Cortisol là một hormon chống trầm cảm được tiết ra ở vỏ thượng thận. Nồng độ cortisol trong cơ thể tăng cao nhất vào buổi sáng và thấp nhất khi về đêm. Xét nghiệm cortisol để đánh giá tình trạng giảm hay tăng cortisol, từ đó giúp định hướng chẩn đoán bệnh Cushing, Addison hay một số bệnh liên quan đến vỏ thượng thận.
1. Cortisol là gì?
Cortisol hay glucocorticoid là một hormon steroid được sản xuất ra ở vỏ thượng thận, có khả năng chống stress.
Khi cơ thể bị stress sẽ kích thích vùng dưới đồi tăng tiết hormon giải phóng hormon hướng thượng thận, rồi hormon này kích thích tuyến yên tăng tiết ACTH kích thích vỏ thượng thận tiết cortisol. Việc tăng cortisol lại kích thích ngược làm tuyến yên giảm sản xuất ACTH.
Chức năng của cortisol trong cơ thể:
- Giúp tiêu thụ glucose tạo thành năng lượng hoạt động cho cơ thể,
- Kích thích tăng chuyển hóa các chất trong cơ thể, đặc biệt các chất dự trữ năng lượng như mỡ, protein...
- Chống stress nhờ khả năng khởi động các phản ứng với tác nhân gây stress.
- Tham gia vào chức năng miễn dịch, các phản ứng chống viêm.
- Làm tăng tiết dịch vị.
- Nồng độ cortisol trong cơ thể giúp đánh giá chức năng của vỏ thượng thận.
Sự sản xuất cortisol phụ thuộc vào nhịp điệu ngày đêm. Thường nồng độ cortisol trong máu đạt đỉnh điểm vào khoảng từ 6 đến 8 giờ và thấp nhất vào ban đêm. Do đó, khi tiến hành xét nghiệm cortisol, thời gian lấy mẫu lý tưởng nhất là buổi sáng.
Xét nghiệm cortisol có thể được tiến hành với mẫu bệnh phẩm là máu hoặc nước tiểu 24 giờ tùy theo chỉ định của bác sĩ với tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.
2. Ý nghĩa của xét nghiệm cortisol
Với xét nghiệm cortisol máu, sự thay đổi nồng độ cortisol giúp đánh giá chẩn đoán phân biệt:
- Suy thượng thận tiên phát với suy thượng thận thứ phát.
- Đánh giá một số vấn đề liên quan đến tuyến yên.
- Hội chứng Cushing.
Với chỉ số xét nghiệm cortisol niệu:
- Giúp định hướng chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị của một số bệnh như cường tuyến thượng thận, bệnh Addison...
- Hỗ trợ chẩn đoán bất thường 11 beta hydroxysteroid dehydrogenase.
- Chẩn đoán tăng aldosteron.
Ý nghĩa của chỉ số xét nghiệm cortisol:
- Giá trị bình thường của cortisol:
- Xét nghiệm cortisol trong máu bình thường: Từ 7 đến 10h: 171 536 nmol/l tương đương 6,2 - 11,9 μg/dl. Từ 16 đến 20h: 64 - 327 nmo/l tương đương 2,3 - 11,9 μg/dl.
- Nồng độ cortisol niệu: 27,6 - 276 mmol/ngày tương đương 10 - 100 μg/ngày.
- Xét nghiệm cortisol tăng cao trong máu thường gặp ở các trường hợp:
- Hội chứng Cushing.
- Người bị béo phì, hay làm việc vận động quá sức.
- Người đang bị sốc hoặc có dấu hiệu bị stress.
- Bệnh nhân u tuyến biểu mô thượng thận, cường tuyến yên hoặc cường tuyến giáp.
- Tăng cortisol báo hiệu một tình trạng nhiễm trùng, nguy cơ sản giật hoặc có sự xuất hiện của khối u sản xuất ACTH không đúng chỗ.
- Ngoài ra, ở những người có thai, bị bỏng hay viêm tụy cấp cũng bị tăng cortisol.
- Chỉ số xét nghiệm cortisol trong máu giảm khi:
- Mắc bệnh Addison hoặc các bệnh lý về gan.
- Bị suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp hoặc hoại tử tuyến yên sau sinh.
- Bệnh nhân hạ đường huyết cũng kéo theo giảm cortisol máu.
- Nồng độ cortisol niệu tăng cao:
- Phụ nữ có thai hoặc vô kinh.
- Bị stress.
- Bệnh nhân cường tuyến giáp, có khối u tuyến yên.
- Hội chứng Cushing làm tăng đồng thời cả cortisol niệu và máu.
- Người mắc ung thư phổi.
- Nồng độ cortisol niệu giảm:
- Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn chức năng cầu thận.
- Mắc bệnh Addison, suy tuyến giáp, suy tuyến yên.
Ngoài ra, sự thay đổi nồng độ cortisol trong cơ thể còn liên quan đến các yếu tố không phải bệnh lý như:
- Stress, làm việc quá sức, hay đang ngủ.
- Do dùng thuốc Dexamethason, thuốc tránh thai, Amphetamine, Levodopa, Androgen...
- Người có hội chứng buồng trứng đa nang, nghiện rượu, rối loạn nồng độ cortisol cấp tính...
- Mẫu bệnh phẩm chưa được lấy và bảo quản đúng cách.
3. Những lưu ý khi lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm cortisol
Một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:
- Yếu tố tâm lý như sợ hãi, căng thẳng, stress.
- Việc có thai có thể làm nồng độ cortisol tăng ca trong nước tiểu.
- Ăn uống, tập thể dục mạnh trước khi xét nghiệm.
- Bệnh nhân hạ đường huyết.
- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc đang dùng thuốc điều trị bệnh.
- Trong vòng 1 tuần trước khi xét nghiệm có quét phóng xạ.
- Mẫu bệnh phẩm.
Để không bị sai số nhiều trong xét nghiệm cortisol dẫn đến chẩn đoán không chính xác, cần lưu ý:
- Nồng độ cortisol trong cơ thể thay đổi liên tục trong ngày, thời gian làm xét nghiệm tốt là buổi sáng.
Nếu bệnh nhân được chỉ định lấy bệnh phẩm máu:
- Nhịn ăn khoảng 10 đến 12 tiếng trước khi lấy máu.
- Không tập thể dục mạnh trước xét nghiệm 1 ngày.
- Một số thuốc điều trị bệnh khác có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm cortisol nên cần ngưng trước khi xét nghiệm 24 giờ như: thuốc chống động kinh, thuốc tránh thai loại progesterone và estrogen, androgen hay các thuốc glucocorticoids.
- Đối với bệnh nhân nghi ngờ hội chứng Cushing, cần lấy máu 2 lần: lúc 7 - 10h và lúc 16 - 20h.
Nếu bệnh nhân được chỉ định lấy bệnh phẩm nước tiêu:
- Lấy mẫu nước tiểu 24 giờ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, bảo quản trong bình chứa có acid boric theo yêu cầu.
Nói chung, cortisol là một hormon quan trọng của cơ thể. Để biết được nồng độ cortisol trong cơ thể có thể làm xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Tăng cortisol hay giảm cortisol đều liên quan đến những bệnh lý trong cơ thể. Xét nghiệm cortisol có thể bị sai số nếu không thực hiện đúng quy trình xét nghiệm, dẫn đến những chẩn đoán không chính xác. Vậy nên hãy thực hiện xét nghiệm cortisol ở những cơ sở y tế uy tín để không bị ảnh hưởng đến chẩn đoán bệnh lý đưa đến những hướng điều trị bệnh sai lầm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.