Cây chùm bao có tác dụng gì?

Cây chùm bao có tên gọi khác là cây lạc tiên hay dây nhãn lồng. Loại thuốc này có công dụng an thần, gây ngủ và điều trị suy nhược thần kinh. Lá của cây chùm bao giã đắp ngoài có công dụng chữa lở loét ở chân và viêm mủ da.

1. Đặc điểm chung của cây chùm bao

Cây chùm bao còn có tên gọi khác là cây lạc tiên, dây nhãn lồng, Cỏ hồng tiên theo cách gọi của dân tộc Thái, dây lưới, mò pì, mác quánh mon theo cách gọi của dân tộc Tày. Cây chùm bao có tên khoa học là Passiflora foetida L.

Công dụng của cây chùm bao là thuốc an thần, gây ngủ, điều kinh, điều trị suy nhược thần kinh, ho, phù thũng. Lá giã đắp ngoài chữa lở loét ở chân, ung nhọt hay viêm mủ da.

1.1. Mô tả cây chùm bao

  • Cây chùm bao hay cây lạc tiên là một loại cây mọc leo, thân mềm, trên có rất nhiều lông mềm.
  • Rễ cây chùm bao: Dây chùm bao thân mềm, dạng dây leo, có lông, lá hình tim, mọc so le.
  • Lá cây mềm, mọc so le, hình tim, dài từ 6 đến 10cm, rộng 5 đến 8cm, mép lượn sóng và xẻ hơi sâu thành 3 thuỳ, đáy lá hình tim, mép lá có lông mịn, cuống lá dài khoảng 7-8cm. Đầu tua cuống thành lò xo.
  • Hoa cây chùm bao mọc đơn độc, 5 cánh màu trắng hay hơi tím nhạt, đường kính khoảng 5,5cm lá đài màu trắng phía dưới có gân xanh, dưới lá đài có 3 gân chính với những gân phụ. Một đĩa có 2 tầng tua, mặt tua trên có màu tím trong vàng, trong cùng có lông mịn. Trụ cao có đầu tím đỏ, 5 nhị có bao phấn màu vàng gục xuống dưới.
  • Quả có hình trứng dài 2-3cm, bọc bởi lớp vỏ lưới (áo ngoài)... Mùa hoa vào khoảng tháng 4 và tháng 5 hàng năm, mùa quả rơi vào khoảng tháng 5 đến tháng 7.

1.2. Phân bố, thu hái và chế biến cây chùm bao

Cây chùm bao mọc hoang dại ở khắp nơi trên đất nước ta.

Thu hái và chế biến: Hái toàn cây trừ rễ cây chùm bao, dùng tươi hay phơi khô mà chế thuốc sắc hay pha rượu thuốc. Không cần chế biến gì đặc biệt.

2. Tác dụng của cây chùm bao

2.1. Tác dụng dược lý của cây chùm bao

Theo nghiên cứu của y học hiện đại thì thành phần Alcaloid toàn phần chiết từ cây chùm bao đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm hoạt động của chuột nhắt được kích thích dùng cafein và kéo dài thời gian gây ngủ của hoạt chất Hexobarbital.

Theo nghiên cứu được thực hiện với chế phẩm gồm lạc tiên, thảo minh quyết, vông nem, lá sen, hạt tơ hồng, lá dâu, hạt keo giậu và sâm đại hành cho kết quả như sau:

  • Làm giảm trạng thái hưng phấn thần kinh đối với chuột nhắt đã được sử dụng Cafein
  • Gây hạ huyết áp và tăng tần số và biên độ hô hấp đối với thỏ trong thí nghiệm
  • Tác dụng làm dễ ngủ, ngon giấc và không thay đổi huyết áp.

Theo y học cổ truyền, cây chùm bao dùng làm thuốc, người ta thu hái các bộ phận trên mặt đất của cây sau đó rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn 3 - 5cm. Trước khi dùng cây chùm bao thì cần sao hơi vàng, dùng dần. Chùm bao có công dụng điều trị mất ngủ, ngủ hay mơ sảng, phụ nữ hành kinh sớm. Được chiết xuất hoạt chất chế tác dược phẩm an thần công dụng điều trị trầm cảm sử dụng đối với những người lao động trí óc luôn căng thẳng thần kinh, dẫn đến tình trạng suy nhược tim mạch và cơ thể.

2.2. Tính vị và công năng

Toàn cây chùm bao có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy.

Quả chùm bao có vị ngọt, tính bình mùi thơm, tác dụng nhuận tràng và chỉ thống

3. Công dụng và liều dùng của cây chùm bao

  • Cây chùm bao được sử dụng là loại thuốc an thần, chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh.
  • Ngọn non của cây chùm bao thường được thu hái để luộc ăn vào buổi chiều hoặc trước đi ngủ vài giờ đồng hồ.
  • Dạng thuốc thông thường của cây chùm bao là dạng cao lỏng có đường được pha chế như sau: lạc tiên, lá vong mỗi vị khoảng 400g, lá gai, rau má mỗi vị 100g. Tất cả nấu với nước, cô đặc được 100ml. Đường nấu thành siro. Pha 6 phần cao với 4 phần siro. Ngày uống 40ml, chia làm 2 lần trong ngày.

4. Các bài thuốc từ cây chùm bao

4.1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ:

  • Bài thuốc số 1: 50g cây chùm bao, 30g lá vông, 20g tâm sen, 10g lá dâu tằm. Cô thành dạng cao lỏng. Mỗi ngày chỉ sử dụng 2 đến 4 thìa nhỏ, pha cùng nước ấm và sử dụng trước khi đi ngủ để cải thiện giấc ngủ và ngủ được sâu hơn.
  • Bài thuốc số 2: Sử dụng ngọn cây chùm bao để luộc hoặc nấu canh. Bài thuốc này cần được uống trong những bữa ăn buổi tối sẽ mang lại tác dụng tốt hơn.
  • Bài 3: Chuẩn bị 20g lạc tiên, 12g hạt san, 15g cỏ mọc, 10g cỏ tre, 10g táo nhân sao, 10g lá dâu, 12g lá vông nem, 6g cam thảo, 6g xương bồ. Đun hãm tất cả các vị thuốc cùng với 600ml nước đến khi còn khoảng 200ml. Sử dụng thuốc 2 ngày một lần, kiên trì sử dụng trong thời gian khoảng 1 tháng để thấy được hiệu quả.

4.2. Bài thuốc giảm đau nhức, mất ngủ ở người cao tuổi

  • Chuẩn bị: 500g lạc tiên, 300g hoa thiên lý, 100g lá mướp đắng non. Sao vàng, phơi hoặc sấy khô các dược liệu rồi tán thành bột. Bài thuốc này có thể trộn cùng 50gr đậu xanh tán nhuyễn để không bị đắng khi sử dụng.
  • Mỗi lần sử dụng, pha cùng 100ml nước ấm, uống thay trà mỗi ngày. Người bệnh cần phải dùng liên tục trong thời gian kéo dài từ 2 đến 4 tháng để thấy được kết quả lâu dài.

Như vậy bài viết trên đã giúp bạn trả lời thắc mắc “Cây chùm bao có tác dụng gì?”. Hy vọng thông tin trên đã hữu ích với bạn đọc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan