Xuất tinh ra máu: Những điều cần biết

Xuất tinh ra máu là một tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi tinh trùng có lẫn máu. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các bệnh lý lành tính như viêm nhiễm đường sinh dục đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn như ung thư. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh đòi hỏi sự đánh giá toàn diện từ các chuyên gia y tế.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Nguyên nhân xuất tinh ra máu

Thông thường, tinh dịch có màu trắng ngà nhưng nếu có vấn đề bất thường, chúng ta có thể nhận thấy tinh trùng có lẫn máu đỏ hoặc hồng hoặc qua xét nghiệm phát hiện tính dịch có máu.

Tinh trùng được sản xuất trong tinh hoàn và sau đó được lưu trữ trong mào tinh. Khi giao hợp, các cơ bắp co lại, giúp tinh trùng di chuyển ra ngoài và trên hành trình của chúng, nhận thêm các chất từ túi tinh và tuyến tiền liệt, trước khi được phóng ra ngoài qua niệu đạo.

Do đó, bất kỳ chỗ nào trên đường dẫn tinh bị chảy máu đều dẫn đến hiện tượng xuất tinh ra máu. Nam giới khi xuất hiện tình trạng tinh trùng có lẫn máu thường không cảm thấy đau đớn. Người nam chỉ nhận thấy tinh trùng có lẫn máu, màu sắc thay đổi đa dạng: nâu sẫm, đỏ tươi hoặc màu gỉ sắt. Trong nhiều trường hợp, không có thêm bất kỳ triệu chứng nào khác đi kèm.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp xuất tinh ra máu thứ phát, nam giới có thể gặp phải các triệu chứng bổ sung như đau khi xuất tinh hoặc cảm giác đau âm ỉ kéo dài từ tinh hoàn đến vùng chậu. Đây được xem là dấu hiệu báo động sớm của các bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt, điển hình là viêm tuyến tiền liệt.

Những nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng tinh trùng có lẫn máu bao gồm:

  • Viêm các bộ phận sinh dục như viêm túi tinh, viêm đường dẫn tinh, viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm lao mào tinh hoàn và tinh hoàn là nguyên nhân thường gặp.
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh.
  • Tắc nghẽn, nang hay sỏi túi tinh.
  • Chấn thương tại niệu đạo, vùng chậu hoặc tinh hoàn.
  • Các can thiệp y tế như sinh thiết tuyến tiền liệt, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt hay chọc hút mào tinh.
  • Quan hệ tình dục trong trạng thái tâm lý căng thẳng hoặc tư thế không phù hợp, có thể làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, gây ra tình trạng tinh trùng có lẫn máu.
  • Các bệnh lý toàn thân như rối loạn đông máu, tăng huyết áp, xơ gan.
  • Các nguyên nhân ác tính, thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi bị xuất tinh ra máu: ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường dẫn tinh, ung thư tinh hoàn và u lympho.
Ung thư tuyến tiền liệt gây xuất tinh ra máu.
Ung thư tuyến tiền liệt gây xuất tinh ra máu.

2. Chẩn đoán tinh trùng có lẫn máu như thế nào?

Chẩn đoán xuất tinh ra máu cần căn cứ vào dấu hiệu như tinh dịch có lẫn máu màu đỏ, hồng, nâu hoặc khi xét nghiệm phát hiện sự hiện diện của máu trong tinh dịch.

Chẩn đoán xuất tinh ra máu khi xét nghiệm thấy máu có trong tinh dịch.
Chẩn đoán xuất tinh ra máu khi xét nghiệm thấy máu có trong tinh dịch.

Dưới đây là các phương pháp cần thiết để xác định nguyên nhân gây xuất tinh ra máu bao gồm:

  • Siêu âm ổ bụng: Dùng để kiểm tra sức khỏe của tuyến tiền liệt, gan, thận và bàng quang.
  • Siêu âm tinh hoàn: Giúp phát hiện các vấn đề như giãn tĩnh mạch thừng tinh và viêm mào tinh hoàn.
  • Siêu âm qua trực tràng: Phương pháp này hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt và túi tinh như canxi hóa tuyến tiền liệt, sỏi túi tinh, giãn túi tinh, nang túi tinh hoặc nang ống phóng tinh.
  • Chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung: Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất hiệu quả để thăm dò tuyến tiền liệt và túi tinh, đặc biệt khi có nghi ngờ từ siêu âm qua trực tràng.
  • Nội soi túi tinh: Thực hiện khi tình trạng xuất tinh ra máu kéo dài hơn 3 tháng mà không rõ nguyên nhân hoặc khi có dấu hiệu bất thường ở túi tinh qua các phương pháp siêu âm hay chụp cộng hưởng từ.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá các vấn đề viêm nhiễm ở đường tiết niệu.
  • Xét nghiệm tinh dịch: Bao gồm xét nghiệm tinh dịch đồ, nuôi cấy vi khuẩn trong tinh dịch, và tìm kiếm tế bào ác tính.
  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra công thức máu, tốc độ máu lắng, chức năng đông máu và thực hiện xét nghiệm PSA để đánh giá nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Tuy vậy, không phải bệnh nhân nào cũng thực hiện đầy đủ các xét nghiệm như vậy. Dựa trên tình trạng bệnh lý, tuổi tác, thời gian mắc bệnh và các dấu hiệu đi kèm, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả.

3. Ảnh hưởng của tình trạng xuất tinh ra máu đến cuộc sống nam giới

Xuất tinh ra máu không chỉ gây ra những lo lắng, hoang mang thường xuyên mà còn tác động tiêu cực đến cả đời sống tình dục và sức khỏe tổng thể của nam giới. Cảm giác không thoải mái và lo sợ bệnh tật khiến họ xa lánh bạn tình, giảm ham muốn và thậm chí có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn.  

Trong trường hợp nghiêm trọng, xuất tinh ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh ung thư nguy hiểm. Vì vậy, việc khám và điều trị sớm là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

4. Điều trị tinh trùng có lẫn máu như thế nào?

Điều trị xuất tinh ra máu phải tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Điều trị nội khoa: Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng, sẽ sử dụng thuốc kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ kết hợp với thuốc chống viêm. Đối với các nguyên nhân liên quan đến bệnh lý toàn thân, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc phù hợp với bệnh nền.
  • Điều trị ngoại khoa: Được áp dụng trong các trường hợp như tắc nghẽn túi tinh, nang túi tinh, sỏi túi tinh, giãn tĩnh mạch niệu đạo hoặc những bệnh ung thư giai đoạn đầu có thể can thiệp phẫu thuật.
Điều trị tinh trùng có lẫn máu bằng nhiều cách.
Điều trị tinh trùng có lẫn máu bằng nhiều cách.

Hiện tượng xuất tinh ra máu dễ làm nam giới cảm thấy lo lắng, nhưng phần lớn các trường hợp không nghiêm trọng và có thể tự hồi phục, dù tình trạng có thể xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể do nguyên nhân nghiêm trọng. Do đó, khám và điều trị sớm là cần thiết để rút ngắn thời gian chữa trị, tiết kiệm chi phí và hạn chế nguy cơ tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe