Công dụng thuốc Stadloric 100

Thuốc Stadloric 100 chứa hoạt chất chính là Celecoxib, một thuốc chống viêm không steroid có các tác dụng điều trị chống viêm, giảm đau. Bài viết sẽ cung cấp các thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Stadloric 100.

1. Stadloric 100 là thuốc gì?

Thuốc Stadloric 100 có hoạt chất chính là Celecoxib, một thuốc chống viêm không steroid có khả năng ức chế chọn lọc cyclooxygenase-2 (cox-2). Cơ chế tác dụng của Celecoxib là do ức chế sự tổng hợp prostaglandin, chủ yếu thông qua tác dụng ức chế enzym Cox-2.

Khác với phần lớn các thuốc chống viêm không steroid có trước đây, Celecoxib không ức chế enzym Cox-1 với nồng độ điều trị ở người. Do không ức chế Cox-1 nên Celecoxib ít gây ra các tác dụng phụ đối với tiêu hóa, nhưng có thể gây các tác dụng phụ ở thận tương tự như các thuốc chống viêm không steroid không chọn lọc.

2. Công dụng của thuốc Stadloric 100 là gì?

Thuốc Stadloric có thể được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Điều trị triệu chứng thoái hoá khớp ở người lớn, viêm khớp dạng thấp ở người lớn.
  • Hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA) ở bệnh nhân 2 tuổi trở lên cân nặng tối thiểu 10 kg.
  • Giảm nhẹ các triệu chứng của viêm cột sống dính khớp.
  • Điều trị đau cấp, kể cả đau sau phẫu thuật, nhổ răng.
  • Điều trị đau bụng kinh nguyên phát.

Thuốc Stadloric chống chỉ định ở các bệnh nhân sau:

  • Mẫn cảm với Celecoxib, Sulfonamid.
  • Bệnh nhân suy tim nặng, suy thận nặng (hệ số thanh thải creatinin dưới 30 ml/phút), suy gan nặng.
  • Bệnh viêm ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng).
  • Bệnh nhân có tiền sử bị hen, mày đay, hoặc các phản ứng kiểu dị ứng khác sau khi dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Stadloric

Liều dùng:

Người lớn:

  • Điều trị triệu chứng trong thoái hóa khớp: Liều Stadloric khuyến cáo là 200mg x 1 lần/ngày hoặc 100mg x 2 lần/ngày.
  • Điều trị triệu chứng trong viêm khớp dạng thấp (RA): Liều Stadloric là 100 mg hoặc 200 mg x 2 lần/ngày.
  • Viêm cột sống dính khớp (AS): Liều Stadloric khuyến cáo là 200 mg dùng liều đơn hoặc 100mg x 2 lần/ngày, có thể dùng tổng liều 400mg/ngày.
  • Kiểm soát đau cấp tính, đau bụng kinh nguyên phát: Liều Stadloric khởi đầu 400mg, thêm một liều 200mg trong ngày đầu tiên nếu cần thiết. Các ngày tiếp theo, bệnh nhân có thể dùng 200mg x 2 lần/ngày khi cần.

Trẻ em từ 2 tuổi trở lên:

Điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA)

  • Bệnh nhi nặng 10 – 25 kg: Liều thông thường là 50 mg x 2 lần/ngày.
  • Bệnh nhi nặng > 25 kg: Khuyến cáo dùng 100 mg x 2 lần/ngày.

Cách dùng: Thuốc Stadloric 100 được dùng đường uống, bệnh nhân có thể dùng cùng thức ăn hoặc không. Đối với bệnh nhân khó nuốt viên nang, có thể cho bột thuốc trong viên vào cháo, nước sinh tố táo, sữa chua hoặc chuối nghiền nát để uống. Bệnh nhân phải uống ngay sau khi pha.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Stadloric 100

Tác dụng không mong muốn của thuốc Stadloric ở liều thường dùng nhìn chung khá nhẹ và có liên quan chủ yếu đến đường tiêu hoá. Những tác dụng không mong muốn khiến bệnh nhân phải ngừng dùng thuốc gồm khó tiêu, đau bụng.

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Tiêu hoá: Đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn.
  • Hô hấp: Viêm họng, viêm xoang, viêm mũi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
  • Hệ thần kinh trung ương: Mất ngủ, chóng mặt, đau đầu.
  • Da: Ban.
  • Khác: Đau lưng, phù ngoại biên

Hiếm gặp, ADR <1/1000

  • Tim mạch: Ngất, suy tim sung huyết, nghẽn mạch phổi, tai biến mạch máu não, viêm tĩnh mạch huyết khối, viêm mạch.
  • Tiêu hóa: Tắc ruột, chảy máu đường tiêu hoá, thủng ruột, viêm đại tràng chảy máu, thủng thực quản, viêm tuỵ, tắc ruột.
  • Gan mật: Bệnh sỏi mật, viêm gan, vàng da.
  • Huyết học: Giảm lượng tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu.
  • Chuyển hoá: Giảm glucose-huyết.
  • Hệ thần kinh trung ương: Hoang tưởng.
  • Thận: Suy thận cấp, viêm thận kẽ.
  • Da: Ban đỏ đa dạng, viêm da, hội chứng Stevens-Johnson.
  • Khác: Nhiễm khuẩn, chết đột ngột, phản ứng kiểu phản vệ, phù mạch.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Stadloric 100

  • Nên sử dụng thuốc Stadloric 100 ở liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Nguy cơ huyết khối tim mạch được ghi nhận chủ yếu khi dùng ở liều cao. Bác sĩ cần đánh giá định kỳ sự xuất hiện của các biến cố tim mạch, ngay cả khi bệnh nhân không có các triệu chứng trước đó. Bệnh nhân cần được cảnh báo về các triệu chứng của biến cố tim mạch nghiêm trọng và cần thăm khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng này.
  • Không nên ngừng với các thuốc kháng tiểu cầu khi đang dùng Stadloric 100.
  • Cần thận trọng khi dùng Stadloric 100 ở các bệnh nhân sau đây: Tăng huyết áp; tổn thương chức năng tim, phù hoặc đang dùng thuốc lợi tiểu; suy tim sung huyết hoặc tăng huyết áp từ trước; người cao tuổi, bị bệnh tim mạch, đang dùng aspirin, glucocorticoid hoặc các NSAID khác, sử dụng rượu hoặc có tiền sử hoặc đang bị các bệnh đường tiêu hóa tiến triển; suy chức năng thận/gan; viêm khớp tự phát thiếu niên khởi phát toàn thân.
  • Cần theo dõi tác dụng chống đông và thời gian prothrombin ở những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu như warfarin sau khi bắt đầu điều trị cùng với Stadloric 100.
  • Tránh dùng đồng thời Stadloric 100 với thuốc NSAID khác không phải aspirin.
  • Ngưng dùng Stadloric 100 ngay khi bệnh nhân xuất hiện mẩn đỏ da, tổn thương niêm mạc hoặc bất kỳ dấu hiệu quá mẫn nào.
  • Cần thận trọng dùng thuốc Stadloric cho người có tiền sử loét dạ dày tá tràng hoặc xuất huyết đường tiêu hoá, mặc dù thuốc rất ít gây tai biến đường tiêu hoá.
  • Không nên dùng thuốc Stadloric 100 cho bệnh nhân có các vấn đề về di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, thiếu hụt enzyme lactase toàn phần hoặc kém hấp thu glucose-galactose.
  • Thuốc Stadloric 100 có thể gây độc cho thận. Người có nguy cơ cao gồm bệnh nhân suy tim, suy thận hoặc suy gan.
  • Phụ nữ có thai: Tránh sử dụng thuốc Stadloric 100 trong 3 tháng cuối của thai kỳ vì các chất ức chế tổng hợp prostaglandin có thể có tác dụng xấu trên hệ tim mạch của thai nhi. Chỉ nên dùng Stadloric khi mang thai nếu lợi ích đối với người mẹ vượt trội nguy cơ tiềm tàng đối với thai nhi.
  • Phụ nữ cho con bú: Nên cân nhắc ngừng thuốc Stadloric 100 hoặc ngừng cho con bú.

6. Tương tác thuốc

Sử dụng đồng thời Stadloric 100 với một số thuốc có thể gây ra tương tác, ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu và/hoặc gia tăng tác dụng ngoại ý. Dưới đây là một số tương tác của thuốc Stadloric 100 cần lưu ý trên lâm sàng để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc:

  • Thuốc ức chế men chuyển: Các thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của các thuốc ức chế enzym chuyển.
  • Thuốc lợi tiểu: Các thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng trị liệu của thuốc lợi tiểu furosemid và thiazid ở một số bệnh nhân, có thể do ức chế tổng hợp prostaglandin và nguy cơ suy thận cũng có thể gia tăng.
  • Aspirin: Mặc dù có thể dùng Celecoxib cùng với liều thấp Aspirin, nhưng việc sử dụng đồng thời hai thuốc chống viêm không steroid vẫn có thể dẫn đến tăng nguy cơ loét đường tiêu hoá hoặc các biến chứng khác
  • Fluconazol: Dùng đồng thời Celecoxib với Fluconazol có thể dẫn đến tăng nồng độ huyết tương của Celecoxib. Do đó, nên bắt đầu điều trị với liều Stadloric khuyên dùng thấp nhất ở người bệnh đang dùng Fluconazol
  • Lithi: Celecoxib có thể làm giảm sự thanh thải của lithi ở thận, dẫn đến tăng nồng độ lithi trong huyết tương. Cần theo dõi bệnh nhân dùng đồng thời lithi và Celecoxib về các dấu hiệu độc của lithi và cần điều chỉnh liều cho phù hợp.
  • Warfarin: Các biến chứng chảy máu với tăng thời gian prothrombin đã xảy ra ở một số bệnh nhân khi dùng Celecoxib đồng thời với Warfarin. Do đó, cần theo dõi các xét nghiệm về đông máu, đặc biệt trong mấy ngày đầu sau khi bắt đầu hoặc thay đổi liệu pháp

Trên đây là những thông tin tổng quan về thuốc Stadloric 100. Vì Stadloric 100 là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

342 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan