Nuôi con bằng sữa mẹ khi mắc virus Viêm gan C

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Mang Thị Phương Mai - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Viêm gan C là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến thầm lặng và có thể khiến người bệnh phải đối mặt với biến chứng xơ gan, ung thư gan. Việc lây truyền virus viêm gan C chủ yếu là do tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh. Vậy người mẹ nhiễm viêm gan C cho con bú được không?

1. Viêm gan C có lây từ mẹ sang con không?

Đối với bệnh viêm gan C, nguy cơ truyền bệnh từ mẹ sang con tăng theo mức độ nhiễm virus trong máu. Tỷ lệ chung là khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với virus B (25% khi mẹ có xét nghiệm HBsAg dương tính và trên 90% khi mẹ có xét nghiệm HBeAg dương tính). Khả năng truyền bệnh khi thai ở trong tử cung là rất hiếm. Đa số trường hợp lây ở giai đoạn sổ thai.

Anti - HCV (kháng thể của virus viêm gan C và là dấu ấn của virus này trong huyết thanh) bao giờ cũng dương tính ở trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan C. Các kháng thể này tồn tại nhiều tháng và thường sau 12 tháng thì biến mất. Vì vậy, nếu đứa con sơ sinh của bạn có kết quả xét nghiệm viêm gan C dương tính thì cũng không nên quá lo lắng. Cần làm xét nghiệm lại cho trẻ sau 12 tháng tuổi.

Một tin tốt đó là việc mẹ bị viêm gan C không có xu hướng có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình mang thai hoặc cân nặng khi sinh của em bé.

Viêm gan C
Anti - HCV bao giờ cũng dương tính ở trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan C

2. Virus viêm gan C có lây qua sữa mẹ không?

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), viêm gan C không lây qua sữa mẹ, thức ăn, nước hoặc qua tiếp xúc thông thường như ôm, hôn và dùng chung thức ăn hoặc đồ uống với người bị bệnh.

3. Mẹ nhiễm viêm gan C cho con bú được không?

Trong thời gian sau sinh, mẹ vẫn có thể cho con bú bình thường vì virus viêm gan không lây qua sữa mẹ. Kết quả nghiên cứu của WHO được công bố năm 2009 khẳng định, không có bằng chứng cho thấy việc con bú mẹ gây tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan do virus từ mẹ, không tìm thấy tỷ lệ viêm gan C cao hơn ở trẻ bú mẹ so với trẻ bú sữa công thức. Việc cho bé bú mẹ cũng không gây nguy cơ dễ bị lây nhiễm bệnh cao hơn so với bé không bú mẹ. Nguy cơ lây nhiễm khi bé bú mẹ không đáng kể so với việc tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể mẹ khi sinh bé.

kieng-cu-sau-sinh
Mẹ bị nhiễm virus viêm gan C vẫn có thể cho con bú bình thường

4. Cho con bú khi núm vú của mẹ bị nứt hoặc chảy máu

Không chắc chắn rằng việc mẹ cho con bú với núm vú bị nứt hoặc chảy máu có thể lây lan virus viêm gan C cho con. Tuy nhiên, viêm gan C có thể lây truyền qua tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh, vì vậy Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyên mẹ không nên cho con bú nếu núm vú đang bị nứt hoặc chảy máu. Tổ chức này đề nghị các bà mẹ ngừng cho bé bú cho đến khi núm vú được chữa lành hoàn toàn.

5. Ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C cho con?

Mặc dù mẹ bị viêm gan C vẫn có thể cho con bú bình thường, tuy nhiên các mẹ vẫn cần phải phòng ngừa lây nhiễm virus sang cho con qua các con đường khác bằng cách:

  • Không dùng chung các đồ dùng cá nhân có khả năng gây trầy xước cao với trẻ như: bàn chải đánh răng, dao, kéo, dụng cụ bấm móng...
  • Cần ăn uống đầy đủ, bồi bổ dưỡng chất, lao động, vui chơi vừa sức, tập luyện thể dục thể thao hợp lý... để nâng cao sức đề kháng cho cả mẹ và con.

Cách tốt là trước khi quyết định có thai, người mẹ mang virus HCV cần phải điều trị triệt để bằng thuốc kháng virus để khỏi bệnh hoặc ít nhất là làm giảm nồng độ của virus trong máu xuống dưới ngưỡng phát hiện, từ đó sẽ giảm được tối đa nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con, cho bé có cuộc sống khỏe mạnh không lo bệnh tật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan