Tác dụng của cây ổ rồng

Cây ổ rồng thường được sử dụng trong Đông y nhằm hỗ trợ điều trị hiệu quả các chứng bệnh như ghẻ ngứa, chảy máu chân răng, ù tai do thận hư, gãy xương,... Mỗi loại bệnh sẽ có bài thuốc chữa trị riêng với cây ổ rồng, do đó bệnh nhân nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa hay thầy thuốc trước khi áp dụng để có biện pháp phù hợp nhất.

1. Giới thiệu tổng quan về cây ổ rồng

Cây ổ rồng là loại thực vật sống bám vào các cây gỗ, thường được gọi với những tên khác như lan bắp cải, quyết dẹt hay lan tai tượng. Trong khoa học, cây ổ rồng có tên là Platycerium grande, thường được phân bố chủ yếu ở những khu vực có khí hậu ôn đới. Tại Việt Nam, lan tai tượng tập trung phần lớn ở những vùng núi như Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai hoặc Kon Tum,...

Cây ổ rồng thuộc họ dương xỉ, phát triển tốt ở nhiệt độ từ 24 – 27 độ C. Lá của cây lan tai tượng rất to, khoảng 40 – 90 cm với màu xanh nhạt, không lông và tán lá hướng lên trên. Lá của cây ổ rồng thường có thuỳ sâu, không bao giờ rụng mà sẽ khô lại, sau đó phân huỷ thành chất dinh dưỡng giúp nuôi cây.

Phần lá sinh sản của cây quyết dẹt thường có hướng rủ xuống với chiều dài tới 2m và mọc ra trong khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, phần lá dinh dưỡng của ổ rồng giữ nhiệm vụ hứng mùn. Rễ và thân cây lan bắp cải mọc và bò đến những cây khô. Chúng có tốc độ phát triển nhanh chóng với sức sống cao nhờ khả năng thích nghi tốt với môi trường.

Thực tế, toàn thân của cây quyết dẹt đều được sử dụng cho mục đích làm thuốc. Cây được thu hái quanh năm, sau khi rửa sạch và loại bỏ lá hỏng sẽ được dùng dưới dạng tươi hay phơi khô để làm dược liệu dùng dần.

2. Cây ổ rồng có tác dụng gì?

Theo nghiên cứu cho biết, cây lan tai tượng không chỉ có tác dụng làm cảnh trang trí mà còn mang đến nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe con người. Từ thời kháng chiến, dân ta đã biết sử dụng cây ổ rồng để làm vị thuốc chữa gãy xương hoặc đắp lá lên những vết thương giúp cầm máu và sát khuẩn cực tốt. Để giúp liền xương nhanh nên lấy những lá ổ rồng không sinh sản, sau đó rửa sạch và giã nát, có thể dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với những loại thảo dược khác đắp lên vết thương.

Ngoài ra, cây lan tai tượng cũng được dân gian sử dụng để điều trị những nốt mụn ghẻ. Lá ổ rồng sau khi hái tươi về, đem rửa sạch và giã nhỏ; hoặc dùng lá phơi khô tán đốt thành bột tro mịn rồi đắp/ rắc lên nốt mụn. Sau một thời gian thực hiện, vùng da bị mụn ghẻ sẽ nhanh chóng lành lại.

Thậm chí, trong Đông y còn sử dụng lá cây ổ rồng tươi làm vị thuốc chữa tình trạng phù ở chân tay. Bên cạnh đó, tình trạng lách sưng to cũng được cải thiện đáng kể khi sử dụng tro của lá cây lan tai tượng để xát vào cơ thể người bệnh.

3. Cây ổ rồng chữa bệnh gì? Bật mí những bài thuốc hay

Trong Y học cổ truyền và hiện đại, cây ổ rồng thường được dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với những thảo dược quý khác để điều trị các tình trạng như phù thũng, ngứa ghẻ ngoài da, mẩn ngứa hoặc gãy xương. Dưới đây là một số bài thuốc làm từ cây lan tai tượng có tác dụng chữa những bệnh trên cực hữu hiệu:

3.1 Chữa tình trạng ghẻ ngứa ngoài da

Ghẻ là 1 căn bệnh ngoài da thường gặp ở những người sống trong điều kiện sinh hoạt thiếu nguồn nước sạch hoặc vệ sinh kém. Nhìn chung, đây là vấn đề da liễu không quá nguy hiểm, tuy nhiên về lâu dài dễ dẫn đến các biến chứng như chàm hoá, nhiễm trùng hoặc viêm cầu thận. Đối với những bệnh nhân đang sống chung với bệnh ghẻ có thể tham khảo bài thuốc từ lá cây ổ rồng dưới đây:

  • Chuẩn bị: Một nắm lá cây ổ rồng vừa đủ dùng.
  • Cách làm: Lá cây ổ rồng tươi sau khi rửa sạch và để ráo nước, bạn cho một chút muối vào và giã nhỏ lá, sau đó đắp toàn bộ lên vùng da có nốt ghẻ ngứa. Bệnh nhân cũng có thể dùng lá khô và đốt thành dạng tro mịn để bôi trực tiếp lên khu vực bị ghẻ, giúp giảm thiểu cơn ngứa và hỗ trợ mau lành vết lở loét.

3.2 Hỗ trợ điều trị chứng ù tai hoặc đau lưng do thận hư

Trong Y học cổ truyền có nói rằng tình trạng ù tai hay tai điếc là do thận tinh suy yếu. Khi mắc chứng thận hư, bệnh nhân ngoài biểu hiện ù tai còn gặp phải các triệu chứng khác như đau lưng, ớn lạnh, đi tiểu bất thường, giảm ham muốn hoặc rùng mình. Để giảm thiểu các tình trạng trên cần điều trị từ vấn đề gốc rễ là chứng suy thận. Sau đây là bài thuốc hỗ trợ khắc phục ù tai và đau lưng gây ra bởi tình trạng thận hư:

  • Chuẩn bị: Bột cây tổ rồng được tán mịn (từ 4 – 6g) và một bầu dục lợn (cật lợn).
  • Cách làm: Nhồi bột tổ rồng tán nhỏ vào trong bầu dục lợn, sau đó đem hấp cách thuỷ hoặc nướng chín. Mỗi ngày ăn một lần, mỗi lần cách ngày nhau và đảm bảo kiên trì thực hiện đủ liệu trình 5 ngày.

3.3 Điều trị chảy máu chân răng và nhức răng

Những trường hợp bị thận hư, dương phù sinh gây chảy máu chân răng, đau răng và răng lung lay có thể khắc phục với bài thuốc làm từ cây ổ rồng như sau:

  • Chuẩn bị: Lá cây ổ rồng (16g).
  • Cách làm: Giã nhỏ cây ổ rồng, sau đó sao đen và làm thành dạng bột mịn. Mỗi ngày lấy thuốc xát vào lợi khoảng 2 lần (sáng – tối) sau khi đã đánh răng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể áp dụng thêm bài thuốc chữa đau nhức và chảy máu chân răng sau:

  • Chuẩn bị: 16g cây ổ rồng, 12g đơn bì, 16g thục địa, 2,4g tế tân, 12g sơn dược, 12g trạch tả, 12g bạch linh và 12g sơn thù.
  • Cách làm: Sắc các nguyên liệu trên với 700ml nước và đun cho tới khi cạn còn 250ml. Chia nước thuốc và uống 2 lần / ngày, sử dụng liên tiếp 10 ngày cho tới khi hết bệnh.

3.4 Chữa bệnh phù thũng

Phù thũng là hiện tượng ứ dịch tại các khoảng kẽ giữa của tế bào hay bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Những bộ phận thường dễ bị phù thũng nhất, bao gồm bụng (cổ trướng), bàn tay / chân dưới (phù ngoại biên) hay ngực (phù phổi). Khi không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng phù thũng có thể dẫn đến những vấn đề sức khoẻ như giảm khả năng đi lại, sưng đau, ngứa, khó chịu ở vùng da bị căng, lưu thông máu kém, dễ bị loét da và để lại sẹo giữa các mô.

Trong Đông y, tình trạng phù thũng có thể được xử trí đơn giản bằng bài thuốc sau từ cây ổ rồng. Lá ổ rồng sau khi phơi khô có thể đem sắc lấy nước uống. Đối với trường hợp phù chân tay có thể dùng lá lan tai tượng tươi để giã nát và đắp lên giúp giảm phù.

3.5 Chữa đau ê ẩm người do té ngã

Khi gặp chấn thương do té ngã, bệnh nhân thường có cảm giác đau ê ẩm khắp người hoặc một khu vực nhất định. Để cải thiện vấn đề trên, hãy tham khảo ngay bài thuốc từ cây ổ rồng dưới đây:

  • Chuẩn bị: 15g lá tổ rồng, 10g lá sen tươi, 10g sinh địa và 10g trắc bá tươi.
  • Cách làm: Rửa sạch mọi dược liệu, đem sắc với 500ml nước cho tới khi cô đọng còn 200ml. Chia thuốc uống 2 lần / ngày và điều trị liên tiếp 5 ngày cho tới khi hết triệu chứng đau nhức, ê ẩm người.

3.6 Chữa mẩn ngứa quanh người

Ngứa toàn thân là hiện tượng dễ gặp phải khi người bệnh bị dị ứng thời tiết / mỹ phẩm hay thức ăn. Ngoài ra, phản ứng ngứa ngáy cũng bắt nguồn từ việc mắc những bệnh lý về da như nổi mày đay, nấm da, bệnh tổ đỉa, ghẻ hay vảy nến. Nếu tình trạng mẩn ngứa quanh người không được khắc phục sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da nghiêm trọng.

Để đối phó với vấn đề trên, bệnh nhân có thể sử dụng lá lan tai tượng tươi, sau đó đem rửa sạch và đun sôi với nước. Dùng nước lá ổ rồng tắm mỗi ngày giúp các triệu chứng nổi mẩn và ngứa ngáy sớm được giải quyết.

3.7 Hỗ trợ mau liền xương

Trong Y học cổ truyền cũng thường lấy lá ổ rồng để kích thích liền xương nhanh chóng cho những trường hợp bị gãy xương do té ngã hoặc chấn thương, cụ thể:

  • Chuẩn bị: Lấy phần rễ, thân và lá của cây lan tai tượng.
  • Cách làm: Rửa sạch toàn bộ dược liệu, đem giã nát, đắp và bó lên khu vực xương bị gãy. Nên hạn chế di chuyển hay vận động trong quá trình bó lá cây ổ rồng cho tới khi xương liền lại.

4. Một số điều cần lưu ý khi dùng cây ổ rồng trị bệnh

Hiện nay ở Việt Nam có tới 3 loại ổ rồng, gồm ổ rồng tràng / ổ rồng nhỏ; lan bắp cải / ổ rồng lớn và ổ rồng chẻ hai. Khá nhiều người bị nhầm lẫn cây lan tai tượng với cây tổ rồng (hay còn gọi là tổ phương hay tắc kè đá) – loại cây chủ trị chứng tai ù, thận hư, đau lưng, chảy máu chân răng,... Vì vậy, cần xác định rõ và đúng loại dược liệu trước khi sử dụng làm thuốc.

Ngoài ra, vẫn còn hạn chế trong các nghiên cứu về công dụng cũng như độc tính của cây ổ rồng. Do đó, bạn nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng bất kỳ bài thuốc nào từ lan tai tượng nhằm giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan