Cùng với sự phát triển của y khoa, các trường hợp ngộ độc thuốc gây tê đã không còn xảy ra quá thường xuyên như trước. Tuy nhiên, việc xử trí và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thuốc gây tê vẫn là một trong những kiến thức quan trọng cần biết đối với mỗi người.
1. Nguyên nhân ngộ độc thuốc gây tê là gì?
Cho đến nay, người ta đã chỉ ra rằng nguyên nhân ngộ độc thuốc gây tê bao gồm vô ý tiêm vào lòng mạch, hấp thu từ mô, dùng liều lặp lại từ các cán bộ y tế khác nhau mà không cần bằng quá trình thải trừ của thuốc. Tất cả các thuốc gây tê đều có khả năng gây độc tính toàn thân với tỷ lệ độc tính trên thần kinh và tim mạch khác nhau. Hơn nữa, tính ưa lipid và khả năng gắn protein góp phần gây ra sự khác biệt về dược động học và từ đó khiến thuốc dễ gây ngộ độc.
2. Biểu hiện lâm sàng của ngộ độc thuốc gây tê
Các dấu hiệu sau đây, bao gồm sốc phản vệ, thường gặp nhất và có thể xuất hiện sớm hoặc muộn:
2.1. Dấu hiệu tim mạch
- Rối loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền trong tim;
- Tụt huyết áp nặng;
- Tim ngừng đập.
2.2. Dấu hiệu thần kinh trung ương
- Đắng miệng, tê quanh vùng miệng;
- Ù tai, mắt mờ;
- Kích động, lú lẫn;
- Có các triệu chứng co giật;
- Đờ đẫn, hôn mê;
- Ngưng thở.
3. Cách xử trí nguy cơ ngộ độc thuốc gây tê
Khi có trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc gây tê, việc xử trí lúc này nhất định phải có bác sĩ can thiệp.
- Cần truyền ngay lipid 20%:
- Đối với tiêm tĩnh mạch: Dùng 1,5 ml/kg Lipid 20% trong khoảng 2 - 3 phút;
- Truyền duy trì với liều lượng 0,25 ml/kg mỗi phút;
- Nếu tình trạng bệnh nhân không khá hơn, tiếp tục tiêm nhắc lại với liều lượng tương tự và gấp đôi tốc độ truyền duy trì (0,25 ml/kg mỗi 30 giây).
Lưu ý: tổng liều tiêm vào không được quá 12 ml/kg trong 30 phút.
- Dùng Benzodiazepin (Midazolam) để điều trị co giật. Tránh dùng Propofol đối với các bệnh nhân huyết động kém ổn định;
- Dùng Atropin để điều trị nhịp chậm;
- Khi tim có dấu hiệu ngừng, cần phải liên hệ ngay đơn vị tim phổi nhân tạo gần nhất và sẵn sàng cho việc hồi sức kéo dài. Bên cạnh đó, dùng ngay Lipid 20%, dùng adrenalin liều 1 mcg/kg, sốc điện,....
Lưu ý: không sử dụng Vasopressin, thuốc chẹn kênh Calci, thuốc ứng chế Beta hoặc các loại thuốc tê khác.
4. Giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thuốc tê
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc do sử dụng thuốc tê, tuyệt đối phải cân nhắc các điều sau đây:
- Thận trọng, dùng lượng thuốc tê nhỏ nhất để đạt hiệu quả y khoa theo yêu cầu;
- Tiêm ở vị trí chính xác (không tiêm vào lòng mạch);
- Chú ý ở các bệnh nhân có khả năng ngộ độc thuốc tê cao hơn cả là trẻ em, người già, người mắc suy tim, người có lượng protein trong máu thấp,...;
- Theo dõi kỹ xilanh trong quá trình tiêm, hút ngược xilanh trước mỗi lần tiêm;
- Tiêm chậm rãi và quan sát bệnh nhân để phát hiện ra ngay các biểu hiện đáng ngờ;
- Cẩn thận khi tiêm thuốc tê ngay cả các vị trí như: liều ít, tê dưới da, tê niêm mạc, sau tháo garo,...
Ngộ độc thuốc gây tê có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân vô cùng nhanh chóng. Chính vì vậy, các cán bộ y tế cần hết sức cẩn trọng trong quá trình chữa trị, xử trí kịp thời khi bệnh nhân có các dấu hiệu đáng nghi và gọi khoa Gây mê hồi sức khi có các dấu hiệu nguy hiểm vừa nêu trên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.