Tác dụng của cây muồng truổng

Muồng truổng là một loại cây mọc hoang ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc nước ta. Loài cây này được dùng khá phổ biến trong điều trị nhiều bệnh về xương khớp, trị lở loét, sát trùng,... Sau đây là một số thông tin về đặc điểm và công dụng mà cây muồng truổng đem lại.

1. Đặc điểm của cây muồng truổng.

Tên khoa học: Zanthoxylum avicennae (Lamk.), DC (Fagara avicennae Lamk., Zan- thoxylum hercuỉis Lour.).

Tên gọi khác: Hoàng mộc dài, Sẻn muồng truổng.

Thuộc họ: Cam (Rutaceae)

Khu vực phân bố: DC (Fagara avicennae Lamk., Zan- thoxylum hercuỉis Lour.) có khoảng 250 loài. Nó phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới, á nhiệt đới châu Á, Austrailia, châu Phi và Bắc Mỹ. Ở khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Lào,...) DC có trên 20 loài. Trong đó, khoảng 11 loài phân bố rải rác tại Việt Nam. Muồng truổng chỉ mọc ở các tỉnh trung du và miền núi thấp phía Bắc nước ta như Lạng Sơn, Hoà Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Thanh Hoá, Quảng Ninh,...

Mô tả:

  • Cây nhỏ, tuy nhiên cũng có một số cây gỗ to, thân lởm chởm gai. Cây ở một số vùng như Hà Tĩnh, Nghệ An có phần cành mang nhiều gai ngắn, thẳng đứng.
  • Cây gỗ hoặc cây bụi.
  • Thân, cành có gai.
  • Lá mọc cách, kép và nhẵn, có lông chim lẻ, khoảng 3-13 đôi lá chét hoặc mọc đối. Ở mép lá có nhiều răng cưa nhỏ, bên trong khe răng cưa chứa điểm tuyến tinh dầu khá to.
  • Phần cuống lá hình trụ đôi khi có đôi cánh nhỏ kèm theo.
  • Cụm hoa có hình chùy hoặc ngù, thường mọc ở đỉnh và nách lá. Hoa đơn tính, mọc thành tán kép màu trắng nhạt, hơi nhẵn và dài hơn lá. Bao hoa xếp khoảng một đến hai vòng.
  • Bộ nhụy bao gồm 2 đến 5 lá noãn rời. Mỗi lá noãn có 1 đến 2 noãn không dính hoàn toàn với nhau. Vòi nhụy có thể hợp hoặc tách rời nhau, hơi cong.
  • Bộ nhị bao gồm 4 đến 10 nhị.
  • Quả dài khoảng 4mm. Lớp vỏ bên ngoài có 1 đến 3 mảnh và không tách rời với lớp vỏ bên trong, chứa nhiều tuyến tinh dầu. Mỗi ngăn của quả chỉ chứa một đến hai hạt màu đen.

Thành phần hóa học:

Rễ chứa thành phần chủ yếu như berberin, ancaloit. Phần trong rễ có màu vàng, vị rất đắng. Ngoài ra, quả có chứa một lượng nhỏ tinh dầu thơm citronellal.

Tác dụng của cây muồng truổng
Cây muồng truổng với những đặc điểm dễ nhận dạng

2. Công dụng của cây muồng truổng.

Người Việt thường dùng lá muồng truổng như một loại nguyên liệu để nấu ăn, lấy rễ hoặc phần vỏ của thân, vỏ rễ rồi sao vàng, phơi khô làm thuốc. Bên cạnh đó, một số địa phương còn dùng quả muồng truổng để làm gia vị. Trên thực tế, thể giới đã có những nghiên cứu nhất định về những tác dụng dược lý và thành phần hoá học của loài cây này. Kết quả đưa ra cho thấy những hoạt tính sinh học nổi bật như ngưa bệnh ung thư, chống viêm,... Từ xa xưa, muồng truổng đã có trong các bài thuốc dân gian của Việt Nam, nó được dùng để chữa vết thương sau các đòn ngã, viêm tuyến vú, viêm thận, nhọt,... Người dân còn dùng quả để chữa đau bụng, đau dạ dày. Đây cũng là một loại cây được đánh giá rằng rất có tiềm năng cần được phát triển và nghiên cứu nhiều hơn nữa.

Năm 2019, nghiên cứu của Trần Thị Nữ (Đại học Dược Hà Nội) cùng các cộng sự đã xác định được các chất phytosterol, alcaloid, carotenoid, coumarin, saponin, đường khử và polysaccharid chứa trong bộ phận cành và lá cây muồng truổng. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên 2 chất tinh khiết MT2 (friedelin) và MT4 (glutinol) được phân lập từ loài cây này. Đây cũng là một nghiên cứu để lại dấu ấn và mở lối cho các nghiên cứu sau này.

Các công dụng khác mà muồng truổng đem lại như: Sát trùng vết thương, trị ghẻ lở, mẩn ngứa da, đau răng, sưng tấy, dị ứng, vàng da do viêm gan và phong thấp. Bên cạnh đó, còn có các tác dụng của lá muồng như chữa đau thắt lưng, viêm mủ da,...

3. Cách thu hái và chế biến muồng truổng.

Theo y học cổ truyền, muồng truổng có vị rất đắng, vị cay và tính ấm. Ngoài tác dụng lợi thuỷ, lợi thấp còn có tác dụng hoạt huyết, chỉ thống,...

Bộ phận dùng để chế biến bao gồm vỏ cây, lá, rễ và quả. Người dân có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô đều được. Sắc uống riêng các bộ phận hoặc phối hợp uống với các vị thuốc khác.

cây muồng truổng
Cây muồng truổng cần được thu hái và chế biến theo đúng quy trình

  • Trị nhức răng: Thái nhỏ vỏ rễ của muồng truổng, rửa sạch để nhai hoặc ngậm. Sau khi tiết ra nhiều nước bọt thì nhổ bã đi. Ngoài ra, có thể dùng vỏ rễ mang đi ngâm rượu 40 độ và ngậm sau khoảng từ 3 đến 5 ngày. Có thể ngâm phối hợp với thành phần khác như quả xuyên tiêu.
  • Trị đau nhức xương khớp, đau cơ hoặc đau xương sau chấn thương: Dùng 30g đến 50g rễ muồng truổng tươi (hoặc 15g rễ khô) đem sắc uống. Mỗi ngày một thang, uống trước 2 bữa ăn khoảng 1h30 phút.
  • Trị vàng da do viêm gan: Kết hợp rễ muồng truổng với cây ban (loài cây nọc sởi- Hypericum japonicum) phơi khô, bòi ngòi lớn (Hedyotis hedyotidea (DC.)Hand. Mazz.) phơi khô, nhân trần, mỗi vị lấy 15g. Đem sắc uống trong ngày. Uống trước khi ăn 1h30 phút. Lưu ý, Không dùng rượu bia khi uống thuốc.
  • Trị đau bụng, đau dạ dày: Lấy 3g đến 5g quả muồng truổng tán thành bột mịn, uống với nước sôi để nguội. Bên cạnh đó, có thể kết hợp với đồng lượng hay bột cam thảo.
  • Trị dị ứng: Dùng 30g lá muồng truổng tươi phối hợp với lá khế tươi 30g, rửa sạch, sau đó giã nát và đắp vào vùng bị dị ứng hay mẩn ngứa. Lấy vải xô sạch băng lại. Trong trường hợp bị ngứa toàn thân, có thể rửa vùng mẩn ngứa hay lở loét bằng cách tăng lượng của 2 lá trên lên thành 50g, giã nát và cho thêm nước.

Trên đây là những thông tin bổ ích giúp bạn có thể hiểu sâu hơn và dùng muồng truổng chữa trị một cách đúng đắn. Cần lưu ý liều lượng và cách chế biến để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan