Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn - Trưởng đơn nguyên Chẩn đoán hình ảnh can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Có nhiều phương pháp để kiểm tra mạch máu não như chụp động mạch não số hóa xóa nền DSA, chụp cộng hưởng từ mạch máu não có và không tiêm thuốc đối quang từ, chụp cắt lớp vi tính mạch máu não có tiêm thuốc cản quang. Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não có tiêm thuốc cản quang là phương pháp không xâm lấn có giá trị cao trong chẩn đoán chính xác các bệnh lý mạch não não và bệnh lý nhu mô não.
1. Ý nghĩa của chụp cắt lớp vi tính mạch máu não?
Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não là sử dụng hệ thống máy cắt lớp vi tính đa dãy đầu dò hay đa lớp cắt (64 lớp cắt, 128 lớp cắt, 256 lớp cắt, 512 lớp cắt... ) có tiêm thuốc cản quang chứa I ốt đường tĩnh mạch để chụp toàn bộ hệ thống mạch máu não và sau đó sử dụng phần mềm để xóa xương, phần mềm và tái tạo lại hình ảnh 3 chiều mạch máu não.
Từ những hình ảnh chụp được sẽ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác một số bệnh lý như phình mạch não, dị dạng mạch não, hẹp mạch não hay thông động tĩnh mạch não. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho người bệnh về các nguy cơ tai biến, biến chứng do các bệnh lý gây nên như: vỡ mạch máu não, tắc mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ)...
Trong cấp cứu khi người bệnh đến viện với chẩn đoán là đột quỵ não sớm (trước 6 giờ tính từ khi xuất hiện triệu chứng) thì người bệnh sẽ được chỉ định ngay lập tức chụp cắt lớp vi tính mạch não có tiêm thuốc cản quang tìm điểm tắc mạch não do cục máu đông và tiến hành tiêm thuốc tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối cơ học động mạch não ngay lập tức. Nếu người bệnh được xác định là chảy máu não thì sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính mạch não có tiêm thuốc cản quang tìm điểm vỡ mạch não (xuất huyết não thường do vỡ túi phình mạch não) và tiến hành can thiệp nội mạch nút tắc túi phình mạch não bằng vòng xoắn kim loại (coils). Nếu người bệnh được chẩn đoán các bệnh lý khác mà không phải can thiệp thì người bệnh được nhập viện điều trị với phác đồ phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân.
2. Những nguy cơ khi chụp cắt lớp vi tính mạch máu não là gì?
Nếu vào trong tình trạng cấp cứu đột quỵ hay xuất huyết não thì người bệnh sẽ được chụp cắt lớp vi tính động mạch não có tiêm thuốc cản quang sớm nhất có thể và được theo dõi sát của các bác sĩ cấp cứu. Nếu người bệnh đến trong tình trạng không phải cấp cứu đột quỵ não thì cần tuân thủ các quy định của an toàn tiêm thuốc cản quang có chứa I ốt như sau:
● Người bệnh hoặc người giám hộ cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin trong bảng kiểm an toàn tiêm thuốc cản quang cho nhân viên y tế và ký phiếu đồng ý tiêm thuốc cản quang. Các thông tin cần cung cấp như sau:
○ Có tiền sử dị ứng với thời tiết, thức ăn, dị ứng thuốc đặc biệt là dị ứng với thành phần của thuốc cản quang trong lần chụp trước.
○ Có đang bị suy thận, suy tim nặng.
○ Có đang bị bệnh hen suyễn và đang sử dụng thuốc nhiều hơn 2 lần/ngày không.
○ Có đang bị tiêu chảy mất nước nặng không.
○ Bệnh nhân đang bị bệnh tiểu đường và đang điều trị thuốc tiểu đường Metformin.
○ Đã nhịn ăn trước 4 tiếng chưa?
○ Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần khai thác thông tin có đang mang thai, nghi ngờ có thai hoặc cho con bú không.
● Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thay trang phục của phòng chụp cắt lớp vi tính. Tháo bỏ tất cả các trang sức, đồ vật kim loại ở vùng cổ, vùng đầu để không ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và quá trình chụp.
● Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc an thần thì phải có người hỗ trợ và sử dụng các phương tiện di chuyển phù hợp.
3. Chuẩn bị gì trước khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính mạch máu não?
Khi chụp người bệnh sẽ được kỹ thuật viên giải thích về quy trình chụp và tiêm thuốc để người bệnh phối hợp. Kỹ thuật viên đặt 1 đường tiêm vào tĩnh mạch ở vùng khuỷu tay của người bệnh và sẽ đấu nối với hệ thống máy tiêm thuốc cản quang có chứa I ốt được chuẩn bị trước đó. Kỹ thuật viên sẽ băng cố định nhẹ ở vùng đầu của người bệnh đảm bảo trong toàn bộ quá trình chụp đầu sẽ không bị lệch và hình ảnh thu được rõ nét nhất, không bị mờ nhòe hay ngắt đoạn.
Trong lúc máy chụp bạn sẽ thấy những tiếng vù vù cùng với tiếng ồn của máy quét khi bàn di chuyển lên xuống.
Khi tiêm thuốc cản quang người bệnh có thể cảm nhận được một luồng hơi nóng chạy dọc cánh tay vào cơ thể hoặc vị kim loại bên trong miệng. Cùng lúc đó máy sẽ nhanh chóng ghi lại những hình ảnh của mạch máu não.
Sau khi chụp xong, người bệnh sẽ được theo dõi tại phòng chụp ~ 15 – 30 phút để phòng ngừa các phản ứng của thuốc cản quang như đỏ da, nổi mẩn, buồn nôn, nôn... Sau thời gian theo dõi thì đường truyền tĩnh mạch sẽ được tiếp tục tiêm truyền những thuốc mà người bệnh đang dùng hoặc gỡ bỏ. Người bệnh được mặc lại quần áo của mình và chờ đọc kết quả.
Những hình ảnh vừa chụp sẽ được kỹ thuật viên xử lý, tái tạo hình ảnh 3 chiều và bác sĩ chuyên khoa chuyên chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm sẽ phân tích, ghi nhận những hình ảnh bình thường, bất thường vào phiếu kết quả gửi cho người bệnh hoặc gửi về cho bác sĩ lâm sàng để đưa ra các phương pháp điều trị cho phù hợp.
4. Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não như thế nào?
Chụp cắt lớp vi tính có sử dụng tia X nhưng liều lượng tia được đánh giá là nằm trong giới hạn cho phép của kỹ thuật, không bị quá liều tia, không gây nguy hiểm hay tạo nên ảnh hưởng bất lợi cho người bệnh.
Một số trường hợp người bệnh bị phản ứng dị ứng với thuốc cản quang, tùy theo mức độ từ nhẹ, trung bình hay nặng của phản ứng dị ứng mà có phác đồ xử trí phù hợp.
Tóm lại, chụp cắt lớp vi tính mạch máu não là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng các máy đa dãy đầu dò hay đa lớp cắt (64 lớp cắt, 128 lớp cắt, 256 lớp cắt, 512 lớp cắt... ) được trang bị ở những cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa trình độ chuyên môn cao, máy móc hiện đại; không thực hiện được ở các cơ sở y tế lạc hậu, trình độ chuyên môn thấp. Do đó, người bệnh nên đến khám và điều trị những bệnh lý liên quan đến mạch máu não ở những cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên khoa trình độ chuyên môn cao, máy móc hiện đại.