Bài tập giúp người bị rối loạn thái dương hàm đỡ mỏi

Rối loạn chức năng khớp thái dương hàm là bệnh lý vùng hàm mặt thường gặp và gây ra những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc các bài tập chữa rối loạn khớp thái dương hàm để giúp cải thiện tình trạng này.

1. Rối loạn khớp thái dương hàm là gì?

Khớp thái dương hàm là một thành phần của hệ thống nhai bao gồm các răng, hệ thống các cơ nhai và khớp thái dương hàm. Các thành phần này có quan hệ chặt chẽ với nhau để góp phần hiệu quả trong hoạt động ăn nhai hằng ngày. Khi có hiện tượng mất ổn định của một trong ba thành phần này sẽ có thể dẫn tới rối loạn khớp thái dương hàm.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh lý này bao gồm:

  • Đau nhói ở vùng trước nắp tai lan ra đau vùng má hoặc lan lên thái dương, đau đầu.
  • Há miệng hạn chế. Khi há miệng có kèm theo tiếng lục cục khớp.
  • Một số bệnh nhân có thể kèm theo hiện tượng đau vai gáy, đau tai, nhức mắt nên có thể đi khám nhầm chuyên khoa. Các triệu chứng này có thể xuất hiện với các mức độ đau khác nhau từ nhẹ đến nặng nên sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

2. Hậu quả rối loạn khớp thái dương hàm

Khi bệnh nhân mắc phải rối loạn khớp thái dương hàm sẽ dẫn đến tình trạng đau do đau vùng cơ nhai hoặc đau do sưng nề viêm ở vùng khớp kéo dài. Điều này làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, tình trạng này còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn như chỏm lồi cầu bị tiêu xương, mòn bề mặt khớp, lồi cầu dính chặt vào hõm khớp gây khó khăn hoặc không há được miệng.

Triệu chứng có tiếng kêu khớp khi há ngậm thường do đĩa đệm bị trật khỏi vị trí thông thường và đĩa đệm bị trật có thể trở lại vị trí cũ được gọi là trật đĩa đệm có hồi phục. Ngược lại, khi đĩa đệm trật hoàn toàn ra trước không thể trở lại đúng vị trí được gọi là trật đĩa đệm ra trước không hồi phục. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới teo đĩa đệm, thoái hóa khớp và dính khớp.

3. Các bài tập chữa rối loạn khớp thái dương hàm

3.1. Bài tập làm chắc khỏe cơ

Bài tập này thường được các bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện sau khi cơn đau đã dần biến mất nhằm ngăn ngừa tình trạng này tái phát. Các bài tập này chủ yếu là động tác mở và khép miệng khi gây một chút lực cản lên cằm.

Bài tập mở miệng được thực hiện bằng cách đặt một ngón tay cái dưới cằm và nhẹ nhàng ấn sát vào cằm. Trong khi đó đồng thời mở miệng chậm rãi từ từ và giữ nguyên ở tư thế đó trong một vài giây trước khi từ từ khép miệng lại.

Bài tập khép miệng được thực hiện bằng cách đặt ngón trỏ và ngón cái ở cùng một bàn tay để bóp trên phần sống hàm nằm giữa cằm và môi dưới rồi nhẹ nhàng khép miệng lại.

3.2. Bài tập kéo căng hàm

Kéo căng hàm và các khớp xung quanh hàm một cách nhẹ nhàng cũng có thể giúp ngăn ngừa cơn đau khớp thái dương hàm tái phát. Bệnh nhân có thể thực hiện bằng cách kéo căng hàm bao gồm ấn đầu lưỡi vào vòm miệng rồi từ từ mở miệng to hết mức mà không bị đau. Nếu cảm giác đau xuất hiện thì hãy ngừng thực hiện. Đây là là dấu hiệu cho thấy bạn cần dành thêm nhiều thời gian để thực hiện bài tập này.

Ngoài ra còn có một số bài tập kéo căng tương tự để giúp tập trung vào việc di chuyển hàm càng nhiều càng tốt mà không cảm thấy khó chịu. Bạn có thể thực hiện bằng cách làm theo các bước sau:

  • Bắt đầu bằng việc thả lỏng cho hàm với tư thế thư giãn nhất có thể và miệng khép. Sau đó từ từ há miệng to hết mức có thể, đồng thời ngước mắt lên phía trên. Giữ nguyên tư thế đó trong khoảng một vài giây rồi khép miệng từ từ lại.
  • Trong quá trình khép miệng, cần di chuyển cơ hàm sang bên trái trong khi đưa mắt nhìn sang bên phải nhưng không quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh nhân cần giữ yên tư thế này trong khoảng vài giây rồi di chuyển lại về tư thế ban đầu. Thực hiện lặp lại quá trình như trên nhưng với hướng ngược lại.

3.3. Bài tập thư giãn cơ

Các bài tập với động tác giúp thư giãn cũng góp phần lớn trong điều trị rối loạn khớp thái dương hàm, đặc biệt ở những bệnh nhân rối loạn khớp thái dương hàm do căng thẳng. Khi cảm thấy cơ hàm bị căng ra, bệnh nhân nên hít vào khoảng năm hoặc mười lần, sau đó từ từ thở ra. Đây không phải là một bài tập thể dục nhưng cũng là cách để làm giảm đi căng thẳng trong cuộc sống, giúp giải quyết được phần nào nguyên nhân gây bệnh.

Điều quan trọng cần lưu ý khi thực hiện các bài tập trên là đảm bảo rằng bệnh nhân không bị đau. Nếu trong quá trình thực hiện có xuất hiện triệu chứng đau thì cần dừng lại ngay và liên hệ cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài các bài tập giúp cho cơ hàm chắc khỏe hơn thì chăm sóc sức khỏe răng miệng cũng là yếu tố cần được quan tâm trong việc giảm đi các cơn đau do rối loạn. Khi thực hiện chải răng hoặc trong các hoạt động hằng ngày như ăn uống hoặc ngáp, cần lưu ý không há miệng quá rộng để tránh các hậu quả đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan