Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Rối loạn vận động là hiện tượng suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng kiểm soát các cơ trên cơ thể như lưỡi, môi, mặt, thân, các chi,... làm cho người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt. Bất kỳ sự tổn thương nào của não bộ tại khu vực đảm nhận chức năng liên quan đến vận động cũng đều gây ra hiện tượng rối loạn vận động. Các bệnh rối loạn vận động phụ thuộc vào mức độ và vị trí não bộ bị tổn thương.
1. Mất điều hòa vận động
Thất điều (ataxia-mất điều hoà vận động): Là triệu chứng do tổn thương não, thân não hoặc tuỷ sống. Triệu chứng bao gồm: động tác vụng về, không chính xác, mất thăng bằng, dáng đi không vững, run hoặc kém phối hợp điều hoà động tác trong khi thực hiện các vận động chủ ý. Các vận động không còn trơn tru và có vẻ rời rạc hoặc giật giật. Bệnh nhân thường bị té do đi không vững. Thất điều cũng có thể ảnh hưởng đến lời nói hoặc vận động mắt.
Nếu có thể tìm ra một rối loạn chuyển hoá nào đó gây ra bệnh, một số rối loạn chuyển hoá này có phương pháp điều trị đặc hiệu.
2. Bệnh Parkinson
Parkinson là một trong những bệnh hay gặp nhất trong các bệnh do rối loạn vận động thoái hóa mạn tính hệ thần kinh trung ương có tiến triển chậm, gây mất kiểm soát vận động. Parkinson thường gặp ở người cao tuổi. Đặc điểm lâm sàng và cơ chế bệnh sinh của bệnh là tương đối rõ ràng nhưng căn nguyên của bệnh vẫn chỉ là giả thuyết. Do đó, bệnh Parkinson vẫn được coi là bệnh chưa rõ nguyên nhân, ngoại trừ một số trường hợp hội chứng Parkinson tái phát.
Về các triệu chứng cổ điển, Parkinson được biểu hiện bằng 3 hội chứng cơ bản là run khi nghỉ, tăng trương lực cơ và giảm vận động. Từ 3 triệu chứng này gây nên các triệu chứng thứ phát như rối loạn tư thế (đi lao đầu về phía trước, nét mặt tượng...), rối loạn giọng nói, rối loạn chữ viết. Ngoài 3 hội chứng cơ bản, thì các triệu chứng kèm theo có thể thấy là trầm cảm, ảo giác và rối loạn thần kinh thực vật: tăng tiết, giãn mạch ngoại vi, táo bón...
Sa sút trí tuệ trong bệnh Parkinson là sa sút “dưới vỏ” khác với sa sút “vỏ não” trong bệnh Alzheimer. Sa sút dưới vỏ liên quan tới sự chậm chạp vận động tâm thần, khó nhớ, tính khí thất thường. Các trí nhớ gần có thể bị ảnh hưởng trong khi trí nhớ xa vẫn còn nguyên vẹn. Nếu mắc bệnh Parkinson mà cảm thấy trì trệ trí tuệ trong bệnh Parkinson là do sự bất thường trong hệ thống các chất dẫn truyền thần kinh như acetylcholin, serotonin, dopamin...
Nguyên nhân chính của bệnh Parkinson là sự thoái hóa và biến mất của các tế bào não sản xuất dopamine, còn được gọi là chất đen, đây là chất nằm ở giữa não. Dopamine là một chất trong não chịu trách nhiệm đối với sự chuyển động và phối hợp vận động các cơ bắp. Khi chất đen bị thoái hóa, dopamine sẽ bị thiếu hụt. Điều này làm suy yếu các dây dẫn truyền thần kinh từ não đến cơ bắp.
Bệnh Parkinson gây ra rất nhiều phiền toái cho cả bệnh nhân cũng như người chăm sóc. Những cử động bất thường xuất hiện bất chợt và không kiểm soát được gây ra nhiều bất tiện cho bệnh nhân trong việc sinh hoạt hằng ngày, như tắm rửa, mặc quần áo và ăn uống.
3. Hội chứng Tourette
Hội chứng Tourette là một rối loạn thần kinh có biểu hiện đặc trưng là những cử động lặp đi lặp lại, hay còn được biết đến dưới tên “chứng giật cơ”. Rối loạn vận động này thường thấy ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15. Đây là một rối loạn vận động phổ biến ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn phụ nữ.
Triệu chứng rối loạn vận động đầu tiên thường là tật giật cơ, chẳng hạn như giật đầu, nháy mắt hoặc nhăn nhó ở mặt liên tục. Sau đó, các triệu chứng có thể tiến triển và các cử động giật ngày càng phức tạp hơn. Những cử động này có thể là co giật dây thanh quản gây phát ra những âm thanh không mong muốn như bao gồm tiếng lẩm bẩm, hắng giọng, la hét hoặc quát tháo.
Bên cạnh đó hội chứng Tourette cũng có biểu hiện bằng nói tục hoặc các động tác khiêu dâm, đấm, đá hoặc những cơn thở gấp xuất hiện bất chợt. Những cử động của hội chứng Tourette xảy ra nhanh, thường xuyên, lặp đi lặp lại.
Những cơn giật cơ ở dây thanh quản rất khó kiểm soát và gây ra nhiều bất tiện cho bệnh nhân, đặc biệt là ở nơi công cộng. Vì hầu hết mọi người sẽ coi những tiếng này là tiếng tằng hắng để thu hút sự chú ý. Giật cơ ở dây thanh quản thường tạo ra những âm thanh như tiếng lầm bầm, tiếng tằng hắng, la hét hoặc thậm chí trong một số trường hợp có thể là tiếng sủa.
4. Liệt cứng
Liệt cứng xảy ra khi có sự gia tăng việc co cơ; làm cho cơ bắp của bạn trở nên cứng. Điều này có thể cản trở sự vận động tay chân, gây khó nói và không thể đi lại. Liệt cứng là do tổn thương não hoặc tủy sống điều khiển việc cử động dẫn đến rối loạn vận động. Nguyên nhân tổn thương có thể do thiếu oxy lên não, chấn thương đầu nghiêm trọng, các bệnh chuyển hóa như bệnh Lou Gehrig.
5. Run vô căn
Run vô căn là cử động run hoặc lắc tự phát, thường xảy ra ở một hoặc hai bàn tay hay cánh tay, run thường nặng thêm khi cố gắng thực hiện các động tác cơ bản. Đây không phải là một căn bệnh đe dọa tính mạng, nhưng có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của bạn.
Run vô căn là những hành động rung lắc một phần cơ thể theo nhịp mà bạn không thể kiểm soát được. Phần cơ thể thường bị ảnh hưởng nhất bao gồm bàn tay, cánh tay, hoặc đầu. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sự suy yếu trong quá trình truyền tin giữa các khu vực của não và thường được chẩn đoán nhầm là bệnh Parkinson.
Đây có lẽ là bệnh về thần kinh thường gặp nhất. Đối với hầu hết các trường hợp, đây là một rối loạn tiến triển chậm. Tuy nhiên có một số người lại thấy bệnh chỉ ở mức độ nhẹ và không hề tiến triển.
Không giống như run khi nghỉ trong bệnh Parkinson, cơn run vô căn thường không xuất hiện khi nghỉ ngơi. Các cơn run thường biến mất hoàn toàn trong khi ngủ. Run vô căn có thể gây khó chịu và suy nhược cơ thể. Một số người có thể gặp các triệu chứng khác kết hợp với run, chẳng hạn như không thể giữ thăng bằng khi đi đứng. Trong một số trường hợp, vật lý trị liệu và thay đổi lối sống có thể làm giảm triệu chứng. Nếu bệnh ảnh hưởng đến công việc và hoạt động hàng ngày hoặc tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bạn, khi đó cần xem xét điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
6. Loạn trương lực cơ
Loạn trương lực cơ là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi các cử động co thắt cơ bắp, các chuyển động lặp đi lặp lại làm cho cơ thể luôn ở tư thế và vị trí bất thường. Loạn trương lực cơ được gây ra bởi sự tổn thương các hạch nền. Đây là hậu quả của bất thường chức năng hạch nền, là phần nằm sâu trong não giúp kiểm soát sự phối hợp vận động.
Những vùng não này giúp kiểm soát độ nhanh và độ linh hoạt của vận động và ngăn chặn những vận động không mong muốn. Biểu hiện loạn trương lực cơ có thể bị rối loạn vận động xoắn vặn không kiểm soát được, những vận động tái diễn hoặc có những tư thế và vị trí bất thường.
Những triệu chứng này có thể xảy ra ở bất cứ phần nào của cơ thể, bao gồm tay, chân, thân mình, mi mắt và dây thanh âm. Loạn trương lực cơ toàn thể ảnh hưởng toàn bộ cơ thể. Loạn trương lực cơ khu trú chỉ ảnh hưởng một vị trí cơ thể, vị trí phổ biến nhất là cổ (chứng vẹo cổ co thắt), mi mắt (chứng co thắt mi mắt), phần dưới của mặt (hội chứng Meige), hoặc bàn tay (chứng vọp bẻ do viết chữ nhiều, hoặc loạn trương lực cơ ở chi). Tuỳ theo phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng mà bệnh gây phế tật nhiều hay ít.
Nguyên nhân gây loạn trương lực cơ có thể là do đột biến gen, rối loạn hoặc do tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó. Một số loại thuốc có thể gây loạn trương lực cơ bao gồm các thuốc an thần.
7. Bệnh Huntington
Bệnh Huntington là một bệnh lý thoái hoá tiến triển và gây tử vong, bệnh gây ra do chết các tế bào thần kinh trong não. Bệnh hay xảy ra nhất ở lứa tuổi 35-50 tuổi với diễn tiến nặng dần không hồi phục trong khoảng 10-25 năm.
Triệu chứng bao gồm giật cơ, những cử động không kiểm soát được ở chân tay, thân mình và mặt; sa sút trí tuệ tiến triển; phát sinh những vấn đề tâm thần. Bệnh do di truyền, đứa trẻ có một cha hoặc mẹ bị bệnh sẽ có xác suất 50% bị bệnh Huntington.
Hiện không có phương pháp điều trị bệnh Huntington, vì thế điều trị nhằm vào giảm triệu chứng, phòng ngừa biến chứng và giúp bệnh nhân cũng như các thành viên trong gia đình giải quyết các khó khăn hàng ngày. Bác sĩ có thể dùng thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm, chống lo âu, thuốc ổn định khí sắc hoặc tiêm botox. Những thuốc này được dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả vì tất cả các thuốc này có thể có tác dụng phụ.
Bệnh Huntington thường diễn tiến đến giai đoạn cuối trong 10-30 năm. Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận nếu triệu chứng xảy ra sớm hơn thì bệnh thường tiến triển nhanh hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.