Xuất huyết dưới da là một hiện tượng sức khỏe phổ biến đến từ nguyên nhân đa dạng, bao gồm nhiễm trùng máu, chấn thương hoặc thiếu hụt vitamin... Đây là dấu hiệu của một số bệnh lý nhưng không ít người chủ quan trước tình trạng này. Vậy xuất huyết dưới da có nguy hiểm không?
1. Triệu chứng xuất huyết dưới da là gì?
Hiện tượng xuất huyết dưới da rất dễ nhận thấy thông qua các mảng bầm tím, xanh đen, các đốm xuất huyết li ti màu đỏ bên dưới da. Hiện tượng đổi màu da này thường đến từ nguyên nhân vỡ mạch máu, khiến máu bị rò rỉ vào mô bị tổn thương.
Bạn cũng có thể nhận biết hiện tượng xuất huyết dưới da bằng cách ấn vào vùng da tại hoặc gần khu vực da bị xuất huyết. Nếu như đây là một làn da khỏe mạnh sẽ nhợt đi khi ấn vào và trở lại hồng hào khi thả tay ra. Ngược lại, nếu bên dưới da của bạn đang bị xuất huyết, làn da hoàn toàn bình thường khi ấn mà không hề nhạt đi.
Tình trạng xuất huyết dưới da thường biểu hiện ở 2 dạng chính:
- Ban xuất huyết không bị giảm số lượng tiểu cầu.
- Xuất huyết dưới da vì số lượng tiểu cầu giảm.
2. Nguyên nhân xuất huyết dưới da
Xuất huyết dưới da có vô số nguyên nhân gây ra, bao gồm những nguyên nhân lành tính cho đến các bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm ung thư. Trong đó, một số nguyên nhân chủ yếu gây ra xuất huyết dưới da là:
- Do chấn thương từ bên ngoài gây bầm tím trên da.
- Vấn đề về tiểu cầu như suy nhược tiểu cầu (hay còn gọi là Glanzmann), hoặc giảm tiểu cầu nguyên phát.
- Do dị ứng hoặc do tác dụng phụ từ một số loại thuốc bạn sử dụng trong thời gian gần đây.
- Các ảnh hưởng sau điều trị của hóa trị, xạ trị... dành cho bệnh nhân ung thư cũng là tác nhân gây ra xuất huyết dưới da.
- Tình trạng nhiễm khuẩn trong cơ thể như bệnh thương hơn, bệnh sởi, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết do não mô, hoặc bệnh bạch hầu, Hodgkin, đa u tủy, bệnh bạch cầu, viêm mạch máu, rối loạn tự miễn...
- Sự thiếu hụt một số dưỡng chất quan trọng như vitamin C, vitamin K, vitamin B12, acid folic...
- Xuất huyết dưới da do lão hóa: Khi đến giai đoạn lão hóa, collagen cũng như lớp chất béo ngoài da sẽ sản xuất ít dần, khiến tình trạng bầm tím rất dễ xảy ra ngay cả khi có tác động nhẹ.
- Phụ nữ bị mất cân bằng nội tiết tố: Khi hormone sinh dục nữ bị mất cân bằng, phần mạch máu và mao mạch trong cơ thể sẽ suy yếu rõ rệt khiến các tổn thương và bầm tím xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt là trong giai đoạn đang cho con bú, đang mang thai hoặc trong thời gian mãn kinh.
- Tập thể dục quá mức cũng gây ra tình trạng bầm tím và xuất huyết dưới da bởi các hoạt động quá sức sẽ tự gây tổn thương bên trong cơ thể, làm vỡ mao mạch ở khu vực quanh sợi cơ bắp.
3. Xuất huyết dưới da có nguy hiểm không và khi nào cần đi khám?
Không phải lúc nào xuất huyết dưới da cũng đến từ những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra hiện tượng này cũng bao gồm các bệnh lý nguy hiểm. Bạn có thể không cần đi khám nếu như các vết bầm tím / chấm đỏ li ti dưới da đến từ chấn thương nhẹ, hoặc tự biến mất trong vài ngày.
Ngược lại, nếu như xuất huyết dưới da xuất hiện vô cớ, không biến mất trong nhiều ngày liên tục và có kèm thêm các dấu hiệu như:
- Tứ chi sưng tấy.
- Khu vực xuất huyết bị đau, các vết thương hở (nếu có) thường chảy máu rất nhiều.
- Xuất hiện u cục trên da, có thể chảy máu.
- Mũi, nướu răng, nước tiểu hoặc phân thường xuyên chảy máu / chứa máu.
4. Bị xuất huyết dưới da - bạn nên khắc phục bằng cách nào?
4.1. Cải thiện tình trạng xuất huyết dưới da bằng dinh dưỡng
Một số nhóm chất đặc biệt quan trọng có thể hỗ trợ sức khỏe mạch máu và hạn chế vấn đề xuất huyết bên dưới da hiệu quả, bao gồm:
- Vitamin A: Đây là loại vitamin có nhiều vai trò trong hỗ trợ hoạt động của tiểu cầu, bao gồm cải xoăn, ngũ cốc, dầu cá, khoai lang, cà rốt, cà chua và bí ngô...
- Vitamin B9 (hay Folic Acid): Vitamin B9 có chức năng quan trọng đối với phát triển một số mô và tế bào, có nhiều trong ngũ cốc, măng tây, cà chua, bơ, đậu và đậu lăng, ngô / bắp, rau có lá màu xanh đậm...
- Vitamin C: Vitamin C là chất thiết yếu trong hoạt động của hệ miễn dịch, kích thích tốc độ hấp thụ sắt cũng như hoạt động tiểu cầu vô cùng hiệu quả. Các loại thực phẩm nhiều vitamin C gồm trái cây họ cam quýt, dâu, kiwi, bưởi, bông cải xanh...
- Vitamin K: Đây là loại vitamin cần thiết đối với sức khỏe của xương khớp, đồng thời cũng có chức năng trong quá trình đông máu của cơ thể. Thực phẩm dồi dào vitamin K gồm rau chân vịt, củ cải, bông cải xanh, đậu nành, bí ngô...
4.2. Điều trị xuất huyết dưới da tại nhà
Bên cạnh dinh dưỡng - phương pháp khắc phục dài hạn đối với tình trạng xuất huyết dưới da - thì ngay trong thời gian bạn gặp phải hiện tượng này, hãy thử một số mẹo sau để khắc phục:
- Chườm lạnh: Nhiệt độ thấp có thể giảm bớt các đốm li ti xuất huyết hoặc bầm tím dưới da liên quan đến chấn thương. Đồng thời, phương pháp này cũng giảm bớt triệu chứng viêm dưới da nếu có. Bạn nên chườm lạnh trong khoảng 15 đến 20 phút mỗi lần và chườm đến khi đốm xuất huyết giảm bớt.
- Hãy hạn chế tối đa các chấn thương hoặc tác động mạnh lên khu vực đang bị xuất huyết. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, hoạt động đông máu thường kém hơn so với tuổi trẻ, vì vậy các đốm xuất huyết cũng dễ xuất hiện hơn. Hãy tránh để họ gặp chấn thương đối với nhóm đối tượng này.
4.3. Một số nhóm thuốc trị xuất huyết dưới da
- Corticosteroid: TThường dùng nhất là thuốc đường uống prednisone, giúp tăng số lượng tiểu cầu thông qua việc ức chế hệ thống miễn dịch. Thông thường, số lượng tiểu cầu trong máu cần khoảng 2 đến 6 tuần để trở về mức an toàn và ổn định.
- Thuốc Immunoglobulin truyền tĩnh mạch.
Có thể nói, vấn đề xuất huyết dưới da là tình trạng thường gặp và xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào với nguyên nhân phong phú và đa dạng. Trong trường hợp tình trạng xuất huyết kéo dài quá lâu hoặc gây đau nhức, sưng tấy,... mà không hề có nguyên nhân cụ thể, bạn cần gặp bác sĩ để kiểm tra cụ thể hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.