Xuất huyết não do vỡ mạch não: Dấu hiệu nhận biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xuất huyết não do vỡ mạch não có tỷ lệ tử vong cao, việc nhận biết để điều trị sớm nhằm giúp kích thước khối máu tụ không tăng thêm và làm giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

1. Xuất huyết não là gì?

Xuất huyết não là một loại đột quỵ, xảy ra khi máu tràn vào mô não và gây tổn thương não. Khi máu từ tổn thương kích thích các mô não thì sẽ gây ra phù não, máu tập trung thành một khối gọi là tụ máu. Tình trạng này làm tăng áp lực lên các mô xung quanh, cuối cùng giết chết các tế bào não và vỡ mạch não.

Bệnh nhân xuất huyết não nặng có tỷ lệ tử vong cao, tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào kích thước khối máu tụ trong não. Kích thước này càng lớn thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong và tàn phế càng cao. Thông thường việc điều trị chỉ nhằm giúp kích thước khối máu tụ không tăng thêm và làm giảm các biến chứng. Số ít bệnh nhân xuất huyết não có thể hồi phục, đi lại được và phần lớn bệnh nhân tàn phế vĩnh viễn.

2. Nguyên nhân xuất huyết não

  • Dị dạng mạch não là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xuất huyết não. Đây là bệnh bẩm sinh và chỉ có thể chẩn đoán được khi có triệu chứng.
  • Người bị chấn thương ở đầu hoặc vận động thể chất quá độ, quá căng thẳng.
  • Người có huyết áp cao thường làm suy yếu thành mạch máu, nếu không điều trị sẽ gây xuất huyết não.
  • Chứng phình động mạch do suy yếu thành mạch máu, có thể vỡ và chảy máu vào não, dẫn đến đột quỵ.
  • Người bị bệnh mạch máu dạng bột, tình trạng này có thể gây ra các vi xuất huyết khó nhận biết trước khi gây ra xuất huyết nặng.
  • Người bị rối loạn đông máu
  • Người có bệnh lý về gan, u não
  • Người có tiền sử béo phì, ít vận động, cholesterol trong máu cao.
  • Người làm việc dưới trời nắng nóng bị sốc nhiệt.

Dị dạng mạch não là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xuất huyết não
Dị dạng mạch não là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xuất huyết não

3. Biến chứng xuất huyết não

Sau xuất huyết não thì có tới 92% người bị biến chứng về vận động, 68% di chứng vừa và nhẹ và 27% chịu biến chứng nặng. Các biến chứng xuất huyết não thường gặp nhất bao gồm:

  • Liệt nửa người: Theo thống kê của các chuyên gia y tế có tới hơn 90% người bị xuất huyết não phải chịu biến chứng này sau phục hồi. Đây là loại di chứng xuất huyết não nặng nề nhất, khiến người bệnh không thể chủ động trong cuộc sống của mình, gây khó khăn đi lại, khó cử động tay cân.
  • Chứng rối loạn tâm lý: Người bệnh thường rối loạn tâm lý do vừa trải qua cú sốc lớn về tinh thần, luôn có cảm giác cô đơn buồn tủi, vô dụng khi thấy mình bị bệnh nằm một chỗ, phải phụ thuộc vào người thân chăm sóc.
  • Rối loạn ngôn ngữ: Người bệnh xuất huyết não sẽ bị méo miệng, phát âm không tròn vành rõ tiếng như lúc khỏe mạnh, có một số âm không phát ra được hoặc bị mất nguyên âm cuối. Trong trường hợp nặng, khả năng ngôn ngữ của người bệnh chỉ bập bẹ như trẻ đang tập nói.
  • Rối loạn nhận thức: Như trí nhớ giảm sút, lơ mỡ, lú lẫn, thờ ơ, không nhớ được những gì đã xảy ra trong một khoảng thời gian.
  • Rối loạn nuốt: Người xuất huyết não khi nuốt dễ bị sặc, nuốt khó, không nhai được...
  • Rối loạn hô hấp: Người bệnh dễ dẫn đến suy hô hấp, tụt lưỡi, sặc tắc đờm... gây ra viêm phổi.
  • Không tự chủ tiểu tiện: Đây là biến chứng phổ biến nhất với những bệnh nhân bị xuất huyết não, khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống, dễ cáu gắt, mệt mỏi và bức bối.

Ngoài những vấn đề biến chứng xuất huyết não, người bệnh còn phải đối mặt với nguy cơ tái phát bệnh gây ra nhiều hậu quả khác và chi phí điều trị cao gấp nhiều lần.

4. Dấu hiệu nhận biết


Xuất huyết não khởi phát rất đột ngột khiến bệnh nhân bỗng nhiên nhức đầu dữ dội
Xuất huyết não khởi phát rất đột ngột khiến bệnh nhân bỗng nhiên nhức đầu dữ dội

Xuất huyết não khởi phát rất đột ngột và dữ dội, có thể ngay sau lúc gắng sức về tâm lý và thể lực hoặc trong lúc đang làm việc, sinh hoạt bình thường, thậm chí căn bệnh bộc phát ngay trong giấc ngủ hay khi vừa thức dậy. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh như sau:

  • Bỗng nhiên nhức đầu dữ dội, bủn rủn chân tay và ngã chúi xuống một bên hoặc bị tê liệt một cánh tay, một bên chân.
  • Không nói được, nói không rõ tiếng, mặt méo xệch, miệng cũng méo.
  • Cơ thể vã mồ hôi, tiểu tiện không tự chủ, nhịp thở không đều, rối loạn nhịp tim và huyết áp, sốt.
  • Rối loạn về nuốt như nuốt khó, nuốt dễ bị sặc, không nhai được.
  • Trí nhớ giảm sút nhanh chóng, hay quên hoặc quên hoàn toàn mọi thứ nhanh chóng...

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được hỗ trợ vì người bị xuất huyết não nên được cấp cứu trong thời gian 3 - 4 giờ sau khi bệnh khởi phát để giảm bớt được mức độ nguy hiểm và hạn chế biến chứng do bệnh.

5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị xuất huyết não

  • Phương pháp chẩn đoán

Ngoài biểu hiện lâm sàng bệnh xuất huyết não các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp CT sọ não hoặc chụp MRI sọ não. Hai phương pháp này rất cần thiết để xác định chẩn đoán xuất huyết não và loại trừ đột quỵ nhồi máu não... CT và MRI đều được cân nhắc là những lựa chọn chẩn đoán hình ảnh đầu tiên trong đánh giá và chẩn đoán cấp cứu xuất huyết não. Tuy nhiên, CT cần được thực hiện ở bệnh nhân có chống chỉ định chụp MRI.

  • Điều trị xuất huyết não

Điều trị xuất huyết não phụ thuộc vào vị trí, nguyên nhân và mức độ xuất huyết. Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để làm giảm phù và ngăn ngừa chảy máu. Tùy thuộc vào vị trí của các cục máu đông, bác sĩ sẽ phẫu thuật mở sọ hoặc chọc hút theo hướng dẫn của quang tuyến. Một số loại thuốc cũng có thể được chỉ định, bao gồm thuốc giảm đau, corticoid hoặc thuốc lợi tiểu để làm giảm phù, thuốc chống co giật để kiểm soát co giật.

Người bệnh sẽ cần phải điều trị dài để khắc phục triệu chứng do tổn thương não. Tùy thuộc vào các triệu chứng, điều trị có thể bao gồm vật lý trị liệu, tập nói và một số liệu pháp khác.

6. Kiểm soát bệnh xuất huyết não bằng cách nào?

Xuất huyết não là căn bệnh rất nguy hiểm, để lại nhiều biến chứng, để kiểm soát bệnh bạn nên:

  • Điều trị chứng tăng huyết áp thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nói không với rượu bia, thuốc lá, các chất như cocaine vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết não.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường, bệnh lý về gan, tim mạch,...
  • Xây dựng lối sống lành mạnh.
  • Đi khám định kỳ ít nhất 6 tháng một lần để biết tình hình sức khỏe của bản thân.

Kỹ thuật điều trị lấy huyết khối động mạch não đã được áp dụng tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng nhằm tăng cơ hội chữa trị cho bệnh nhân nhồi máu não nói riêng và các bệnh lý về huyết khối nói chung.

Kỹ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn:

Kỹ thuật được chỉ định cho các bệnh nhân:

  • Xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình mạch não
  • Nhồi máu não do tắc động mạch não lớn.
  • Xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch não

Điểm nổi trội ưu việt của phương pháp đó là sử dụng máy chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 với công nghệ silentmáy chụp cắt lớp CT 640 dãy phục vụ cho kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối động mạch não.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02363711111 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe