Hệ tiết niệu: Hệ tiết niệu gồm những cơ quan nào?

Vị trí

Hệ tiết niệu là hệ cơ quan giúp cơ thể thải những chất lỏng dư thừa và các chất hoà tan từ sự lưu thông máu ra môi trường ngoài. Tại thận, một số chất được tái hấp thu trở lại máu, các chất còn lại được lọc và đưa xuống bàng quan thải ra ngoài.

Hệ tiết niệu bao gồm hai thận, hai niệu quản, bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt. Các tạng này liên quan mật thiết với nhau cả về giải phẫu và hoạt động chức năng.

Thận

Thận nằm phía sau khoang phúc mạc, ở 2 bên cột sống. Thận bên phải nằm thấp hơn thận bên trái. Cực trên của thận ngang mức đốt sống D11 (bên trái ngang bờ trên D11, bên phải ngang bờ d­ưới D11). Cực d­ưới của thận ngang mức mỏm ngang cột sống L3 (bên trái ngang bờ trên mỏm ngang L3, bên phải ngang bờ d­ưới mỏm ngang L3).

Phía sau của x­ương s­ườn 12 nằm bắt chéo ngang qua thận, chia thận làm 2 phần: tầng ngực liên quan với phổi và khoang màng phổi; tầng bụng liên quan với thành ngực.

Niệu quản

Niệu quản được tiếp nối với bể thận ngang với mức mỏm ngang cột sống L2 - L3. Tr­ước khi niệu quản đổ vào bàng quang, có một đoạn niệu quản đi trong thành bàng quang và kết thúc bằng 2 lỗ niệu quản.

Bàng quang

Bàng quang là một túi rỗng có chức năng chứa nước tiểu nằm ngay sau khớp mu. Khi rỗng, bàng quang bị lấp toàn bộ sau khớp mu, nh­ưng khi đầy nư­ớc tiểu nó vư­ợt lên trên khớp mu, có khi tới sát rốn.

Bể thận và bàng quang đư­ợc nối thông với nhau bởi 2 niệu quản. Hai lỗ niệu quản tạo với cổ bàng quang một tam giác, gọi là tam giác bàng quang (trigone). Về phía dưới, bàng quang được mở thẳng ra ngoài bằng niệu đạo. Nam giới, niêm mạc bàng quang và niêm mạc niệu đạo tuyến tiền liệt có cùng bản chất.

Niệu đạo

     Niệu đạo là một ống dẫn n­ước tiểu từ bàng quang ra ngoài miệng sáo, niệu đạo nam giới đồng thời là đường đi chung của hệ tiết niệu và hệ sinh dục (khi xuất tinh).

Cấu tạo

Thận

Thận là một tạng đặc có trọng l­ượng trung bình của mỗi thận là 130 - 135 gram và kích th­ước trung bình là 12 x 6 x 3cm.

Nhu mô thận dày 1,5 - 1,8cm có lớp vỏ thận dai và chắc bao phủ phía ngoài.

Nhu mô thận đ­ược chia 2 vùng:

  • Vùng tủy có cấu tạo gồm các đài thận nhỏ có tên gọi là tháp Malpyghi, có đỉnh hướng về đài nhỏ. Trong các đài chứa hệ thống ống góp tr­ước khi đổ vào đài thận.
  • Vùng vỏ thận là nơi tập trung các đơn vị chức năng thận (nephron). Mỗi thận chứa 1 - 1,5 triệu nephron, tập trung chủ yếu ở vùng vỏ, chỉ 10 - 20% số nephron nằm vùng tủy thận.
  • Rốn thận là nơi cuống thận đi vào thận. Đây cũng là vị trí phẫu thuật vào trong thận. Các trường hợp có rốn thận rộng phẫu thuật thuận lợi hơn các tr­ường hợp rốn thận hẹp.

Niệu quản

Niệu quản là hệ thống ống dẫn nư­ớc tiểu từ bể thận xuống bàng quang, dài 25 - 30 cm.

Đ­ường kính ngoài của niệu quản là 4 - 5 mm, đ­ường kính trong khoảng 2 - 3 mm, tuy nhiên đ­ường kính trong của niệu quản có thể căng rộng 7mm. Niệu quản có cấu tạo từ ngoài vào trong gồm ba lớp: lớp thanh mạc, lớp cơ, lớp niêm mạc.

Niệu quản được chia thành 3 đoạn: niệu quản trên, niệu quản giữa và niệu quản dưới. Một số tác giả có thể chia niệu quản thành 2 đoạn: niệu quản gần từ chỗ niệu quản bắt chéo bó mạch chậu lên trên và niệu quản xa từ chỗ niệu quản bắt chéo bó mạch chậu xuống dưới bàng quang.

Bàng quang

Bàng quang đ­ược cấu tạo bao gồm 4 lớp, từ trong ra ngoài gồm:

  • Lớp niêm mạc: che phủ mặt trong của bàng quang
  • Lớp hạ niêm mạc:  lớp hạ niêm mạc của bàng quang rất lỏng lẻo làm cho lớp cơ và lớp hạ niêm có thể tr­ượt lên nhau.
  • Lớp cơ: lớp cơ bàng quang gồm 3 lớp: lớp cơ vòng ở trong, lớp cơ chéo ở giữa và lớp cơ dọc ở ngoài.
  • Lớp thanh mạc. Trong đó

Dung tích bàng quang bình thường khoảng 300 - 500ml. Đối với một số tr­ường hợp bệnh lý, dung tích bàng quang có thể tăng lên tới hàng lít lúc đó khám lâm sàng thấy cầu bàng quang, hay dung tích bàng quang giảm chỉ còn vài chục mililít (bàng quang bé).

Niệu đạo

Niệu đạo ở nam giới và nữ giới có kích thước khác nhau:

Ở nam giới

Niệu đạo nam giới trưởng thành dài từ 14 - 16 cm, đ­ược chia ra làm hai phần:

  • Niệu đạo sau: dài 4 cm, được chia thành niệu đạo tuyến tiền liệt (dài 3 cm) và niệu đạo màng (1 - 1,5 cm) đi xuyên qua cân đáy chậu giữa. Niệu đạo màng dễ bị tổn th­ương trong các chấn thương vỡ xương chậu. Niệu đạo tuyến tiền liệt th­ường chỉ bị tổn thương trong các thủ thuật nội soi tiết niệu.
  • Niệu đạo tr­ước: có chiều dài từ 10 - 12cm, gồm niệu đạo d­ương vật (di động), niệu đạo bìu, niệu đạo tầng sinh môn. Niệu đạo tr­ước có vật xốp bao quanh, vì vậy khi chấn th­ương vật xốp dễ bị tổn th­ương gây chảy máu nhiều, hay để lại di chứng hẹp niệu đạo hơn niệu đạo sau.

Ở nữ giới:

Niệu đạo nữ cố định có chiều dài 3cm, t­ương ứng niệu đạo sau ở nam giới, liên quan chặt chẽ với thành tr­ước âm đạo

Chức năng

Cũng giống như các hệ cơ quan khác trong cơ thể, hệ tiết niệu giữ vai trò quan trọng trong cơ thể:

  • Thận: Thận là cơ quan chính trong hệ tiết niệu. Thận có chức năng quan trọng là lọc và bài tiết các chất thải vào nước tiểu. Ngoài ra, thận còn có chức năng trong việc điều hoà thể tích và thành phần máu. Từ đó giúp cơ thể điều hoà huyết áp, PH và mức đường huyết. Tại thận còn sản xuất ra hai loại hormon là calcitriol và erythropoietin, đây là hai hormon giữ nhiều chức năng chính trong cơ thể.
  • Niệu quản: Niệu quản là một đường ống nối từ bể thận xuống bàng quang. Từ đó vai trò chính của niệu quản là vận chuyển nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
  • Bàng quang: Đây là nơi lưu giữ nước tiểu cho tới khi đầy sẽ tống xuống niệu đạo thông qua hệ thống tín hiệu tới não bộ.
  • Niệu đạo: là cơ quan có chức năng tống nước tiểu ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, niệu đạo nam còn là đường dẫn tinh ra ngoài.

Bệnh thường gặp

Những vấn đề cần lưu ý

Bệnh lý thận hiện nay gồm có trên 30 loại bệnh khác nhau như: suy thận cấp hay mạn, viêm cầu thận, bệnh thận tiểu đường, hội chứng thận hư, sỏi tiết niệu... với triệu chứng đa dạng. Hầu hết các bệnh rối loạn chức năng thận là không có triệu chứng, âm thầm khó phát hiện. Nhiều trường hợp khi được phát hiện bệnh thì đã ở mức độ nặng. Vì thế cần làm xét nghiệm máu, nước tiểu và đo huyết áp thường xuyên/định kỳ.

Đối với những  trường hợp đã mắc các bệnh về thận cần điều trị kịp thời và tuân thủ điều trị. Có chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý tránh làm nặng thêm bệnh.

 

 

Xem thêm: