Tác dụng chữa bệnh của tiền hồ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Đức - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông

Dược liệu tiền hồ còn có những tên gọi khác như quy nam, thổ dương quỳ, sạ hương thái hay tử hoa tiền hồ... thuộc họ Hoa tán. Tiền hồ dược liệu có tính hàn, vị cay đắng và mang đến những công dụng như tuyên tán phong nhiệt, giảng khí trừ đàm và hạ khí chỉ ho. Ngoài ra, tiền hồ là thành phần trong các bài thuốc chữa viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên...

1. Đặc điểm của dược liệu tiền hồ

Tiền hồ có tên khoa học là Peucedanum decursivum maxim thuộc họ hoa tán (danh pháp khoa học: Umbelliferae)

Dược liệu tiền hồ là loại cây thân thảo, mọc thẳng đứng với chiều cao dao động từ 0.7 - 1.4m và có những đặc điểm nổi bật sau:

  • Thân cây có nhiều khía dọc, phân thành nhiều nhánh;
  • dược liệu tiền hồ mọc ở gốc cây lớn, 1 – 2 lần xẻ lông chim với phần cuống hình dạng bầu dục, răng cưa to, chiều dài từ 14 – 30cm. Lá ở thân nhỏ có cuống ngắn, bẹ lá rộng và phồng, lá ở khía thu lại thành bẹ lá hoặc không cuống;
  • Hoa tiền hồ dược liệu có màu tím, mọc thành cụm tán kép;
  • Quả tiền hồ cụt ở hai đầu, có dạng bầu dục với kích thước rộng 3 – 5mm và dài 5 – 7mm. Phân liệt quả có múi ở cạnh, giai đoạn chưa chín thì hai phân liệt bó lại, dính chặt vào nhau, khi chín phân liệt quả nở bung ra với rìa rộng và hơi dày.

Ở Việt Nam, dược liệu tiền hồ mọc nhiều ở Đồng Đăng (Lạng Sơn). Người dân trồng và thu mua dược liệu tiền hồ với tên khác là Quy nam. Một số người nhầm lẫn tiền hồ với khương hoạt và độc hoạt, tuy nhiên 2 loại dược liệu trên mặc dù cũng lấy rễ nhưng là từ loại cây khác. Tại Trung Quốc, tiền hồ dược liệu phân bố rộng rãi và gặp nhiều nhất ở Quảng Châu, Hàng Châu và Thiểm Tây.

Bộ phận dùng của dược liệu tiền hồ là phần rễ cây. Người dân có thể thu hái bất cứ mùa nào trong năm. Trong đó tiền hồ phát triển mạnh nhất là vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân

Dược liệu tiền hồ sau khi được đào lấy rễ sẽ được rửa sạch để loại bỏ hoàn toàn phần đất cát. Sau đó, người dân mang rễ đi phơi hoặc sấy khô để làm dược liệu. Do dược liệu tiền hồ rất dễ bị mốc hoặc nấm mọt tấn công nên yêu cầu phải bảo quản ở nơi khô ráo, kín gió. Ngoài ra, thỉnh thoảng nên mang dược liệu đi phơi nắng nhẹ để khô ráo hoàn toàn.

2. Thành phần hóa học trong dược liệu tiền hồ

Theo kết quả các nghiên cứu đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã tìm thấy trong tiền hồ chiếm đa số là hợp chất glucozit (hay còn gọi là nodakenin), công thức hóa học là C20H24O9. Ngoài ra một số thành phần hóa học khác tìm thấy trong dược liệu tiền hồ bao gồm tinh dầu, spongosterola và tanin.

Hợp chất nodakenin khi thủy phân sẽ biến đổi thành nodakenetin hoặc glucose. Nodakenin có nhiệt độ móng chảy là khoảng 215 độ C, có thể hòa tan trong cồn, axit axetic và không tan trong ete, benzen, dầu hỏa. Nodakenetin có nhiệt độ chảy khoảng 185 độ C.

dược liệu tiền hồ
Hình ảnh của loại dược liệu tiền hồ

3. Tiền hồ có tác dụng gì?

3.1. Tác dụng theo dược lý hiện đại

  • Dược liệu tiền hồ có khả năng hóa đờm tốt nhưng khả năng giảm ho chưa được chứng minh;
  • Gia tăng lượng máu đến hệ động mạch vành;
  • Ức chế kết tập tiểu cầu;
  • Kháng virus cúm, ức chế hoạt động của nấm;
  • Khả năng an thần kinh.

3.2. Tác dụng của dược liệu tiền hồ theo Y Học Cổ Truyền

  • Dược liệu tiền hồ có tác dụng tuyên tán phong nhiệt, giáng khí trừ đàm;
  • Chủ trị các chứng đờm chọc thủng tắc ở phế tạo ra chứng ngoại cảm phong nhiệt, ho suyễn, hạ sốt, giảm đau do cảm mạo, đau đầu, nóng sốt;
  • Tác dụng tiền hồ dược liệu trong tâm phúc kết khí, đàm mãn, phong đầu thống, khử đờm hạ khí;
  • Điều trị hàn nhiệt, thương hàn;
  • Thanh phế nhiệt, tán phong tà
  • Hóa đàm nhiệt;
  • Điều trị chứng thực nhiệt, ngoại câu nhiệt, phát sốt;

Dược liệu tiền hồ có tính hơi hàn, vị đắng cay. Quy vào hai kinh là phế và tỳ. Mỗi ngày chỉ được sử dụng khoảng 9 – 15 gram tiền hồ dược liệu tươi hoặc đã phơi và sấy khô để nấu thành cao hoặc sắc lấy nước uống.

4. Những bài thuốc từ dược liệu tiền hồ

4.1. Viêm phế quản, đờm đặc không bài tiết được

  • Thành phần bao gồm: 10g dược liệu tiền hồ, 10g tang bạch bì, 8g khoảng đông hoa, 10g đào nhân, 10g bối mẫu, 3g cam thảo và 3g cát cánh.
  • Tất cả các loại dược liệu trên rửa sạch với nước muối.
  • Sau đó cho vào nồi với 600ml nước lọc.
  • Thực hiện sắc các thành phần trong 30 phút với lửa nhỏ hoặc sắc đến khi lượng nước còn lại khoảng 200ml.
  • Cuối cùng để thuốc nguội bớt và chia thành 3 lần uống trong ngày.

4.2. Viêm phế quản nhiệt

  • Thành phần: 10g tiền hồ dược liệu, 10g tang bì, 6g bối mẫu, 10g hạnh nhân, 10g mạch môn, 3g cam thảo và 3 lát gừng tươi.
  • Đem các nguyên liệu rửa sạch với nước muối.
  • Sau đó cho tất cả vào nồi và sắc cùng với 600ml nước lọc.
  • Thời gian sắc thuốc là khoảng 20 phút hoặc đến khi lượng nước còn lại một nửa thì tắt bếp.
  • Để nguội bớt, chắt lấy phần nước và chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày.
  • Sử dụng bài thuốc từ dược liệu tiền hồ này liên tục trong 7 – 10 ngày để thấy được hiệu quả.

4.3. Viêm đường hô hấp trên

  • Nguyên liệu bao gồm tiền hồ dược liệu, cát cánh và bạc hà mỗi thứ 6g, hạnh nhân và ngưu bàng tử mỗi thứ 10g.
  • Mang tất cả nguyên liệu rửa sạch với nước muối.
  • Sau đó cho tất cả vào nồi cùng với 800ml nước lọc.
  • Thực hiện sắc thuốc đến khi lượng nước còn lại một nữa (400ml) thì ngưng.
  • Sau đó, để thuốc nguội bớt và chia thành 3 lần uống mỗi ngày.

4.4. Đau đầu, cảm mạo

  • Thành phần: 10g dược liệu tiền hồ, 10g kinh giới, 10g bạch chỉ và đem rửa sạch với nước muối.
  • Cho tất cả các vị thuốc cùng với khoảng 600ml nước lọc vào nồi. Sau đó tiến hành sắc thuốc trong 20 phút.
  • Để thuốc nguội và chắt lấy phần nước để chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày.
  • Mỗi ngày sử dụng 1 thang thuốc như trên cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
tiền hồ dược liệu
Tiền hồ dược liệu có tác dụng chữa trị một số bệnh lý khi áp dụng đúng cách

4.5. Điều trị nhọt đang sưng

  • Sử dụng 20g dược liệu tiền hồ tươi, rửa sạch với nước muối và để ráo nước.
  • Cho phần dược liệu trên vào cối và giã nát.
  • Sau đó, sử dụng tất cả (bao gồm nước cốt và bã dược liệu) để đắp vào các mụn nhọt đang sưng.
  • Thực hiện như vậy 2 lần/ngày để thấy hiệu quả rõ rệt.

4.6. Điều trị ho lâu ngày, ho khan

  • Sử dụng 30g tiền hồ dược liệu tươi, đem rửa sạch với nước muối và để ráo nước. Cho tiền hồ vào cối và tiến hành giã nát.
  • Sau đó chắt lấy phần nước cốt, bỏ bã để ngậm và nuốt từ từ.
  • Thực hiện bài thuốc 1 lần/ngày trong 7 – 10 ngày liên tiếp.
  • Ngoài ra, có thể cho phần dược liệu tiền hồ đã rửa sạch vào nồi cùng với 600ml nước lọc. Tiến hành sắc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước trong nồi còn lại khoảng 300ml. Sau đó lấy phần nước thuốc uống ngay khi còn ấm 1 lần/ngày trong 7 ngày.

5. Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu tiền hồ

  • Tuyệt đối không sử dụng dược liệu tiền hồ kém chất lượng, có nguồn gốc không rõ ràng. Những vấn đề này có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả trị bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân;
  • Mỗi khi sử dụng cần rửa sạch dược liệu tiền hồ với nước muối;
  • Đối với bài thuốc đắp từ tiền hồ trị mụn nhọt đang sưng, người bệnh cần vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ trước khi đắp thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • tobsill
    Công dụng thuốc Tobsill

    Tobsill thuốc thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp với thành phần chính là hoạt chất Dextromethorphan, Terpin hydrat. Các công dụng và cách dùng thuốc Tobsill hiệu quả sẽ được chia sẻ qua bài viết dưới đây.

    Đọc thêm
  • cây mè đất
    Cây mè đất có tác dụng gì?

    Cây mè đất là dược liệu trong các bài thuốc, cây có tính ấm, vị đắng cay với mùi thơm dịu. Thường được sử dụng trong điều trị các bệnh cảm mạo, đau họng, viêm xoang, ho gà, ghẻ lở ...

    Đọc thêm
  • dây cóc kèn
    Tác dụng của dây cóc kèn

    Dây cóc kèn thuộc họ Fabaceae (Đậu), được sử dụng chống viêm, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, trị ho, cầm máu, tiêu chảy, kiết lỵ,... Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tác dụng và cách dùng dây ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Molitux

    Thuốc Molitoux 50mg thành phần dược chất chính là Eprazinon Dihydroclorid 50mg và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc tác dụng trên đường hô hấp. Thuốc được sử dụng để làm loãng đờm, long ...

    Đọc thêm
  • Zexpam
    Công dụng thuốc Zexpam

    Thuốc Zexpam được chỉ định điều trị ho, long đờm và các rối loạn dịch tiết phế quản trong bệnh lý phế quản-phổi. Vậy cách sử dụng thuốc Zexpam như thế nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc ...

    Đọc thêm