Sự hình thành huyết khối tĩnh mạch cánh tay

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay là 1 bệnh ít phổ biến trên lâm sàng. Tuy nhiên có thể gây ra biến chứng nặng nề như suy tĩnh mạch sau huyết khối, thuyên tắc phổi... Tìm hiểu về sự hình thành huyết khối tĩnh mạch ở cánh tay sẽ hỗ trợ cho việc chẩn đoán sớm và điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.

1. Huyết khối tĩnh mạch cánh tay là gì?

1.1 Định nghĩa

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay là bệnh lý hiếm gặp xảy ra do suy giảm khả năng hồi lưu của tĩnh mạch cánh tay do huyết khối (cục máu đông). Huyết khối tĩnh mạch cánh tay nguyên phát thường không có nguyên nhân cụ thể, trong khi huyết khối tĩnh mạch cánh tay thứ phát là hậu quả của các bệnh lý tại chỗ hoặc toàn thân.

Hầu hết các huyết khối tại tĩnh mạch chi thường xuất hiện ở chi dưới nhiều hơn chi trên. Huyết khối tĩnh mạch cánh tay được chia thành hai dạng chính là:

  • Huyết khối tĩnh mạch nông cánh tay: Tĩnh mạch nông cánh tay là hội tụ của tĩnh mạch nền, tĩnh mạch đầu và tĩnh mạch giữa cẳng tay tại vùng khuỷu trước, và cuối cùng đổ vào tĩnh mạch nách.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu cánh tay: Hai tĩnh mạch sâu thường đi kèm với động mạch cánh tay, đến hõm nách thì nhập lại thành tĩnh mạch nách.

Các huyết khối tĩnh mạch nông thường ít xảy ra hơn tĩnh mạch sâu và nếu có cũng sẽ tự giới hạn và mất đi. Hầu hết các trường hợp huyết khối tĩnh mạch nông cánh tay thường đi kèm với huyết khối tĩnh mạch sâu. Vì thế, trên thực tế lâm sàng, các bác sĩ thường tập trung hơn vào bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu của chi, vì bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.

1.2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh về sự hình thành huyết khối tĩnh mạch cánh tay

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay cả nông và sâu đều có cơ chế gần như các tình trạng huyết khối tĩnh mạch khác, là kết quả của sự trì trệ lưu lượng máu, tình trạng rối loạn loạn đông máu gây tăng động và tổn thương mạch máu (Tam giác Virchow), dẫn đến sự mất cân bằng giữa quá trình tạo huyết khối và quá trình tiêu sợi huyết. Từ đó dễ dẫn đến huyết khối tĩnh mạch phát triển.

Huyết khối tĩnh mạch sâu cánh tay nguyên phát đôi khi xảy ra do dị tật bẩm sinh tại đường ra lồng ngực như xương sườn cổ, cơ thừa, gân chèn bất thường hoặc dải cơ hoặc gân bất thường, hội chứng lối thoát ngực (Thoracic Outlet Syndrome - TOS), hội chứng Paget-Schroetter (khi gắng sức) gây chèn ép hoặc tổn thương lặp đi lặp lại đối với tĩnh mạch nách bên dưới.

Huyết khối tĩnh mạch sâu cánh tay thứ phát thường là biến chứng của quá trình phẫu thuật cánh tay hay các thủ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, máy tạo nhịp tim, máy lọc máu hoặc quá trình tiêm chích ma túy. Các bất thường như xương phát triển quá mức do gãy xương (ví dụ, xương đòn, xương sườn thứ nhất) hoặc phì đại cơ thang trước hoặc cơ dưới đòn, thường liên quan đến việc nâng vai (tập tạ, hoặc nâng vật nặng) lặp đi lặp lại.

Các bất thường về giải phẫu thường thu hẹp không gian xương đòn, khiến tĩnh mạch bị chèn ép. Từ đó gây trì trệ lưu lượng máu về tĩnh mạch, kèm với các tổn thương tại tĩnh mạch và làm rối loạn đông máu gây tăng động. Cuối cùng là hình thành các cục máu đông gây tắc tại tĩnh mạch cánh tay.

2. Các yếu tố nguy cơ

  • Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp nội tiết thay thế.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ hậu sản.
  • Hạn chế vận động, bất động lâu.
  • Các bệnh toàn thân như thiếu máu do thiếu sắt, bệnh ác tính, bệnh tăng sinh tủy, mất nước, viêm ruột, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Behcet, bệnh lý tuyến giáp, bệnh sarcoidosis thần kinh và béo phì.
  • Tình trạng tăng đông mắc phải hoặc di truyền như hội chứng kháng phospholipid, đột biến gen MTHFR hay tăng phospho máu, yếu tố V Leiden đột biến, đột biến gen Prothrombin, thiếu Protein S hoặc Protein C, thiếu Antithrombin, hội chứng thận hư, bệnh đa hồng cầu nguyên phát và tăng tiểu cầu.
  • Nhiễm trùng vùng cánh tay, hoặc các khu vực lân cận.
  • Tác động cơ học như quá trình phẫu thuật ở chi trên, gãy xương, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt máy lọc máu, máy tạo nhịp tim và tiêm chích.
  • Dị dạng mạch máu.

3. Chẩn đoán

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Đa số các trường hợp huyết khối tĩnh mạch cánh tay thường không có triệu chứng và một vài trường hợp có thể tự mất đi. Tuy nhiên, có thể gặp các triệu chứng gồm:

  • Đau cánh tay mức độ từ nhẹ đến nặng, tăng lên khi cử động hoặc làm việc.
  • Thay đổi màu da vùng cánh tay sang đỏ bầm hoặc xanh đen.
  • Vùng cánh tay bị sưng, cảm giác nặng nề ở bên cánh tay có huyết khối.
  • Vùng da bị sưng kèm nóng, sờ vào có thể rất đau.
  • Sốt không rõ nguyên nhân gì.
  • Các tĩnh mạch nông có thể bị giãn và nổi lên trên bề mặt da.
  • Một số trường hợp có thể có ho ra máu, khó thở, đau ngực... đây là những triệu chứng báo hiệu huyết khối tĩnh mạch cánh tay gây thuyên tắc phổi.

3.2. Cận lâm sàng

  • Siêu âm Doppler tĩnh mạch hay siêu âm mạch máu 2D: Được lựa chọn đầu tay trong các trường hợp nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch nói chung và tĩnh mạch cánh tay nói riêng vì tính chất không xâm lấn, rẻ tiền và trong các nghiên cứu quan sát, có độ nhạy và độ đặc hiệu chấp nhận được để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch cánh tay.
  • Chụp tĩnh mạch dựa trên catheter: Thường ít được sử dụng trên lâm sàng vì tính chất xâm lấn, do đó phương pháp này thường được dành cho các tình huống mà các nghiên cứu.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là những phương pháp chụp tĩnh mạch không xâm lấn. Tuy nhiên, các phương thức này thường không được sử dụng để chẩn đoán ban đầu về tắc nghẽn đường ra tĩnh mạch chi trên.
  • D-dimer: Là sản phẩm thoái hóa của fibrin liên kết ngang, có thể tăng cao ở những bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch.
  • Bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ hoặc có các nguy cơ huyết khối tĩnh mạch nên được thực hiện các xét nghiệm công thức máu, tốc độ lắng máu, các xét nghiệm đông máu như aPTT, PT và Fibrinogen...

3.3. Chẩn đoán phân biệt

4. Huyết khối tĩnh mạch cánh tay có nguy hiểm không?

Huyết khối tĩnh mạch cánh tay có thể dẫn đến tử vong hoặc khuyết tật vĩnh viễn, nhưng thường có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

5. Điều trị

  • Điều trị triệu chứng : Nâng cao cánh tay, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để kiểm soát cơn đau.
  • Chống đông máu.
  • Liệu pháp làm tan huyết khối bằng phương pháp dùng catheter.
  • Làm tan huyết khối cơ học.

6. Biến chứng

  • Thuyên tắc phổi;
  • Suy tĩnh mạch mạn tính;
  • Hội chứng hậu huyết khối;
  • Viêm tĩnh mạch trắng;
  • Viêm tĩnh mạch xanh;
  • Nhiễm trùng.

Huyết khối tĩnh mạch chi nói chung và huyết khối tĩnh mạch cánh tay nói riêng là một bệnh lý hiếm gặp. Vì thế việc chẩn đoán và điều trị khá phức tạp. Do đó, khi phát hiện bất kỳ các triệu chứng bất thường liên quan đến huyết khối tĩnh mạch cánh tay, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan