoặc nước ngâm kiệt của rễ cây bách bộ có tác dụng diệt ký sinh trùng như là chấy rận, bọ chét, ấu trùng ruồi, muỗi, rệp...
  • Tác động trên hệ hô hấp: Nước sắc rễ cây bách bộ không tỏ ra có tác dụng giảm ho do chích Iod ở mèo. Bách bộ có tác dụng làm giảm hưng phấn ở trung khu hô hấp của động vật, qua đó làm giảm ho do ức chế phản xạ ho.
  • Dùng trong bệnh nhiễm khuẩn: Theo dõi trên 100 bệnh nhân sử dụng nước sắc bách bộ, cho thấy có đến 85% có hiệu quả giảm ho. Stemonin trong rễ cây bách bộ có tác dụng làm giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp của động vật, gây ức chế phản xạ ho, do đó có tác dụng trị ho. Bên cạnh đó bách bộ đã được thí nghiệm chữa lao hạch có kết quả tốt.
  • Tác dụng trị giun và diệt côn trùng: Ngâm giun trong dung dịch 0,15% Stemonin, nhận thấy giun sẽ tê liệt sau 15 phút. Nếu kịp thời lấy giun ra khỏi dung dịch, thì giun sẽ hồi phục lại. Tiêm dung dịch Stemonin sulfat (3mg) vào ếch nặng 25g, có thể khiến cho cho ếch bị tê bại, sau 12 giờ thì bình phục. Dùng rượu thuốc bách bộ 1/10 trong rượu 70 độ, ngâm hoặc phun vào con rận, rận sẽ chết sau một phút.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Rễ cây bách bộ có tác dụng diệt vi khuẩn ở ruột già và kháng vi khuẩn của bệnh lỵ và bệnh phó thương hàn.

2. 2. Tác dụng của cây bách bộ theo y học cổ truyền

Vị thuốc bách bộ có vị ngọt đắng, tính hơi ôn, đi vào kinh Phế. Theo y học cổ truyền, bách bộ có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, sát trùng. Vị thuốc này được sử dụng trong điều trị ho do hư lao. Thường dùng trong điều trị lao phổi, viêm phế quản mạn tính, ho gà, giun đũa, giun kim.

Liều thuốc thường dùng là từ 4 – 20g, ngứa ngoài da, dùng ngoài tùy ý.

Dùng sống để điều trị ghẻ lở, giun sán. Dùng chín để điều trị ho hàn, ho lao.

Vị thuốc bách bộ dễ làm thương tổn tới vị, có tính hoạt trường, chính vì vậy người tỳ hư, tiêu chảy không được dùng.

3. Một số bài thuốc từ cây bách bộ

  • Điều trị ho dữ dội:
    • Dùng rễ bách bộ, gừng sống, đem giã lấy nước, 2 vị bằng nhau, rồi sắc uống 2 chén.
    • Dùng rễ bách bộ ngâm rượu, mỗi lần uống 1 chén, ngày 3 lần.
  • Trị ho lâu năm: Sử dụng rễ bách bộ 20 cân, giã vắt nước, sau đó đem sắc lại cho dẻo quánh, mỗi lần uống 1 muỗng canh, ngày 3 lần.
  • Trị ho nhiều: Sử dụng cả cây và rễ cây bách bộ, giã vắt lấy nước cốt, sau đó trộn với mật ong, 2 thứ bằng nhau. Nấu thành cao, ngậm cao nuốt từ từ.
  • Trị tự nhiên ho không dứt: Sử dụng rễ cây bách bộ, hơ trên lửa nướng cho khô, mỗi lần lấy một ít ngậm nuốt nước.
  • Trị trẻ nhỏ ho do hàn: dùng rễ bách bộ sao, ma hoàng bỏ mắt, mỗi thứ 30g, đem tán bột. Hạnh nhân bỏ vỏ, bỏ đầu nhọn, đem sao, bỏ vào nước thật sôi, vớt ra, nghiền bột, sau đó cho mật vào nặn viên bằng hạt bồ kết. Mỗi lần uống 23 viên thuốc hoàn với nước nóng.
  • Trị các loại côn trùng vào lỗ tai: Sử dụng bách bộ sao, nghiền nát, trộn với dầu mè bôi vào trong lỗ tai.
  • Trị áo quần có rận, rệp, bọ chét, chấy: Sử dụng bách bộ, tần giao nghiền nhỏ cho vào lồng tre xông khói lên, cũng có thể nấu nước giặt.
  • Trị giun kim: Sử dụng bách bộ tươi, sắc kẹo thụt vào hậu môn trong một tuần.
  • Trị giun đũa: Sử dụng bách bộ 12g, sắc uống vào buổi sáng lúc đói, uống liên tục 5 ngày, sau đó dùng thuốc xổ mỗi sáng.
  • Trị các chứng ho do hư chứng: Sử dụng bách bộ, tang bạch bì, mạch môn đông, thiên môn đông, tỳ bà diệp, bối mẫu, ngũ vị tử, tử uyển, sắc uống.
  • Trị ho do cảm mạo, ngứa họng, đờm ít: Sử dụng bách bộ 16g, kinh giới 12g, bạch tiền 12g, cát cánh 12g, sắc uống.
  • Trị lao phổi có hang: Sử dụng các vị thuốc bách bộ 20g, hoàng cầm 10g, đơn bì 10g, đào nhân 10g, đem sắc đặc còn 60ml, uống ngày 1 thang, liên tục trong 2 – 3 tháng.
  • Trị ho do lao phổi, do phế nhiệt: Sử dụng bách bộ 640g, sa sâm 640g, đổ 10 cân nước sắc bỏ bã, sau đó trộn với 640g mật ong, nấu nhỏ lửa cho thành cao. Mỗi lần 8ml cao, ngày uống 2 lần.
  • Trị ho, suyễn, viêm phế quản mạn tính: Sử dụng bách bộ 20g, miên hoa căn 5 cái, ma hoàng 8g, đại toán 1 củ, đem sắc uống.
  • Trị ho gà:
    • Sử dụng bách bộ 10 – 15g, sắc uống.
    • Sử dụng bách bộ 12g, cam thảo 4g, bạch tiền 12g, đại toán 2 tép, đem sắc uống với đường, mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần, uống liên tục 3 – 4 ngày.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan