Cấu tạo và chức năng của bìu

Vị trí

Bìu là gì? Bìu ở nam giới là một túi da mỏng, nhăn nheo, sẫm màu do các lớp của thành bụng trĩu xuống tạo thành nằm tiếp giáp với lớp da vùng bụng dưới, ngay dưới dương vật và phía trước hậu môn, có một gờ ở giữa, bên trong có một vách chia thành hai túi làm nhiệm vụ chứa đựng và nâng đỡ tinh hoàn.

Cấu tạo

Cấu tạo của bìu từ ngoài vào trong gồm các lớp tương ứng với các lớp của thành bụng:

  • Da bìu có thể thay đổi từ chỗ lỏng lẻo và bóng đến chỗ gấp chặt nhiều nếp ngang, tùy thuộc vào trương lực của cơ bám da bìu. Da bìu đậm sắc tố, có lông, không mỡ dưới da, có nhiều tuyến bã và tuyến mồ hôi. Hai ngăn của bìu được tách biệt rõ ràng bởi một dây nhỏ Raphe nằm ở chính giữa đi từ lỗ niệu đạo đến hậu môn và nối tiếp với một màng cơ ở bên trong tạo vách mô liên kết giúp phân chia hai ngăn này.

  • Lớp cơ bám da bìu Dartos liên tục với lớp mô cơ mềm hay còn gọi là cân Cottes và cơ bám da của dương vật. Da bìu co lại được là nhờ sự co của lớp cơ bám da này.

  • Lớp tế bào dưới da là lớp mỡ và tế bào nhão dưới da.

  • Lớp mạc nông hay mạc tinh ngoài liên tục với mạc tinh ngoài của thừng tinh, xuất phát từ cân cơ chéo ngoài, dính chặt vào mép lỗ bẹn ngoài.

  • Lớp cơ bìu do cơ chéo trong trĩu xuống trong quá trình đi xuống của tinh hoàn có tác dụng là nâng tinh hoàn lên khi trời lạnh, áp sát vào cơ thể, vào hố chậu để hấp thu nhiệt. Cơ chế ngược lại xảy ra khi trời nóng.

  • Lớp mạc sâu hay mạc tinh trong là một phần của mạc ngang.

  • Lớp tinh mạc được tạo nên do phúc mạc bị lôi xuống trong quá trình đi xuống của tinh hoàn, gồm lá thành và lá tạng.

Mạch máu và thần kinh

  • Động mạch của bìu xuất phát từ những động mạch đùi, bẹn và thượng vị dưới.

    • Thành trước của bìu được cấp máu bởi động mạch bẹn ngoài và có các nhánh của dây thần kinh chậu-bẹn, thần kinh sinh dục-đùi. Các mạch máu và thần kinh chạy song song nếp ngang bìu và không vượt qua đường giữa, do vậy để mở bìu, nên rạch da ngang bìu hay theo đường giữa bìu.

    • Mặt sau của bìu được cấp máu bởi các nhánh sau bìu của mạch máu đáy chậu và có các nhánh của thần kinh đáy chậu. Ngoài ra, thần kinh bì đùi sau cho những nhánh đáy chậu cho mắt sau bìu và đáy chậu. Do nguồn gốc của chúng, nên các mạch tinh được cung cấp máu từ các mạch máu cơ bìu, ống dẫn tinh và tinh hoàn, khác với thành bìu. Hoại thư Fournier thường không liên hệ tới các cấu trúc này, nên chúng có thể được bảo tồn trong quá trình bóc tách dẫn lưu mủ.

  • Các tĩnh mạch đi đôi với các động mạch.

  • Bạch mạch dẫn lưu bạch huyết vào các hạch bẹn nông.

Chức năng

Chức năng của bìu không chỉ nâng đỡ tinh hoàn mà còn giúp điều hòa nhiệt độ. Bìu giữ cho nhiệt độ của tinh hoàn thấp hơn nhiệt độ của cơ thể nên đó là lý do bìu luôn nằm ở bên ngoài cơ thể. Nhiệt độ của tinh hoàn trong bìu được quân bình bởi sự co thắt và giãn của cơ bìu và lớp cân Dartos, nếu nhiệt độ bên ngoài lạnh thì tinh hoàn sẽ được kéo lên gần ổ bụng, nếu nhiệt độ môi trường nóng thì tinh hoàn sẽ được thả lỏng xuống. Nhiệt độ khoảng 34,4°C là lý tưởng cho sự phát sinh và tồn trữ của tinh dịch, nhiệt độ cao hơn 36,7°C có thể làm ảnh hưởng không tốt đến số lượng của tinh trùng hoặc có thể dẫn đến vô sinh tạm thời nhất là khi bị sốt cao.

Thường thì người nam không thể điều khiển được cơ bìu của mình một cách trực tiếp. Sự co thắt bên trong của bắp thịt bụng dưới và sự thay đổi của áp suất trong ổ bụng góp phần điều khiển sự di động lên xuống của tinh hoàn bên trong bìu. Tinh hoàn không trực tiếp dính vào da bìu, vì vậy khi cân dartos co thắt, nó trượt lên xuống trong da bìu về phía ổ bụng. Da bìu trở nên dày hơn và nhăn nheo hơn cũng là do sự co thắt của những sợi cơ của lớp cân Dartos bao bọc tinh hoàn xảy ra một cách tự động.

Những điều cần lưu ý

Việc chăm sóc và vệ sinh vùng kín ở nam giới cần quan tâm nhất là vùng bìu và vùng bao quy đầu. Cần làm sạch vùng da bìu và bao quy đầu cả bên ngoài cũng như bên trong vì đây là nơi ứ đọng các chất cặn bã xuất tiết từ các tuyến dưới lớp da này mà vốn dễ nhiễm khuẩn, gây mùi hôi, nhất là trong những ngày thời tiết nóng nực hay khi vận động nhiều, chơi thể thao…

Cách tự khám vùng bìu để kiểm tra phát hiện bất thường:

  • Tự khám tinh hoàn ngay sau khi tắm nước ấm vì đây là lúc bìu, vùng da bao bọc tinh hoàn giãn nở nhất tạo điều kiện dễ dàng để kiểm tra.

  • Kiểm tra từng tinh hoàn một. Dùng hai tay nhẹ nhàng lăn mỗi tinh hoàn kèm theo ấn nhẹ giữa các ngón tay. Đặt ngón tay cái lên phía trên tinh hoàn, ngón tay trỏ và ngón giữa ở phía dưới tinh hoàn, sau đó cuộn tinh hoàn lại giữa các ngón tay.

  • Khi đó sẽ cảm nhận được mào tinh hoàn ống chứa tinh dịch. Khi chạm vào mào tinh hoàn sẽ cảm thấy mềm, giống như một chuỗi, khi ấn thấy hơi đau. Mào tinh hoàn nằm ở trên đỉnh mỗi tinh hoàn. Phần này hơi u lên là bình thường.

  • Cần lưu ý rằng một bên tinh hoàn thường là bên phải hơi lớn hơn bên còn lại, như vậy cũng bình thường.

  • Khi tự kiểm tra mỗi bên tinh hoàn, chú ý xem chỗ nào có cục u lên ở dọc phía trước hoặc cả 2 bên không. Những cục u này có thể chỉ nhỏ như hạt gạo hoặc hạt đậu.

  • Khi khám tinh hoàn, nếu phát hiện bất kì chỗ sưng nào, cục u nào hay sự thay đổi về kích cỡ, màu sắc của tinh hoàn, hay thấy đau ở vùng háng, bạn cần đến gặp Bác sĩ ngay lập tức.

Xem thêm: