Povidon iod có công dụng sát khuẩn dùng để sát trùng vết thương ở da. Tuy nhiên nhiều người không biết, thực tế Povidon iod có rất nhiều chế phẩm với cách dùng và nồng độ khác nhau, mỗi chế phẩm sẽ phù hợp với từng trường hợp. Vì vậy, trước khi sử dụng povidon iod cần thận trọng.
1. Thuốc sát khuẩn povidon iod là gì?
Thuốc sát khuẩn povidon iod là thuốc có tác dụng kháng khuẩn phổ rộng và kháng nấm. Povidon iod là phức hợp của iod với polyvinylpyrrolidon (povidon được dùng làm chất mang iod) dễ tan trong nước và cồn, khi sử dụng dung dịch povidon iod giải phóng iod dần dần sẽ kéo dài tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn, nấm, động vật đơn bào, kén và bào tử...
Tác dụng của povidon iod mặc dù thua kém hơn các chế phẩm chứa iod tự do, nhưng lại ít độc hơn. Vì có lượng iod tự do thấp nên sẽ an toàn hơn cho người sử dụng.
2. Cách sát khuẩn povidon iod
Trên thị trường hiện tại có nhiều chế phẩm với dạng dùng và nồng độ dung dịch khác nhau nên cần chú ý cách sử dụng từng chế phẩm:
2.1 Dung dịch povidon iod 10%
Là loại được dùng để sát khuẩn các vết thương trên da, khi sử dụng không cần pha loãng dung dịch, bôi trực tiếp dung dịch sát khuẩn lên vùng da bị tổn thương, nên bôi vùng rộng xung quanh tổn thương từ 3-5cm.
Ngày bôi 2 lần, nếu cần có thể phủ gạc vô khuẩn lên vết thương với mục đích sử dụng để tránh nhiễm khuẩn.
2.2 Dung dịch povidon iod 1%
Được dùng để súc miệng, súc họng trong trường hợp có nhiễm khuẩn vùng răng miệng, viêm họng, viêm amidan... Khi sử dụng có thể súc miệng, súc họng trực tiếp với dung dịch mà không cần pha loãng hoặc pha loãng với nước ấm để súc miệng, súc họng.
Mỗi lần sử dụng khoảng 10ml, súc trong 30 giây, không được nuốt, ngày dùng từ 2-4 lần. Chú ý khi sử dụng không nên dùng kéo dài trên 14 ngày và chỉ dùng cho người lớn, trẻ em trên 6 tuổi.
2.3 Đối với dạng bột khô để phun 2,5%
Trước khi dùng phải lắc kỹ lọ, phun thuốc vào vùng tổn thương từ khoảng cách xa 15 - 20cm tới khi bọt phủ kín vết thương, nếu cần có thể phủ gạc vô khuẩn lên vết thương, chú ý không phun vào các khoang niêm mạc, chỉ dùng cho tổn thương trên da. Chỉ dùng người lớn và trẻ em trên 2 tuổi, cân nhắc khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
2.4 Dạng thuốc mỡ povidon iod 10%
Dạng này chỉ dùng ngoài da, bôi tại vị trí vết thương sau đó có thể dùng gạc vô khuẩn phủ lên trên.
2.5 Dung dịch povidon iod rửa âm đạo 10%
Dùng để rửa âm hộ hỗ trợ điều trị bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, ra khí hư nhiều, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung... Pha loãng khoảng 10ml dung dịch với 1 lít nước sạch sau đó dùng để ngâm rửa vùng kín. Sau khi hết các triệu chứng thì ngừng rửa, không nên dùng kéo dài.
2.6 Viên đặt âm đạo
Được dùng để điều trị nhiễm trùng trong phụ khoa, huyết trắng, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm âm hộ-âm đạo...Trước khi đặt vào âm đạo, cần đeo găng tay vô khuẩn và phải làm ẩm viên thuốc bằng nước sạch để thuốc khuếch tán tốt, không gây kích ứng tại chỗ. Sau đó dùng tay đeo găng tay vô khuẩn đặt thuốc vào âm đạo. Chú ý nếu có kinh nguyệt trong khi đang điều trị, thì vẫn tiếp tục điều trị. Với dạng viên đặt này thì người bệnh cần dùng theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc đặt.
3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc sát khuẩn
Mặc dù ít tác dụng phụ nhưng khi sử dụng povidon iod vẫn cần phải chú ý một số điều sau:
- Khi dùng thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ, tuy ít gặp nhưng có thể gây dị ứng như viêm da do iod, đốm xuất huyết. Nên cần chú ý không dùng cho người có tiền sử quá mẫn với iod.
- Khi sử dụng quá nhiều povidon iod thì một lượng iod sẽ hấp thụ vào máu gây thừa iod. Quá thừa sẽ gây ra bệnh lý của tuyến giáp như: Bướu giáp, nhược giáp hoặc cường giáp.
- Dùng các chế phẩm này nhiều lần trên vùng da tổn thương rộng hoặc bỏng nặng sẽ gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như: Thấy có vị kim loại, tăng tiết nước bọt, đau rát họng, gây tiêu chảy, đau dạ dày, kích ứng, khó thở phù phổi..., nặng có thể gây phản ứng toàn thân gây nhiễm acid chuyển hóa, tăng natri huyết và tổn thương thận.
- Khi sử dụng chú ý không được dùng thuốc cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nhất là sơ sinh. Tránh dùng thường xuyên cho người mang thai, đặc biệt ở người mang thai 3 tháng giữa và cuối thai kỳ không nên dùng, phụ nữ đang cho con bú, vì iod qua được hàng rào nhau - thai và bài tiết qua sữa ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ.
- Những người có tiền sử thủng màng nhĩ không dùng dung dịch povidon iod để rửa tai.
Nói chung, mặc dù thuốc sát khuẩn povidon iod chỉ là thuốc dùng ngoài, nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nếu không dùng cách. Vì vậy, nếu dùng povidon iod để sát khuẩn, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Nhất là những đối tượng như người mẫn cảm với iod, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh lý tuyến giáp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM