Trật khớp ức đòn: Dấu hiệu và cách điều trị

Trật khớp ức đòn là tình trạng hay gặp sau một chấn thương gián tiếp vào cung trước vai với cánh tay dạng. Có 2 dạng là xương đòn di lệch ra trước và di lệch ra sau. Trật khớp ức đòn có thể do bẩm sinh hoặc sau thoái hóa khớp, viêm khớp.

1. Tổng quan

Trật khớp ức đòn là tình trạng không tiếp khớp giữa đầu trong xương đòn và đầu xương ức. Số lượng ca trật khớp ức đòn tương đối ít, chỉ khoảng 3% trong tổng số các trật khớp quanh đai vai (với 95% là ở một bên). Có 2 hình thức trật chính là: trật ra trước và trật ra sau. Trong đó trật khớp ức đòn ra trước: phổ biến hơn do dây chằng ức đòn trước yếu hơn, trật khớp ức đòn ra sau tuy hiếm gặp nhưng lại có biến chứng nguy hiểm như: biến chứng khí quản, mạch máu thần kinh, chấn thương thực quản, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Reiter, viêm cột sống dính khớp, nhiễm khuẩn và viêm khớp vảy nến...

Nguyên nhân gây trật khớp thường là do chấn thương (đeo đai an toàn chéo qua ngực, đụng dập vùng ngực...) hoặc không do chấn thương. Nguyên nhân không do chấn thương thường gặp ở những người bệnh bị thiếu hụt collagen như: hội chứng lỏng lẻo đa dây chằng toàn thân (Ehlers-Danlos), biến dạng mô cơ, xương đòn bất thường...

2. Dấu hiệu nhận biết trật khớp ức đòn

Thông qua thăm khám lâm sàng bác sĩ đã có thể nhận thấy dấu hiệu biến dạng của khớp, cụ thể:

  • Trật khớp ra trước thường gây đau và xuất hiện một khối nổi gồ lên cạnh xương ức (lưu ý phân biệt với gãy đầu trong xương đòn).
  • Trật khớp ra sau thường gây đau ở đầu trong xương đòn hoặc xuất hiện với các triệu chứng chèn ép như khó thở, khó nuốt.

Ngoài ra người bệnh có thể cảm thấy cơn đau khi đưa vai ra trước, co rút vai (nhún vai) và khi nâng cánh tay lên cao, đồng thời phải rất cố gắng để cố định khớp bằng cách giữ vai ở tư thế trung gian. Khi sờ vào khớp ức đòn có dấu hiệu đau, nóng và sưng vùng ức đòn nếu xảy ra viêm cấp.

Để chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý của xương, bác sĩ có thể đề xuất chụp X-quang thường quy hoặc chỉ định thêm các xét nghiệm khác như: phân tích tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, đánh giá chỉ số kháng nguyên tuyến tiền liệt PSA (đối với nam giới) và xét nghiệm kháng thể kháng nhân. Trong một số trường hợp, chụp CT, CT 3D hay chụp cộng hưởng từ MRI khớp cũng được chỉ định nếu cần đánh giá tổn thương mô mềm, quan sát cấu trúc trung thất và các tổn thương phối hợp (nếu có).

trật khớp ức đòn
Trật khớp ức đòn ra trước thường gây đau và xuất hiện một khối nổi gồ lên cạnh xương ức

3. Hướng điều trị trật khớp ức đòn

Để điều trị trật khớp ức đòn, trước hết các bác sĩ cần thăm khám để xác định nguyên nhân, tình trạng bệnh. Tùy vào mức độ trật khớp mà sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.

3.1. Nắn chỉnh

Đối với tình trạng trật mới đa phần phương án nắn kín dưới gây mê sẽ được các bác sĩ ưu tiên. Cụ thể với trường hợp trật ra trước, người bệnh được yêu cầu nằm ngửa tay duỗi dạng, để kỹ thuật viên ấn đầu trong xương đòn ra sau. Tương tự với trường hợp trật ra sau, kỹ thuật viên dùng kẹp xăng kẹp đầu trong xương đòn và kéo ra phía trước.

Sau khi nắn kín người bệnh cần đeo đai số 8 trong khoảng 4 - 6 tuần, kết hợp sử dụng các loại thuốc giảm đau, giảm sưng nề. Trong thời gian đeo đai vẫn nên duy trì tập thụ động khuỷu, cổ bàn tay... dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

3.2. Phẫu thuật mở và cố định khớp

Phẫu thuật được xem là biện pháp thay thế áp dụng cho các trường hợp nắn kín không có hiệu quả hoặc các triệu chứng mất vững tiến triển kéo dài.

Hiện nay có nhiều kỹ thuật để điều trị trật khớp ức đòn, từ mổ mở nắn chỉnh cố định bằng Kirschner, chỉ thép, dùng nẹp móc hoặc vít xốp rời... Tuy nhiên hướng điều trị này thường áp dụng cho những trường hợp trật mới do chấn thương. Ngoài ra cũng có các phương pháp khác như mổ mở tái tạo dây chằng bao khớp ức đòn bằng gân chân ngỗng, màng xương hoặc sử dụng neo khâu; cắt đầu trong xương đòn đơn thuần (Rockwood)... và mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Việc lựa chọn kỹ thuật nào còn phụ thuộc vào thời gian trật, tình trạng và lựa chọn của người bệnh.

Để thăm khám và có hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân nên đến bệnh viện có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được bác sĩ tìm nguyên nhân, đánh giá mức độ bệnh và các yếu tố ảnh hưởng, sau đó đưa ra các giải pháp điều trị phù hợp và đem lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan