Các xét nghiệm trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Bài viết của Bác sĩ CK I Nguyễn Thị Minh Thuyên - chuyên khoa Giải phẫu bệnh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Hiện có nhiều phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt chính xác và cụ thể giai đoạn, làm cơ sở cho phác đồ điều trị tối ưu.

I. Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu thường không gây ra triệu chứng. Khi bệnh tiến triển hơn, có thể gây ra các triệu chứng, như:

  • Các bất thường khi đi tiểu, bao gồm cả dòng nước tiểu chậm hoặc yếu hoặc nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt vào ban đêm:
  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch;
  • Rối loạn cương dương;
  • Đau ở hông, lưng (cột sống), ngực (xương sườn) hoặc các khu vực khác do ung thư đã di căn đến xương;
  • Yếu hoặc tê ở chân hoặc bàn chân, thậm chí mất khả năng kiểm soát tiểu tiện do ung thư tác động lên tủy sống.

Hầu hết những triệu chứng này nhiều khả năng do các nguyên nhân khác ngoài ung thư tuyến tiền liệt. Ví dụ, khó đi tiểu thường do tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (benign prostatic hyperplasia-BPH). Tuy nhiên, quan trọng là phải đi khám bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào để có thể tìm ra nguyên nhân và điều trị nếu cần.

II. Thăm khám và các xét nghiệm chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Nếu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt (dựa trên kết quả các xét nghiệm sàng lọc hoặc các triệu chứng), người bệnh sẽ cần được thăm khám và làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán chắc chắn. Cụ thể như sau:

1.Tiền sử y tế và thăm khám bác sĩ

  • Bất kỳ triệu chứng cũng như bất kỳ vấn đề nào về tiết niệu hoặc tình dục nào bạn đang gặp phải, đã mắc bao lâu?
  • Các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra, gồm cả tiền sử gia đình
  • Bác sĩ thăm khám trực tràng bằng tay (digital rectal exam – DRE) để cảm nhận bất kỳ vết sưng hoặc vùng cứng nào trên tuyến tiền liệt có thể là ung thư, một bên hoặc hai bên hoặc có khả năng đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt đến các mô lân cận hay không.

Sau khi hỏi tiền sử và thăm khám trực tràng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm.

2.Xét nghiệm PSA máu

  • Đây là kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen-PSA) - một loại protein do các tế bào trong tuyến tiền liệt tạo ra (cả tế bào bình thường và tế bào ung thư).
  • PSA chủ yếu có trong tinh dịch, nhưng một lượng nhỏ cũng có trong máu
  • Khi nào bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm PSA máu:
    • Để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt
    • Ở bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt:
      • Giúp quyết định xem có cần thực hiện thêm các xét nghiệm, chụp chiếu khác không (như chụp CT xương)
      • Mức PSA giúp xác định giai đoạn ung thư, có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị. Bởi một số phương pháp điều trị có thể không hiệu quả nếu ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể
      • PSA thường là một phần quan trọng để xác định hiệu quả của điều trị cũng như theo dõi khả năng tái phát của ung thư sau điều trị.

3. Sinh thiết tuyến tiền liệt (prostate biopsy)

  • Nếu kết quả xét nghiệm PSA máu, thăm khám trực tràng hoặc các xét nghiệm khác cho thấy bạn có thể mắc ung thư tuyến tiền liệt, thì thường cần sinh thiết.
  • Chẩn đoán xác định ung thư tuyến tiền liệt chỉ có thể được thực hiện bằng sinh thiết tuyến tiền liệt và sau đó đọc kết quả dưới kính hiển vi.
  • Thông thường, bác sĩ sẽ gây tê vùng và lấy các mẫu nhỏ từ các vùng khác nhau của tuyến tiền liệt (khoảng 12 mẫu)
  • Trong một vài ngày sau khi làm thủ thuật sinh thiết này, bạn có thể cảm thấy:
    • Đau nhức
    • Thấy máu trong nước tiểu
    • Chảy máu nhẹ từ trực tràng, đặc biệt nếu có tiền sử bệnh trĩ
    • Một số thấy máu trong tinh dịch hoặc tinh dịch có màu gỉ sắt, có thể kéo dài vài tuần sau khi sinh thiết, tùy thuộc vào tần suất xuất tinh.

4. Xét nghiệm di truyền

Một số nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt nên xét nghiệm để tìm những thay đổi gen di truyền nhất định, bao gồm:

  • Người nghi ngờ mắc hội chứng ung thư gia đình (như đột biến gen BRCA hoặc hội chứng Lynch);
  • Người có một số đặc điểm nguy cơ cao hoặc đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

5. Các chẩn đoán hình ảnh

  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X, từ trường, sóng âm thanh hoặc chất phóng xạ để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể
  • Mục đích sử dụng chẩn đoán hình ảnh:
    • Tìm ung thư ở tuyến tiền liệt
    • Giúp bác sĩ khám tuyến tiền liệt trong một số quy trình nhất định (như sinh thiết tuyến tiền liệt hoặc đánh giá sau điều trị)
    • Tìm kiếm sự lây lan của ung thư đến các bộ phận khác của cơ thể
  • Tùy từng trường hợp bạn có thể cần các loại xét nghiệm khác nhau. Ví dụ, hướng dẫn sinh thiết tuyến tiền liệt qua siêu âm ngã trực tràng và / hoặc MRI

Các xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng bao gồm:

5.1 Siêu âm qua trực tràng (Transrectal ultrasound - TRUS)

TRUS có thể được sử dụng trong các trường hợp khác nhau:

  • Tìm kiếm các vùng nghi ngờ trong tuyến tiền liệt ở những người có kết quả xét nghiệm PSA bất thường (mặc dù vẫn có thể bỏ sót một số ung thư);
  • Hướng dẫn trong khi sinh thiết để đưa kim vào đúng khu vực tuyến tiền liệt;
  • Đo kích thước của tuyến tiền liệt, có thể giúp xác định mật độ PSA;
  • Sử dụng như một hướng dẫn trong một số điều trị như liệu pháp xạ trị trong hoặc áp lạnh.

5.2 Chụp cộng hưởng từ (MRI)

MRI có thể được sử dụng trong các trường hợp khác nhau:

  • Giúp xác định xem một người có xét nghiệm sàng lọc bất thường hoặc có các triệu chứng có thể là do ung thư tuyến tiền liệt có nên làm sinh thiết hay không?
  • Nếu dự định sinh thiết, MRI có thể giúp xác định vị trí và nhắm đúng các vùng của tuyến tiền liệt nhiều khả năng chứa tế bào ung thư nhất. Thường thực hiện kết hợp MRI / siêu âm;
  • Nếu ung thư đã được phát hiện, MRI có thể giúp xác định mức độ lan rộng (tức là giai đoạn): Ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt vào túi tinh hoặc các cấu trúc lân cận khác hay chưa? Từ đó làm căn cứ xác định các lựa chọn điều trị tối ưu;
  • MRI thường không cần thiết đối với ung thư tuyến tiền liệt mới được chẩn đoán có khả năng chỉ giới hạn trong tuyến tiền liệt.

5.3 Chụp xạ hình xương (bone scan)

Nếu ung thư tuyến tiền liệt di căn đến các bộ phận xa của cơ thể, xương thường là bộ phận đầu tiên di căn đến. Xạ hình có thể gợi ý ung thư trong xương.

5.4 Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)

  • PET sử dụng các chất đánh dấu khác nhau, phát hiện được trong các tế bào ung thư. Chất đánh dấu phổ biến nhất là FDG, một loại đường. Các chất đánh dấu mới hơn, có khả năng phát hiện tế bào ung thư tuyến tiền liệt tốt hơn.
  • Các loại chụp PET mới hơn này thường được sử dụng nếu không rõ liệu ung thư tuyến tiền liệt đã di căn chưa. Ví dụ: Nếu một người có kết quả cắt lớp xương không rõ ràng hoặc có mức PSA tăng sau khi điều trị ban đầu nhưng không rõ vị trí của ung thư di căn trong cơ thể;
  • Hình ảnh từ chụp PET không chi tiết như hình ảnh chụp MRI hoặc CT, nhưng thường cho thấy các vùng ung thư ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Một số máy có thể thực hiện chụp PET và MRI (PET-MRI) hoặc CT (PET-CT) cùng một lúc, có thể cung cấp thêm chi tiết về các khu vực hiển thị trên chụp PET;
  • Các bác sĩ vẫn đang tìm hiểu về những cách tốt nhất để sử dụng các loại chụp PET mới hơn này. Trên thực tế, không phải Trung tâm chẩn đoán hình ảnh nào cũng có máy chụp PET.

5.5 Chụp cắt lớp vi tính (CT)

  • Chụp CT sử dụng tia X để tạo ra những hình ảnh chi tiết, mặt cắt ngang cơ thể;
  • CT thường không cần thiết đối với ung thư tuyến tiền liệt mới được chẩn đoán nếu có khả năng khu trú ở tuyến tiền liệt dựa trên các phát hiện khác (kết quả DRE, mức PSA và điểm Gleason);
  • CT có thể giúp biết ung thư tuyến tiền liệt đã di căn vào các hạch bạch huyết gần đó hay chưa;
  • Nếu ung thư tuyến tiền liệt tái phát sau khi điều trị, chụp CT thường có thể cho biết liệu nó có phát triển sang các cơ quan hoặc cấu trúc khác trong xương chậu hay không;
  • Chụp CT không hữu ích như cộng hưởng từ (MRI) trong việc quan sát hình ảnh tuyến tiền liệt.

6. Sinh thiết hạch bạch huyết (lymph node biopsy)

Là lấy một hoặc nhiều hạch bạch huyết để xem trong hạch đã có tế bào ung thư không.

  • Sinh thiết trong phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt: Nếu khả năng cao ung thư có thể đã di căn (dựa trên mức PSA hoặc điểm Gleason cao), bác sĩ có thể loại bỏ các hạch bạch huyết vùng chậu trong lúc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, gọi là phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt để;
  • Sinh thiết hạch bạch huyết như một thủ thuật riêng biệt:
    • Hiếm khi được thực hiện riêng biệt
    • Đôi khi, sinh thiết hạch được áp dụng khi không có kế hoạch cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt để (đối với một số người chọn điều trị bằng xạ trị).
  • Thông thường, sinh thiết hạch được thực hiện dưới dạng sinh thiết kim:
    • Bác sĩ sử dụng phương tiện hình ảnh (như MRI hoặc CT) để dẫn một cây kim dài, rỗng qua da ở bụng dưới để lấy các mẫu mô nhỏ;
    • Mẫu mô hạch sau sinh thiết được gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để xem xét có các tế bào ung thư di căn hay không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

314 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: