Bệnh rối loạn tiền đình có di truyền không?

Áp lực công việc, thói quen sử dụng rượu bia, ... được cho là nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tiền đình. Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc không biết rối loạn tiền đình có di truyền không?

1. Bệnh rối loạn tiền đình là bệnh gì?

Nằm ở phía sau ốc tai, tiền đình là cơ quan thuộc hệ thần kinh và có chức năng duy trì các hoạt động cơ thể ở trạng thái cân bằng như phối hợp tay - chân, mắt - tai và thân thể, giữ tư thế thăng bằng, ...

Bệnh rối loạn tiền đình là tình trạng cơ quan tiền đình bị rối loạn khi thực hiện chức năng của mình như truyền - tiếp nhận và xử lý thông tin. Khi đó, cơ thể đột ngột bị chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, hoa mắt, ... Các triệu chứng này thường tái phát và khiến cho cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng.

Dựa theo cấu trúc giải phẫu, cơ quan tiền đình được chia thành tiền đình ngoại biên và tiền đình trung ương. Trên cơ sở đó, bệnh rối loạn tiền đình cũng được phân thành 2 loại, đó là:

  • Rối loạn tiền đình ngoại biên: Tiền đình ngoại biên là hệ thống tiền đình và dây thần kinh thính giác (hay còn gọi là dây thần kinh số VIII). Rối loạn tiền đình ngoại biên là loại phổ biến và ít gây nguy hiểm cho người bệnh.
  • Rối loạn tiền đình trung ương: Tiền đình trung ương gồm phần nhân tiền đình trong thân não. Bệnh rối loạn tiền đình trung ương ít phổ biến hơn nhưng lại nguy hiểm đối với người bệnh và điều trị cũng khó khăn hơn.

2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh rối loạn tiền đình?

Những yếu tố sau đây được cho là nguyên nhân chính gây ra bệnh rối loạn tiền đình:

  • Mắc các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, thiếu máu não hoặc tắc nghẽn mạch máu.
  • Thần kinh bị tổn thương do thường xuyên căng thẳng, áp lực, nhất là dây thần kinh số VIII.
  • Tổn thương sau khi mắc các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như viêm dây thần kinh, u dây thần kinh hoặc u não, ...
  • Cơ thể bị thiếu máu, nhiễm độc hoặc gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài cũng có thể gây bệnh rối loạn tiền đình.
  • Thói quen sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích, môi trường sống hoặc lao động thường xuyên tiếp xúc hoặc chịu đựng tiếng ồn.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình có thể là:

  • Tuổi tác càng lớn (từ 40 tuổi trở lên), nguy cơ bị rối loạn tiền đình càng cao.
  • Người từng bị choáng, hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng thường xuyên cũng rất dễ bị bệnh trong tương lai.
  • Béo phì, thừa cân cũng là 1 trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

3. Triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình là gì?

Như đã nêu trên, có 2 loại bệnh rối loạn tiền đình là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương. Mỗi loại có triệu chứng ở mức độ khác nhau.

  • Triệu chứng bệnh rối loạn tiền đình ngoại biên: Chóng mặt khi đột ngột thay đổi tư thế, đứng không vững, loạng choạng, mất thăng bằng, đầu óc quay cuồng, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, mất phương hướng, ù tai, suy giảm thính lực, buồn nôn, nôn và hạ huyết áp.
  • Triệu chứng bệnh rối loạn tiền đình trung ương: Chóng mặt, có cảm giác bồng bềnh, thính lực giảm hoặc mất, ù tai, rung giật nhãn cầu, mất thăng bằng, cử động và phát âm khó khăn.

4. Bệnh rối loạn tiền đình có di truyền không?

Bệnh rối loạn tiền đình ngày càng trở nên phổ biến và nhiều người thắc mắc liệu bệnh có di truyền từ cha mẹ sang con không. Thực tế, các nghiên cứu khoa học khẳng định tính di truyền của bệnh rối loạn tiền đình (bao gồm rối loạn tiền đình ngoại biên và trung ương) là còn rất hạn chế.

Các nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình là những tổn thương từ bên ngoài hoặc bên trong tác động đến hệ thần kinh. Vì vậy, chưa chắc chắn đây là 1 căn bệnh di truyền. Tuy nhiên, người có tiền sử gia đình bị bệnh thì khả năng mắc cũng có thể cao hơn so với người khác.

Vì vậy, khi thấy có triệu chứng của rối loạn tiền đình thì người bệnh nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ hoặc sớm đến cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác. Từ đó có định hướng điều trị để bệnh không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như để lại biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

939 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan