Cấy nước tiểu là xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn trong mẫu nước tiểu. Đây là bằng chứng để xác định chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn và cả trẻ em. Tuy nhiên, quy trình cấy nước tiểu trong xét nghiệm vi sinh lâm sàng nếu không được thực hiện đúng sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa của xét nghiệm cấy nước tiểu.
1. Cấy nước tiểu là gì?
Cấy nước tiểu là một xét nghiệm để tìm vi trùng trong nước tiểu có thể là tác nhân gây nhiễm trùng.
Về nguyên tắc, nước tiểu trong lòng bàng quang là vô trùng. Điều này có nghĩa là nước tiểu không chứa bất kỳ vi khuẩn hoặc các sinh vật nào khác. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể xâm nhập vào niệu đạo theo ngược dòng và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Lúc này, một mẫu nước tiểu sẽ được thu thập và thêm vào một chất thúc đẩy sự phát triển của vi trùng. Nếu không có vi trùng phát triển, kết quả cấy là âm tính, tức không có nhiễm trùng tiểu. Ngược lại, nếu có vi trùng phát triển, kết quả cấy là dương tính, người bệnh nhiễm trùng tiểu.
Mặc dù xét nghiệm cấy nước tiểu không cho biết vị trí nhiễm trùng, kết quả này cũng giúp xác định loại vi trùng gây bệnh cũng như tìm ra loại kháng sinh phù hợp để điều trị nhiễm trùng.
2. Mục tiêu của xét nghiệm cấy nước tiểu là gì?
Triệu chứng của nhiễm trùng tiểu khá đa dạng và rất khác nhau ở mỗi người. Chính vì vậy, nuôi cấy nước tiểu là xét nghiệm cần thiết phải thực hiện trong các bệnh cảnh này và để nhằm các mục tiêu như sau:
- Chẩn đoán xác định nhiễm trùng tiểu
- Tìm nguyên nhân gây nhiễm trùng
- Lựa chọn kháng sinh nhạy cảm đối với tác nhân gây bệnh
- Đánh giá điều trị
3. Ý nghĩa xét nghiệm cấy nước tiểu trong chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu
Xét nghiệm cấy nước tiểu được xem là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu. Kết quả nuôi cấy nước tiểu thường thu nhận được sau 2 đến 3 ngày. Tuy nhiên, một số vi trùng sẽ mất nhiều thời gian hơn để nuôi cấy thành công nhằm tránh kết luận sai lệch là âm tính giả. Vì vậy, kết quả có thể không có sẵn trong vài ngày nhưng thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể phát hiện tác nhân gây bệnh hiện diện trong đường tiểu cũng như giải thích được cho sự hiện diện của các triệu chứng lâm sàng có liên quan.
Tác nhân gây bệnh được phát hiện và xác định bằng nuôi cấy nước tiểu sẽ chính xác hơn khi sử dụng nước tiểu giữa dòng, hạn chế tối đa nguy cơ ngoại nhiễm. Chính điều này sẽ cho phép ước tính mức độ nhiễm khuẩn niệu đang hoạt động.
Tuy nhiên, mức độ tối thiểu của vi khuẩn niệu chứng tỏ nhiễm trùng đường tiết niệu chưa được xác định trong tài liệu khoa học hoặc tiêu chuẩn hóa bởi các phòng thí nghiệm vi sinh. Nhiều phòng thí nghiệm xác định 105 đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU) / mL nước tiểu là ngưỡng. Tuy nhiên, ngưỡng này bỏ lỡ nhiều bệnh lý nhiễm trùng có liên quan. Do đó, có những đề nghị khác chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu là từ số lượng 103 CFU / mL, tùy thuộc vào loại vi khuẩn được phát hiện.
Trong trường hợp mẫu nước tiểu có số lượng từ 100 đến 100.000, kết quả này có thể được lý giải là do nhiễm trùng từ bên ngoài hoặc do nhiễm bẩn mẫu. Lúc này, người bệnh cần phải lặp lại quy trình nuôi cấy nước tiểu đúng theo tiêu chuẩn. Nếu số lượng vi trùng là 100 hoặc ít hơn, chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu là hiếm khi được nghĩ đến. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể được nhận định là nhiễm trùng đường tiết niệu nếu đã dùng thuốc kháng sinh.
Trong tất cả các trường hợp có kết quả xét nghiệm cấy nước tiểu là dương tính, bước tiếp theo là đánh giá độ nhạy của chủng vi khuẩn với các loại kháng sinh đang được lưu hành để giúp đưa ra quyết định về điều trị. Một số loại vi khuẩn hoặc nấm có khả năng đề kháng với một số loại kháng sinh nhất định do sự khác biệt về vật liệu di truyền của chúng, nếu vẫn dùng loại kháng sinh đó, việc điều trị sẽ không có hiệu quả. Như vậy, việc lựa chọn kháng sinh trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở từng đối tượng kháng nhau là khác nhau.
4. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm cấy nước tiểu
Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới xét nghiệm cấy nước tiểu trong chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu.
Chính vì thế, khi bác sĩ cần xét nghiệm cấy nước tiểu, người bệnh cần báo cho bác sĩ xem xét lại chỉ định này do kết quả có thể bị sai lệch hoặc kết quả có thể không hữu ích, nếu:
- Đang uống thuốc kháng sinh hoặc vừa kết thúc một đợt kháng sinh.
- Đang uống thuốc lợi tiểu hoặc vừa uống một lượng nước lớn. Điều này có thể làm loãng nước tiểu và cũng làm giảm số lượng vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm.
- Đang uống nhiều vitamin C
- Đã được đặt ống thông tiểu kéo dài. Đây là điều kiện nguy cơ cao bị nhiễm trùng tiểu ngược dòng.
Trong các tình huống này, nếu xem xét chỉ định là cần thiết, bác sĩ có thể tăng độ nhạy của cấy nước tiểu bằng cách sử dụng tất cả nước tiểu buổi sáng đầu tiên trong 3 ngày riêng biệt.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là người bệnh cần luôn tuân thủ đúng quy trình cấy nước tiểu. Bất kỳ sai lệch tại bước nào cũng sẽ khiến mẫu bệnh phẩm bị lây nhiễm và kết quả dương tính giả.
Tóm lại, xét nghiệm cấy nước tiểu là cận lâm sàng cần thiết nhằm chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, ý nghĩa xét nghiệm cấy nước tiểu trong chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu là phụ thuộc rất lớn vào quy trình cấy nước tiểu, càng thực hiện chuẩn xác thì kết quả sẽ càng có giá trị.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh viêm đường tiết niệu, quý khách có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Ngoại tiết niệu được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.
Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.