Có nên kết hợp hai loại thuốc chống trầm cảm?

Kết hợp hai loại thuốc chống trầm cảm là biện pháp nên làm và đã được nghiên cứu, chứng minh để đưa vào điều trị trầm cảm. Kết hợp các loại thuốc chống trầm cảm đặc biệt hữu ích ở người bệnh kháng trị với đơn trị liệu thuốc chống trầm cảm trước đó.

Trầm cảm là một trong những bệnh rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay với tỷ lệ mắc bệnh trên toàn cầu ước tính khoảng từ 3% - 5%. Trầm cảm là bệnh gây ra những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi tiêu cực kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

1. Có các loại thuốc chống trầm cảm nào?

Dựa vào cơ chế hoạt động, thuốc chống trầm cảm bao gồm những loại sau:

  • Thuốc ức chế sự tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): Đây là loại thuốc chống trầm cảm phổ biến, có tác dụng cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não bộ để làm giảm các triệu chứng của bệnh. Có thể kể đến một số loại thuốc SSRIs như Prozac, Sarafem, Zoloft, Lexapro, Paxil, Pexeva, Britorelle, ... SSRIs có thể gây ra một số tác dụng phụ mức độ nhẹ như buồn nôn, chóng mặt, hồi hộp, run, ... nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI): Đây là thuốc chống trầm cảm thế hệ mới có hiệu quả điều trị cao, đồng thời ít gây tác dụng phụ. Có thể kể đến một số loại thuốc SNRI như Effexor XR, Pristiq, Khedezla, Fetzima, Cymbalta, ... SSRIs có thể gây ra một số tác dụng phụ như ngủ không sâu giấc, lo lắng, đau bụng, ...
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs): Đây là một trong những loại thuốc đầu tiên được dùng để chống trầm cảm và được chỉ định thay thế trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với các thuốc SSRIs. Có thể kể đến một số loại thuốc TCAs như Anafranil, Surmontil, Norpramin, ... TCAs có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, thay đổi huyết áp và đường huyết, ...

Ngoài các loại thuốc chống trầm cảm nêu trên, còn có một số loại thuốc khác như: thuốc đối kháng thụ thể 5-HT2, thuốc ức chế monoamine Oxidase (MAOIs), thuốc chống trầm cảm Tricyclic, thuốc đối kháng Noradrenergic, ... Tuy nhiên, cũng như nhiều loại thuốc khác, thuốc chống trầm cảm vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

2. Tại sao kết hợp hai loại thuốc chống trầm cảm?

Trong thực tế điều trị bệnh trầm cảm, các nghiên cứu cho thấy thuốc chống trầm cảm chỉ đáp ứng với khoảng 2/3 bệnh nhân, phần còn lại không đáp ứng hoặc khả năng đáp ứng với thuốc kém. Vì vậy, phương pháp kết hợp hai loại thuốc chống trầm cảm đã được nghiên cứu và cho thấy hiệu quả trong điều trị một cách rõ rệt, đồng thời giảm tỷ lệ người bệnh kháng trị với thuốc.

Các loại thuốc được phối hợp chủ yếu là thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm khác, thuốc an thần thế hệ mới hoặc lithium hay thyroid hormone. Tuy nhiên, nhược điểm của biện pháp này là chi phí điều trị tốn kém và có nguy cơ gây tác dụng phụ.

3. Hiệu quả kết hợp hai loại thuốc chống trầm cảm như thế nào?

Các loại thuốc an thần thế hệ mới được sử dụng trong nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng phối hợp với các loại thuốc chống trầm cảm làm tăng hiệu quả điều trị là Aripiprazole, Quetiapine, Risperidone, Olanzapine, Paliperidone. Hiệu quả phối hợp cụ thể như sau:

  • Aripiprazole: Hiệu quả điều trị cao với liều dùng trung bình từ 10 - 12mg/ngày. Với liều thấp (khoảng từ 2 - 5mg/ngày) thì hiệu quả điều trị thấp. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như khô miệng, táo bón, mệt mỏi, buồn ngủ, run tay.
  • Quetiapine: Với liều dùng trung bình khoảng 182mg/ngày, Quetiapine phối hợp với thuốc chống trầm cảm cho thấy hiệu quả điều trị rõ rệt và xuất hiện sớm hơn. Với liều dùng là 150mg/ngày và 300mg/ngày thì chỉ sau 8 ngày điều trị thuốc đã cho hiệu quả điều trị. Đặc biệt, hiệu quả phối hợp cũng tốt hơn với cả người bệnh không kháng trị với thuốc.
  • Risperidone: Với liều dùng Risperidone tăng thêm 2mg/ngày, hiệu quả điều trị khi phối hợp Risperidone với các loại thuốc chống trầm cảm là rất rõ rệt, giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, khả năng tái phát cũng thấp hơn và khả năng hấp thu thuốc tốt hơn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn là khô miệng, tăng cân, đau đầu, buồn ngủ, tăng prolactin.
  • Olanzapine: Các nghiên cứu cho thấy khi phối hợp Olanzapine với các loại thuốc chống trầm cảm có thể cải thiện triệu chứng tốt hơn và cũng sớm hơn, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, sự phối hợp này làm tăng tác dụng phụ là khô miệng, ăn ngon, tăng cân, đau đầu, buồn ngủ. Trong đó, tăng cân là lý do khiến nhiều bệnh nhân bỏ việc phối hợp điều trị này.
  • Paliperidone: Các nghiên cứu cho thấy khi phối hợp Paliperidone với các loại thuốc chống trầm cảm thì các triệu chứng của bệnh được cải thiện rõ rệt. Chỉ sau 1 tuần điều trị người bệnh không còn mệt mỏi và ngủ tốt hơn và sau 3 tuần thì các triệu chứng thuyên giảm rõ và không còn các biểu hiện của tác dụng phụ.

Với khoảng 1⁄3 bệnh nhân chỉ đáp ứng với thuốc chống trầm cảm đơn trị liệu thông thường, nên kết hợp hai loại thuốc chống trầm cảm để tăng hiệu quả điều trị bệnh. Tuy nhiên người bệnh trầm cảm lưu ý chỉ nên dùng thuốc hoặc kết hợp thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Người bệnh không tự ý điều chỉnh thuốc, bởi có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tới sức khỏe.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan