Chứng nghiện và lạm dụng cần sa

Ngày nay, lạm dụng hay nghiện cần sa trở nên phổ biến. Trong một số trường hợp tác dụng của cần sa chữa bệnh hiệu quả, nhưng cần được sự đồng ý và chỉ định từ bác sĩ. Nếu lạm dụng có thể dẫn đến chứng nghiện cần sa và gây biến chứng nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần.

1. Cần sa là gì?

Cần sa là một loại ma túy bất hợp pháp, được hút bằng tẩu hoặc thuốc lá. Trong cần sa có chứa một chất có thể làm thay đổi tâm trí là tetrahydrocannabinol (THC). Hàm lượng THC trong mỗi loại cần sa là khác nhau và thường dao động từ 1 - 7%.

Khi dùng cần sa, THC sẽ đi theo máu đến não và nhắm vào một số tế bào não được gọi là thụ thể cannabinoid. Một lượng lớn các tế bào này tiếp nhận THC và tồn tại trong các phần của não bộ, làm ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng phối hợp, các giác quan nhận thức và tư duy. Trong một số trường hợp, cần sa có thể được chỉ định để điều trị các vấn đề về sức khỏe.

2. Biểu hiện lạm dụng và nghiện cần sa

Tiêu thụ cần sa quá thường xuyên hoặc không kiểm soát được có thể là biểu hiện của việc lạm dụng. Lạm dụng cần sa có thể tác động tiêu cực đối với sức khỏe và dẫn đến nghiện. Dưới đây là biểu hiện của việc lạm dụng và nghiện cần sa.

2.1. Lạm dụng cần sa

Sử dụng cần sa có thể gây ra một số triệu chứng toàn thân và tâm thần. Tùy vào mỗi người và cách sử dụng, biểu hiện lạm dụng cần sa cũng sẽ khác nhau. Các triệu chứng này có thể xuất hiện tạm thời hoặc kéo dài, trong đó, những triệu chứng lâu dài có thể dẫn đến các biến chứng về thể chất và tinh thần.

Các triệu chứng lạm dụng cần sa tạm thời bao gồm: tăng cảm giác và nhận thức, tăng nhịp tim, thay đổi khẩu vị, cảm thấy hạnh phúc, tâm trạng thay đổi, giảm năng lượng, cảm thấy khó khăn khi giải quyết các vấn đề, khó ngủ, gặp vấn đề về trí nhớ.

Như đã đề cập ở trên, lạm dụng cần sa có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về thể chất lâu dài như: tổn thương phổi, các vấn đề về tim mạch, suy giảm hệ miễn dịch, gặp vấn đề trong học tập.

Bên cạnh đó, cần sa cũng có thể gây ra các biến chứng tâm thần như: hoang tưởng, ảo giác, lo lắng, phiền muộn, ý nghĩ tự tử, làm nghiêm trọng thêm bệnh tâm thần phân liệt.

2.2. Nghiện cần sa

Tương tự như các loại ma túy khác, nghiện cần sa có thể xảy ra khi quá lạm dụng. Sự khác biệt giữa lạm dụng và nghiện được xác định khi một người sử dụng cần sa với tần suất ít hơn nhưng lại cảm thấy khó khăn hơn khi tạm ngưng hoặc không dùng cần sa.

Tùy vào mỗi người, mức độ nghiện cần sa sẽ khác nhau, hoặc có thể phụ thuộc vào chúng nhưng không phải nghiện. Nghiện và lệ thuộc vào cần sa diễn ra ở hai khu vực khác nhau của não bộ. Tuy nhiên, sự phụ thuộc và nghiện lại phát triển cùng nhau.

Trong thời gian kể từ khi được phát hiện và sử dụng đến nay, hiệu lực của cần sa càng ngày càng tăng lên và hàm lượng THC càng mạnh thì càng làm tăng khả năng gây nghiện. Nghiện cần sa có thể xảy ra đối với cả về thể chất và tâm lý. Nghiện thể chất là khi cơ thể cảm thấy thèm cần sa, còn nghiện tâm lý là có ý thức mong muốn tác dụng của cần sa.

Triệu chứng nghiện cần sa cũng tương tự như triệu chứng nghiện các loại thuốc khác như: tăng khả năng chịu đựng, các biểu hiện của hội chứng cai nghiện, buồn nôn, lo lắng, bồn chồn, sụt cân, thèm ăn, mất ngủ, cáu gắt.

3. Lạm dụng cần sa ảnh hưởng như thế nào?

Thanh thiếu niên lạm dụng cần sa làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về não hơn. THC có trong cần sa khi vào vào trong cơ thể sẽ theo máu đến não bộ, nhắm vào các thụ thể và ảnh hưởng lâu dài đến trí nhớ, suy nghĩ và khả năng học tập ngay khi đã ngừng dùng cần sa.

Trẻ vị thành niên nếu hút cần sa sớm có thể làm tăng nguy cơ sử dụng cần sa thường xuyên hơn khi đã trưởng thành và việc này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập cũng như chỉ số IQ của trẻ. Thậm chí, ngừng sử dụng cần sa cũng không giúp phục hồi được trí tuệ.

Đối với phụ nữ đang mang thai, lạm dụng cần sa có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về phát triển và hành vi ở trẻ sơ sinh. Trẻ sau khi sinh ra có thể gặp các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung và học tập. Không chỉ mẹ đang mang thai, mẹ đang nuôi con cho bú nếu sử dụng cần sa cũng ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh bởi THC có bài tiết qua sữa mẹ.

4. Điều trị tình trạng lạm dụng và nghiện cần sa

Khả năng nghiện có thể xảy ra đối với bất kỳ người nào sử dụng cần sa. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nghiện cần sa bao gồm: tiền sử gia đình có người bị nghiện, mắc chứng rối loạn tâm thần, thiếu sự tham gia từ gia đình.

Điều trị nghiện có thể bao gồm phương pháp tư vấn để giúp người nghiện đối phó với chứng nghiện và các vấn đề tâm thần khác. Các loại tư vấn điều trị nghiện cần sa bao gồm: trị liệu hành vi nhận thức cá nhân hoặc nhóm, tư vấn gia đình, liệu pháp tăng cường động lực, nhóm hỗ trợ cộng đồng 12 bước.

Tùy vào thời gian sử dụng và việc nghiện các chất khác, hiệu quả điều trị sẽ khác nhau.

5. Phòng ngừa lạm dụng và nghiện cần sa

Cách tốt nhất để phòng ngừa lạm dụng và nghiện cần sa là tránh sử dụng cần sa, trừ khi bác sĩ chỉ định và chỉ dùng theo khuyến cáo của bác sĩ. Những biện pháp khác để ngăn chặn việc lạm dụng và nghiện cần sa là luôn ở bên người thân, bạn bè để hỗ trợ khi gặp phải vấn đề trong cuộc sống.

Ngoài ra, một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, tập luyện thể thao đều đặn cũng có tác dụng ngăn ngừa sử dụng cần sa. Thiền định và chánh niệm cũng là một trong những biện pháp giúp đối phó với căng thẳng và ngăn chặn việc sử dụng hoặc lạm dụng cần sa để đối phó với các vấn đề gặp phải trong công việc và các mối quan hệ xã hội, cuộc sống.

Lạm dụng cần sa có thể dẫn đến nghiện và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người dùng. Để không bị nghiện cần sa, tốt nhất là nên tránh sử dụng chúng trừ khi bác sĩ khuyến cáo và chỉ định để chữa bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, cdc.gov, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan