Ý nghĩa chỉ số SG trong xét nghiệm nước tiểu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Xét nghiệm nước tiểu là một trong những hình thức kiểm tra sức khỏe tổng quát thường được các bác sĩ khuyến nghị thực hiện. Thông qua các chỉ số phân tích trong mẫu nước tiểu, bác sĩ có thể chẩn đoán và nhận biết bạn có đang gặp phải vấn đề gì về sức khỏe hay không. Trong xét nghiệm nước tiểu có một chỉ số SG, vậy ý nghĩa của chỉ số này là gì?

1. Chỉ số SG trong xét nghiệm nước tiểu là gì?

Chỉ số SG tên đầy đủ là Specific Gravity - tức tỷ trọng. Tỷ trọng nước tiểu được định nghĩa là lượng các chất hòa tan hòa tan trong nước tiểu so với nước (=1.000). Tỷ trọng nước tiểu thể hiện khả năng cô đặc nước tiểu hay pha loãng nước tiểu giúp đánh giá trạng thái thể dịch hay cân bằng nước của bệnh nhân.

Đây cũng có thể là chỉ số gợi ý khả năng nhiễm khuẩn, bệnh thận như viêm cầu thận, bệnh lý ống thận, hay viêm đài bể thận. Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng cần dùng chỉ số này để đánh giá như bệnh lý về gan, đái tháo đường, suy tim xung huyết.

2. Chỉ số SG trong xét nghiệm nước tiểu cho biết điều gì?

Thử nghiệm này phản ánh nồng độ ion trong nước tiểu và có tương quan với phương pháp đo khúc xạ. Khi có các ion dương, các proton sẽ được giải phóng bởi một thuốc thử hỗn hợp, tạo nên một sự thay đổi màu của chất chỉ thị màu Bromthymol có màu xanh da trời sang màu xanh lá cây rồi chuyển màu vàng. Đạm trong nước tiểu từ 100-500 mg/dL hoặc các cetoacid, làm tỷ trọng nước tiểu có xu hướng tăng, sự tăng tỷ trọng do nồng độ đường >1000mg/dl (>56 mmol/l) có thể không phát hiện bằng thử nghiệm này .

Tỷ trọng nước tiểu bình thường được đo theo que thử là: 1.010-1.025. Các thay đổi tỷ trọng và tình trạng thận tương ứng như sau:

  • Tỷ trọng nước tiểu giảm (<1.005): Là dấu hiệu thận có khả năng cô đặc nước tiểu kém hoặc do tăng thải nước tiểu quá mức, thường gặp trong đái tháo nhạt do thận, viêm cầu thận cấp, viêm bể thận hoặc hoại tử ống thận giai đoạn đa niệu. Tỷ trọng nước tiểu thấp giả tạo có thể là do nước tiểu bị kiềm hóa;
  • Tỷ trọng nước tiểu không thay đổi (tỉ trọng =1.010): Gặp trong bệnh thận giai đoạn cuối, tỷ trọng nước tiểu thường có xu hướng tiến tới 1.010, nguyên nhân có thể do các bệnh thận gây suy thận mạn, viêm cầu thận mạn;
  • Tỷ trọng nước tiểu tăng (>1.035): Tăng tỷ trọng nước tiểu thể hiện nước tiểu bị cô đặc với một lượng lớn các chất hòa tan. Nguyên nhân có thể do mất nước (sốt, nôn mửa, ỉa lỏng), hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp, suy thượng thận, suy thận, hạ Kali máu đi kèm phù, suy gan, suy tim do tắc nghẽn, hội chứng thận hư. Ngoài ra, tăng tỷ trọng nước tiểu cũng có thể do đái tháo đường hoặc do truyền đường, tiểu đạm, nhiễm độc niệu hoặc do truyền dung dịch dextran.

3. Cách lấy mẫu nước tiểu làm xét nghiệm


Cách lấy mẫu nước tiểu làm xét nghiệm
Cách lấy mẫu nước tiểu làm xét nghiệm

Có hai phương pháp lấy nước tiểu làm xét nghiệm: lấy 1 mẫu mẫu nước tiểu giữa dòng (thường là mẫu nước tiểu vào lúc sáng sớm, lần đầu ngay khi thức dậy) hoặc thu thập nước tiểu trong 24 giờ để phân tích.

Cách thu thập toàn bộ mẫu nước tiểu trong khoảng thời gian 24 giờ được thực hiện như:

  • Bước 1: Ngay sau khi ngủ dậy, đi tiểu hết vào trong bồn vệ sinh mà không lấy mẫu xét nghiệm. Nữ hộ sinh hoặc bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn lấy mẫu nước tiểu vào một giờ cố định trong buổi sáng;
  • Bước 2: Thu thập toàn bộ lượng nước tiểu trong thời gian còn lại của ngày hôm đó và buổi tối. Mỗi khi đi tiểu xong, đổ hết lọ nước tiểu vào trong một bình chứa mà bệnh viện cung cấp;
  • Bước 3: Đúng 24 giờ sau Bước 1, bạn thu thập mẫu nước tiểu cuối cùng và đổ thêm vào bình chứa.

Lấy nước tiểu giữa dòng có nghĩa là sau khi đi tiểu bớt một ít sẽ lấy phần nước tiểu tiếp đó để làm xét nghiệm. Mục đích của việc bỏ đi phần nước tiểu đầu là nhằm giảm khả năng vây bẩn nước tiểu từ vùng sinh dục ngoài, vùng hậu môn, vốn rất gần với lỗ tiểu.

Tay dùng để lấy nước tiểu nên rửa sạch để tránh dây bẩn. Nếu có điều kiện rửa sạch vùng kín trước khi đi tiểu thì càng tốt.

Bạn nên ghi nhớ chi tiết liên quan đến bữa ăn như khoảng cách từ sau bữa ăn tới lúc lấy nước tiểu, có ăn hay uống quá ngọt không... trước khi lấy nước tiểu. Như vậy sẽ kết quả diễn giải xét nghiệm sẽ chính xác hơn.

Kết quả xét nghiệm nước tiểu chỉ nên được bác sĩ phân tích và diễn giải để đảm bảo chính xác và hiểu rõ tình trạng sức khỏe. Khi cơ thể bạn có bất kỳ vấn đề nào bất ổn thì nên đi khám kiểm tra tổng quát để xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe