Cách tính liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn

Sốt cao là triệu chứng xảy ra rất phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau làm người bệnh mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, sinh hoạt hoặc thậm chí là biểu hiện của những bệnh lý nghiêm trọng. Đối với người lớn, có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng để giảm nhiệt độ cơ thể trong những trường hợp cần thiết. Vậy những loại thuốc nào được sử dụng để hạ sốt cho người lớn? Người lớn uống thuốc hạ sốt bao nhiêu mg?

1. Bao nhiêu độ là sốt ? Các nguyên nhân gây ra sốt

Nhiệt độ cơ thể con người là hằng định ở 37oC, cho nên khi lên cao trên mức này thì được gọi là sốt. Tùy vào mức độ lên cao mà sốt được chia làm 3 độ :

  • Sốt nhẹ: Thân nhiệt dao động từ trên 37 – 38°C.
  • Sốt mức độ trung bình: Thân nhiệt trong khoảng 38 - 39°C.
  • Sốt cao: Thân nhiệt lên đến 39 – 40°C.

Khi nhiệt độ cơ thể của người bệnh tăng cao đột ngột trên 40°C là sốt rất cao sẽ có thể nhanh chóng rơi vào trạng thái nguy hiểm và cần được cấp cứu ngay lập tức.

Sốt là phản ứng của cơ thể trước những tác nhân kích thích không có lợi cho sức khỏe, vì vậy cần tìm cách hạ sốt nhanh cũng như tìm kiếm nguyên nhân để điều trị. Nếu không điều trị kịp thời thì từ sốt ban đầu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm thanh quản.
  • Viêm phổi.
  • Co giật, biến chứng não, hôn mê sâu.
  • Rối loạn nhịp tim hoặc viêm cơ tim.

Có nhiều nguyên nhân gây ra sốt và sốt có thể là biểu hiện của nhiều tình trạng bệnh lý như :

  • Sốt siêu vi: Nhiễm virus là nguyên nhân tương đối phổ biến gây ra sốt ở người trưởng thành. Những dấu hiệu thường thấy gồm: đau họng, sổ mũi, ho, khàn giọng, đau cơ,...
  • Sốt do vi khuẩn: Khi 1 cơ quan hay bộ phận nào đó trong cơ thể bị vi khuẩn tấn công, tình trạng sốt sẽ xảy ra như một phản ứng bảo vệ và cảnh báo cho cơ thể bên cạnh những triệu chứng đặc trưng tại cơ quan nhiễm bệnh. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể nếu không được điều trị còn có khả năng gây ra những biến chứng nhiễm trùng những cơ quan khác như:
    • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Gồm viêm phế quản hoặc viêm phổi với các triệu chứng ho, khó thở, tức ngực...
    • Nhiễm trùng hệ tiêu hóa: Nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng...
    • Nhiễm trùng da: Sưng tấy, nổi mủ, phát ban...
    • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu, lú lẫn, thờ ơ, kích thích, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng...
    • Nhiễm trùng cơ quan sinh dục: Tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu máu, đau lưng, đau vùng chậu...
  • Sốt do thuốc: Một số loại thuốc kháng sinh có thể gây sốt nhẹ cho người bệnh trong thời gian dùng thuốc có thể là biểu hiện của tình trạng dị ứng với thành phần trong thuốc. Hãy ngưng dùng thuốc, theo dõi nhiệt độ cơ thể và thông báo cho bác sĩ nếu nhiệt độ không quay về bình thường sau khi ngưng thuốc.

2. Các nhóm thuốc hạ sốt cho người lớn

Liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn tùy thuộc vào loại thuốc mà người bệnh sử dụng. Một số nhóm thuốc được sử dụng phổ biến để giảm nhiệt độ cơ thể ở người trưởng thành bị sốt là :

Paracetamol:

Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất ở cả người lớn và trẻ em. Đây là thuốc hạ sốt không thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt chống viêm không steroid (NSAID) nên là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người chống chỉ định hoặc gặp tác dụng phụ nặng khi dùng NSAID.

Paracetamol được điều chế nhiều dạng khác nhau nên có thể được sử dụng rất linh hoạt, bao gồm thuốc hạ sốt dạng viên nén, viên sủi, gói bột hòa tan, dạng siro, dạng nhét hậu môn.... Đối với người lớn, dạng viên nén và viên sủi hay được sử dụng phổ biến nhất. Paracetamol thường được hấp thu tốt nhưng vẫn có những trường hợp xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như phản ứng dị ứng hoặc tổn thương gan. Paracetamol không gây kích ứng niêm mạc dạ dày hoặc gây ra các vấn đề về dạ dày như thuốc NSAID.

Thuốc hạ sốt kháng viêm không steroid:

Cơ chế hạ sốt của nhóm thuốc này là sự ức chế việc sản xuất prostaglandin, đây là hoạt chất gây viêm, sốt và đau trong các trường hợp viêm và nhiễm trùng. Những thuốc thuộc nhóm NSAID hay được sử dụng để hạ sốt ở người lớn là Ibuprofen, Naproxen và Ketorolac.

  • Ibuprofen: Thường được sử dụng trong các trường hợp đau khớp, đau cơ bắp hoặc đau bụng kinh. Với tác dụng hạ sốt, thuốc dùng khi người bệnh bị cảm cúm hoặc cảm lạnh và giúp giảm đau nhức nhẹ.
  • Naproxen: Đây cũng là thuốc được sử dụng để hạ sốt và giảm đau.
  • Ketorolac: Là thuốc giảm đau dạng tiêm. Người bệnh có thể được sử dụng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

Aspirin:

Aspirin hoạt động bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase 1, 2, từ đó giúp ngăn cản quá trình tổng hợp prostaglandin, hoạt chất gây viêm, sinh nhiệt ở người bệnh. Từ đó giúp tăng cường thải nhiệt, ức chế sinh nhiệt đồng thời giảm đau bằng cách làm giảm tính cảm thụ của dây thần kinh cảm giác.

3. Cách tính liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn

Liều dùng thuốc hạ sốt tùy vào từng loại thuốc như sau:

Paracetamol: Liều dùng cho người lớn là 1 viên paracetamol 500mg/ lần. Nếu chưa hạ sốt có thể sử dụng lại liều tương tự sau từ 4 – 6 giờ. Chú ý không được rút ngắn khoảng nghỉ giữa các lần dùng thuốc và uống không uống quá 6 viên/ ngày. Người bệnh có thể trao đổi thêm với bác sĩ nếu còn có bất kỳ thắc mắc nào.

Thuốc hạ sốt kháng viêm không steroid:

  • Ibuprofen: Người lớn sử dụng 1 – 2 viên Ibuprofen 200mg/ lần, uống 3 lần/ ngày. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định liều cao hơn lên đến 600mg/ lần x 4 lần/ ngày. Khoảng cách an toàn giữa 2 lần dùng thuốc Ibuprofen là 4-6 giờ.
  • Naproxen: Liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn là 1 viên Naproxen 200mg 1 lần, uống cách nhau 8-12 giờ. Lưu ý không uống nhiều hơn 2 viên trong vòng 12 giờ và nhiều hơn 3 viên trong vòng 24 giờ. Không sử dụng hạ sốt với thuốc Naproxen quá 10 ngày liên tục. Trường hợp người lớn bị đau nửa đầu, liều dùng là 550mg/ lần x 2 lần/ ngày, có thể sử dụng trong 4-6 tuần.
  • Ketorolac: Liều dùng thông thường là 30 – 60 mg/ ngày đối với đường tiêm bắp và 30 mg/ ngày đối với tiêm tĩnh mạch. Không sử dụng thuốc quá 5 ngày.
  • Aspirin: Người lớn sử dụng 325-650mg/ lần cho đường uống hoặc đặt hậu môn, thời gian giữa 2 lần dùng thuốc liên tiếp cách nhau 4 giờ và không dùng quá 4g/ ngày.

4. Uống thuốc hạ sốt đúng cách để mang lại hiệu quả

  • Tính đúng liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn và tuân thủ liều lượng, thời gian dùng thuốc theo hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ định của bác sĩ.
  • Nắm kỹ các thành phần có trong thuốc hạ sốt là Paracetamol hay thuốc nhóm NSAID, biết được các tác dụng phụ, rủi ro của thuốc, liều dùng cao nhất đảm bảo an toàn và thời gian dùng thuốc trong bao lâu.
  • Khi có bất thường cần kiểm tra bằng nhiệt kế và không uống thuốc hạ sốt khi chưa thật sự sốt.
  • Theo dõi tình trạng sốt, dựa trên hướng dẫn của thuốc về thời gian sử dụng và nếu không hạ sốt sau thời gian sử dụng, bạn nên đến gặp bác sĩ.
  • Người bệnh không nên uống rượu trong thời gian dùng thuốc. Nếu người bệnh bị nghiện rượu hoặc có bệnh lý về gan, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng Paracetamol hoặc NSAID.

Người bệnh cần nhập viện ngay nếu không đỡ sốt sau khi đã sử dụng thuốc:

  • Sốt kéo dài quá 72 giờ, uống thuốc hạ sốt không đỡ.
  • Sốt cao liên tục trên 39oC.
  • Phản ứng dị ứng với thuốc hạ sốt đang sử dụng.

5. Các biện pháp giúp hỗ trợ hạ sốt

5.1 Uống nước nhiều hơn

Khi bị sốt, cơ thể sẽ mất nước nhanh chóng, từ đó làm rối loạn các quá trình chuyển hóa của cơ thể, không chỉ làm bệnh nặng hơn mà còn khiến gây ra sốt lâu hạ. Bổ sung nhiều nước giúp làm dịu thân nhiệt và bù đắp lại lượng chất lỏng đã mất đi. Ngoài ra, có thể sử dụng Oresol để bù nước trong trường hợp sốt kèm nôn hoặc tiêu chảy làm mất điện giải.

5.2 Bổ sung Vitamin C

Vitamin C được bổ sung khi bị sốt sẽ giúp tăng sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh. Vì thế, người bệnh cần tăng cường các loại nước trái cây giàu vitamin C như cam, ổi, bưởi, quýt...

5.3 Chườm khăn mát

Chườm mát vào những vị trí có thân nhiệt cao là cách hay được áp dụng trong những trường hợp bị sốt. Người bệnh sử dụng khăn mát hoặc khăn ấm chườm lên trán, nách, bẹn và không dùng khăn lạnh, nước đá. Bên cạnh đó, hãy mặc đồ thoáng mát, để nhà cửa thông thoáng nhưng không được có gió lùa.

5.4 Sử dụng tinh dầu xoa bóp

Chất Rubefacients có trong tinh dầu bạc hà có khả năng làm ấm, khiến cơ thể đổ mồ hôi, từ đó giúp cơ thể giảm bớt thân nhiệt. Hãy sử dụng tinh dầu để xoa bóp khu vực sau gáy hoặc lòng bàn chân cũng là một cách hỗ trợ giảm sốt hiệu quả.

Như vậy, liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn có thể được tính dựa vào liều khuyến cáo của mỗi nhóm thuốc khác nhau và tình trạng của người bệnh. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ để có liệu trình điều trị phù hợp nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan