Chỉ định thay khớp háng ở người viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, đe dọa tới sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Để điều trị viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể chỉ định thay khớp háng hoặc dùng thuốc tùy từng trường hợp cụ thể.

1. Viêm khớp dạng thấp - tình trạng thường gặp ở khớp háng

Viêm khớp tự miễn là tên gọi chung của 1 nhóm bệnh liên quan tới hệ thống khớp trên cơ thể. Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch cơ thể tấn công lớp niêm mạc của khớp, khiến các khớp bị sưng đau, biến dạng khớp do viêm khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của bệnh nhân. Tình trạng này không chỉ giới hạn tại các khớp mà còn có thể gây ảnh hưởng tới những cơ quan khác, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm khớp tự miễn gồm nhiều nhóm bệnh như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp, xơ cứng bì,... Trong đó, viêm khớp dạng thấp là dạng viêm khớp tự miễn thường gặp nhất. Cơ chế của bệnh là màng hoạt dịch bị viêm, dày lên, có thể làm tổn thương sụn khớp, gây ăn mòn sụn hoặc xương dưới sụn, dẫn tới hư hỏng các khớp.

Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường có triệu chứng đau đớn, khó chịu và cứng khớp ở các khớp bị sưng như bàn tay, bàn chân, cổ tay, khớp háng,... Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng như: Gây biến dạng khớp háng, hạn chế hoặc mất khả năng vận động.

2. Chỉ định thay khớp háng cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Có nhiều phương pháp được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, tùy thuộc triệu chứng và tiến triển của bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện điều trị nội khoa, tập vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. Thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp kịp thời sẽ hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng như viêm mạch máu, loãng xương, bệnh phổi mãn tính, tổn thương hệ thần kinh,...

Với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, tùy mức độ nặng và tình trạng sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định thay bán phần hoặc toàn bộ khớp háng bằng khớp háng nhân tạo. Bệnh nhân phù hợp với những điều kiện sau thường được chỉ định thay khớp háng:

  • Đau khớp háng gây hạn chế sinh hoạt hằng ngày (khó thực hiện các động tác đi bộ, gập người,...);
  • Đau khớp háng liên tục kể cả khi nghỉ ngơi, ban ngày hoặc ban đêm;
  • Cứng khớp háng gây hạn chế khả năng di chuyển, nâng chân;
  • Sử dụng thuốc kháng viêm, dụng cụ hỗ trợ đi bộ hoặc vật lý trị liệu không có nhiều tác dụng giảm đau.
điều trị viêm khớp dạng thấp
Thay khớp háng điều trị viêm khớp dạng thấp mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân

3. Lợi ích khi thay khớp háng điều trị viêm khớp dạng thấp

Phẫu thuật thay khớp háng mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như:

  • Giúp trên 95% bệnh nhân giảm đau khớp háng sau phẫu thuật;
  • Khôi phục khả năng vận động thoải mái cho bệnh nhân;
  • Người bệnh có thể quay lại các sở thích trước đây, nhất là các hoạt động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chơi golf,...;
  • Cải thiện sự linh hoạt của khớp;
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân vì giảm mất ngủ, giảm căng thẳng và mệt mỏi;
  • Giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan tới bệnh lý mãn tính như tiểu đường, suy tim, trầm cảm,...

4. Lưu ý sau điều trị viêm khớp dạng thấp bằng thay khớp háng

Chăm sóc và tập luyện sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng đối với sự khôi phục của người bệnh. Do đó, sau khi xuất viện, bệnh nhân cần chú ý:

  • Có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và khoa học;
  • Đặt các vật dụng cần thiết trong tầm với để tiện sử dụng. Vị trí đặt đồ vật nên ở ngang hông để người bệnh không phải cúi người hoặc với tay lên;
  • Điều chỉnh một số đồ dùng trong nhà tắm cho phù hợp với việc sinh hoạt như thêm tay vịn tường nhà tắm, nâng cao bệ ngồi toilet,...;
  • Sau phẫu thuật 6 -12 tuần, bệnh nhân cần tái khám. Nếu quá trình hồi phục tiến triển tốt thì người bệnh nên tiếp tục tái khám định kỳ trong vòng 6 - 12 tháng;
  • Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để lấy lại khả năng hoạt động của cơ và khớp;
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như gậy, nạng, khung tập đi,... theo đúng hướng dẫn.

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng phương pháp thay khớp háng nhân tạo đã mở ra hy vọng cho bệnh nhân trong việc khôi phục khả năng vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nếu có triệu chứng viêm khớp dạng thấp, người bệnh nên đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

155 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan