Xử trí trạng thái loạn vận động muộn

Loạn vận động muộn là tình trạng rối loạn vận động, rối loạn định hình, loạn trương lực cơ và run giật cơ. Loạn vận động muộn do thuốc xảy ra trong thời gian sử dụng thuốc hay sau khi ngừng thuốc. Các thuốc có thể gây ra loạn vận động muộn như thuốc chống loạn thần, thuốc chống nôn.

1.Loạn vận động muộn là gì?

Loạn vận động muộn là tác dụng phụ thường gặp nhất ở người được điều trị bằng thuốc chống loạn thần. Tình trạng này thường gặp ở giới nữ, người già và những người có biểu hiện của rối loạn nhận thức, rối loạn khí sắc. Yếu tố thuận lợi khởi phát bệnh gồm có tuổi cao, tổn thương não, đã từng được điều trị bằng điện.

Loạn vận động muộn có thể gặp ở 10 đến 20% các bệnh nhân dùng thuốc chống loạn thần tối thiểu là 3 tháng đến 1 năm trở lên; hoặc 1 tháng đối với bệnh nhân trên 60 tuổi. Thời gian dùng thuốc càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Loạn vận động muộn do thuốc kéo dài ít nhất 1 tháng, thường là từ 3 đến 6 tháng. Rối loạn vận động này thường xuất hiện khi ngừng thuốc chống loạn thần đột ngột sau khi sử dụng thuốc một thời gian dài. Các thuốc có thể gây rối loạn này bao gồm thuốc chống loạn thần trong điều trị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực; thuốc chống trầm cảm (Chlorpromazine, Fluphenazine,...); thuốc chống nôn như prochlorperazine và metoclopramide, thuốc chẹn kênh calci có đặc tính chẹn thụ thể dopamin như flunarizin và cinnarizin.

Loạn vận động muộn bao gồm các dạng như:

  • Rối loạn vận động, điển hình là rối loạn vận động miệng, lưỡi)
  • Rối loạn định hình là kiểu vận động lặp đi lặp lại không có mục đích ví dụ như rung lắc chân liên tục, đứng ngồi không yên, đi lại liên tục
  • Loạn trương lực cơ (cục bộ, toàn thể hay phân đoạn) như rung giật cơ, cứng cơ, co giật, xoắn vặn.
  • Hội chứng Parkinson muộn

Loạn vận động muộn là tác dụng phụ thường gặp nhất ở người được điều trị bằng thuốc chống loạn thần
Loạn vận động muộn là tác dụng phụ thường gặp nhất ở người được điều trị bằng thuốc chống loạn thần

2.Triệu chứng của loạn vận động muộn

Dấu hiệu và triệu chứng của loạn vận động muộn có thể bắt đầu bằng cử động co cứng, co giật không thể kiểm soát được ở mặt, môi, lưỡi, hàm hay tay chân. Các cử động này bao gồm:

  • Nhăn mặt, nháy mắt, chép môi, cử động lưỡi liên tục
  • Đong đưa hàm, nhai đi nhai lại
  • Phồng má
  • Cau mày
  • Cử động ngón tay, ngọ nguậy ngón tay, vỗ tay
  • Gõ ngón chân
  • Ưỡn hông, lắc lư qua lại

3.Chẩn đoán loạn vận động muộn

Tiêu chuẩn chẩn đoán loạn vận động muộn bao gồm:

  1. Xuất hiện các vận động không tự chủ của đầu, mặt, miệng, cằm, lưỡi, thân mình hoặc đầu ngón chân và tay kéo dài ít nhất vài tuần (4 tuần), do dùng thuốc loạn thần ít nhất vài tháng (có thể ngắn hơn ở người cao tuổi). Ở những bệnh nhân loạn vận động muộn nặng có thể rối loạn điều hòa hô hấp, rối loạn nuốt gây ra những chứng nuốt hơi, ợ hơi và những tiếng nấc.
  2. Các cử động không tự chủ có thể bao gồm:
  • Các động tác múa giật là động tác giật cục nhanh, không lặp lại.
  • Các động tác múa vờn là động tác uốn éo chậm , liên tục.
  • Các động tác định hình có nhịp điệu.

3. Các triệu chứng trên xuất hiện khi đang dùng thuốc chống loạn thần hoặc sau khi ngừng thuốc khoảng 4 tuần.

4. Đã dùng thuốc chống loạn thần ít nhất 3 tháng (1 tháng nếu là người trên 60 tuổi).

5. Các triệu chứng trên không phải do bệnh thần kinh, bệnh nội khoa nào gây ra (bệnh múa giật Huntington, bệnh Parkinson, hội chứng Tourette, bệnh Wilson, bại não, đột quỵ), loạn vận động tự phát, cường giáp hoặc dùng các thuốc có thể gây loạn vận động cấp hồi phục được (Bromocriptine, L-Dopa).

6. Các triệu chứng không thuộc loại rối loạn vận động cấp do thuốc chống loạn thần (loạn trương lực cơ cấp, chứng nằm ngồi không yên,....)


Việc dùng thuốc chống loạn thần từ 3 tháng trở lên là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán loạn vận động muộn
Việc dùng thuốc chống loạn thần từ 3 tháng trở lên là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán loạn vận động muộn

4.Xử trí loạn vận động muộn

Biện pháp xử trí loạn vận động muộn thường bao gồm:

  • Giảm liều hoặc ngừng thuốc đang dùng
  • Chuyển sang thuốc chống loạn thần khác hay kết hợp các thuốc khác nhau. Các thuốc chống loạn thần không điển hình như olanzapine, risperidone hay quetiapine là lựa chọn khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị. Các thuốc này có hiệu quả trên loạn vận động muộn, ít gây hội chứng parkinson và tình trạng bồn chồn đứng ngồi không yên. Clonazepam tỏ ra có hiệu quả cho điều trị chứng rung giật cơ. Clozapine dùng ở bệnh nhân rối loạn tâm thần mãn tính nhưng có nguy cơ gây giảm bạch cầu hạt nên cần phải theo dõi thường xuyên công thức máu.
  • Các chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin B6Ginkgo biloba cũng có thể có hiệu quả trong điều trị loạn vận động muộn. Ginkgo biloba có tác dụng chống kết tập tiểu cầu do đó cần thận trọng đặc biệt ở bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu.
  • Thuốc kháng cholinergic cũng có tác dụng ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của rối loạn vận động do thuốc.
  • Một số thuốc khác giúp giảm triệu chứng như tetrabenazine, amantadin, propranolol.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe