Bạch truật có tác dụng gì? Tác dụng chữa bệnh của bạch truật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trương Thị Vân - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông

Bạch truật là loại dược liệu được sử dụng khá phổ biến trong các bài thuốc dân gian với nhiều công dụng khác nhau. Do đó, có rất nhiều người băn khoăn thắc mắc bạch truật có tác dụng gì? Để tìm hiểu rõ hơn thì bạn hãy tìm hiểu rõ thông tin ngay trong bài viết dưới đây.

1. Bạch truật là gì?

Bạch truật có tên khoa học là Atractylodes macrocephala Koidz, thuộc nhóm cây thân thảo sống lâu năm ở khu vực các nước Đông Á. Trong Y Học Cổ Truyền sử dụng phần rễ khô để bào chế ra những bài thuốc có tác dụng đến sức khỏe con người.

Thân bạch truật thẳng, mọc đơn lẻ, ở phía trên có phân ra nhiều nhánh và phía dưới là loại thân gỗ cao từ 0.3-0.7m. Rễ phát triển rất lớn. Lá cây có hai loại khác nhau: Phần trên có cuống ngắn còn phần dưới có cuống dài và ôm sát vào thân.

Bạch truật thường được thu hoạch ở vùng núi từ tháng 10 đến tháng 12 và vùng đồng bằng vào tháng 6 đến tháng 7. Không được thu hoạch quá sớm vì có thể ảnh hưởng đến tác dụng dược lý của thuốc. Vị thuốc bạch truật có mùi thơm nồng, màu trắng ngà, vị ngọt đắng, hơi cay.

Theo các nghiên cứu của Y Học Cổ Truyền, vị thuốc này không độc, tính ấm, vị ngọt dịu. Trong rễ bạch truật có chứa 1,4% tinh dầu và một số thành phần hóa học khác như vitamin A, b-Selinene, atractylon, 10E-Atractylentriol, hinesol, axit palmitic,...

2. Bạch truật có tác dụng gì?

Dược liệu bạch truật có những công dụng điều trị bệnh như sau:

  • Hệ tiêu hóa: Bạch truật có tác dụng chữa chứng táo bóntiêu chảy. Qua các nghiên cứu trên thỏ đã chứng minh rằng, nước sắc đến từ dược liệu này giúp ức chế trạng thái kích thích ở ruột và kích thích trạng thái ruột ức chế. Ngoài ra, loại thảo dược này có chứa một lượng lớn polysacarit giúp cân bằng hệ tạp khuẩn đường ruột nhằm loại bỏ các chứng rối loạn tiêu hóa, kích thích quá trình biệt hóa các tế bào bên trong ống tiêu hóa và sự phát triển của các vi nhung mao.
  • Hệ tiết niệu: Vị thuốc bạch truật giúp ức chế tiểu quản thận hấp thu nước và tăng bài tiết natri giúp lợi tiểu.
  • Hệ tuần hoàn: Một số nghiên cứu cho thấy công dụng giãn mạch và chống đông máu sau khi sử dụng nước sắc từ bạch truật.
  • Bảo vệ gan: Nước sắc bạch truật có tác dụng ngăn ngừa khả năng suy giảm glycogen trong gan và bảo vệ các tế bào gan.
  • Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch: Bạch truật có khả năng tăng cường phát triển hệ miễn dịch thông qua việc tăng bạch cầu, tăng nồng độ IL-1, IL-2, tăng IgG huyết thanh, tăng sinh tế bào lympho ngoại biên, tăng khả năng thực bào của hệ thống các tế bào lưới. Ngoài ra, còn giúp tăng tổng hợp protein ở tá tràng.
  • Trong dược liệu có chứa chất atractylenoid có khả năng ngăn ngừa phản ứng viêm (đặc biệt là viêm khớp) và viêm loét hệ tiêu hóa. Mặc khác, còn có khả năng chống viêm loét dạ dày tá tràng nhờ tác dụng ức chế dịch vị bài tiết ra từ dạ dày.
  • Dưỡng thai: Các nghiên cứu đã chỉ ra trong tinh dầu của bạch truật có chứa chất atractylone giúp ức chế những hoạt động tự phát của tử cung, làm giảm những cơn co bóp nên có thể hạn chế tỷ lệ sinh non. Ngoài ra, bạch truật còn chứa inulin là hoạt chất dùng để điều trị táo bón. Táo bón ở phụ nữ mang thai cũng là một trong những nguyên nhân gây sinh non và cuối thai kỳ.
  • Atractylenolide II và III có chứa trong bạch truật là thành phần hóa học có thể điều chỉnh dòng clorua do GABA gây ra. Do đó, bạch truật có thể sử dụng như một loại thuốc giúp an thần và điều trị chứng mất ngủ ở những người lớn tuổi.
  • Bạch truật còn có tác dụng cải thiện sắc đẹp, nhất là trong việc điều trị da xỉn màu hoặc tình trạng tăng sắc tố.
  • Bạch truật giúp cơ thể kích thích các tế bào tăng hấp thụ glucose, loại bỏ các acid béo tự do, giảm lipid gan, thúc đẩy trao đổi chất ở các mô mỡ mô cơ giúp giảm đáng kể lượng mỡ thừa trong cơ thể.
bạch truật có tác dụng gì
Giải đáp bạch truật có tác dụng gì?

3. Các bài thuốc được chế biến từ bạch truật

3.1. Trị chứng tiêu chảy, đầy hơi, ăn uống không tiêu

  • Bài 1: Đảng sâm, bạch truật mỗi vị 12g; 8g sinh khương, 4g cam thảo 4g. Đem sắc hỗn hợp trên với nước rồi uống.
  • Bài 2: 12g mỗi vị đảng sâm,phục linh, bạch truật, ý dĩ, kha tử, nhục đậu khấu, liên nhục, trần bì; sơn tra, thần khúc mỗi vị 8g, mộc hương, sa nhân, cam thảo mỗi vị 4g. Đem sắc với nước rồi uống hoặc tán nhuyễn thành bột rồi pha với nước uống.

3.2. Dưỡng thai

  • Bài 1: 32g bạch truật; đương quy, hoàng cầm, bạch thược, xuyên khung mỗi vị 64g. Đem hỗn hợp đi sấy khô rồi tán nhuyễn thành bột. Mỗi ngày pha với rượu loãng từ 8-12g bột. Bài thuốc này tốt cho phụ nữ có thai khí huyết kém, thai nhiệt.
  • Bài 2: Nhân sâm, nhu mễ, hoàng cầm, tục đoạn mỗi vị 5g; 8g đương quy, 4g mỗi vị xuyên khung và chích thảo; thục địa, bạch truật mỗi vị 10g; 15g hoàng kỳ; 6g thược dược; 4g sa nhân. Sắc hỗn hợp trên với nước uống giúp dưỡng thai hiệu quả.

3.3.Cải thiện làn da

Nguyên liệu gồm bạch truật 500g, nghệ đen 1kg, rượu gạo 30 độ 2 lít. Tán nhuyễn hỗn hợp trên với một ít rượu rồi cho vào hũ ngâm với phần rượu còn lại trong 3 tháng. Sau đó dùng mỗi tối hằng ngày bằng cách thoa một lớp mỏng lên da. Sau một tháng, tình trạng da sẽ có cải thiện rõ rệt.

3.4. Chữa các bệnh về gan

Sắc với nước uống đối với bệnh xơ gan cổ trướng từ 30-60g, viêm gan mạn tính 15-30g hoặc ung thư gan 60-100g. Ngoài ra có thể tán nhuyễn thành bột rồi hòa với nước uống.

bạch truật có tác dụng gì
Bạch truật có thể chữa viêm loét dạ dày

3.5. Chữa viêm loét dạ dày

Chuẩn bị bạch truật 10g, cam thảo 8g, trần bì và hậu phác mỗi vị 9g, 6g hắc táo nhân. Đun sôi các nguyên liệu trên với nước rồi uống trước bữa ngày, ngày uống 3 lần.

4. Khi sử dụng bạch truật cần chú ý điều gì?

Trước khi sử dụng bạch truật, nên hỏi ý kiến bác sĩ trong những trường hợp dưới đây:

  • Phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
  • Đang trong thời gian điều trị bệnh bằng cách sử dụng loại thuốc khác cũng như các sản phẩm chức năng.
  • Tiền sử bản thân có dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào hoặc thức ăn.
  • Người mắc bệnh hen, thể trạng kém phát triển, có mụn mủ.
  • Không sử dụng vị thuốc bạch truật cùng với phòng phong, địa du do chúng có khả năng tương tác với nhau nên sẽ gây ra những phản ứng bất lợi cho cơ thể.
  • Khi dùng bạch truật để điều trị nếu có bất kỳ phản ứng nào hoặc tình trạng bệnh không cải thiện thì nên dừng lại và báo cho bác sĩ.

Bạch truật dược liệu là vị thuốc quý với nhiều công dụng khác nhau. Tuy nhiên không nên tự ý sử dụng mà cần hỏi ý kiến bác sĩ và sử dụng tuân theo liều lượng được chỉ định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan