Xử trí khi bị tràn dịch màng bụng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xử trí tràn dịch màng bụng cần điều trị cả các nguyên nhân bệnh lý nền để làm giảm triệu chứng, ngăn cản quá trình tiến triển của bệnh và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.

1. Mục tiêu điều trị tràn dịch màng bụng

Mục tiêu của điều trị tràn dịch màng bụng là làm giảm triệu chứng, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Quá trình điều trị có thể gây ra những phản ứng phụ không mong muốn, người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về lợi ích và rủi ro của quá trình điều trị trước khi bắt đầu bất cứ kế hoạch điều trị nào.

Do đó, nếu tình trạng tràn dịch ổ bụng ở mức độ nhẹ, không gây khó chịu thì có thể không cần điều trị. Nếu trong quá trình điều trị xuất hiện thêm các triệu chứng mới hay mức độ các triệu chứng có sẵn thay đổi thì bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ.

Ở các bệnh nhân tràn dịch màng bụng nhẹ và vừa, phương pháp điều trị thường áp dụng cho các bệnh nhân ngoại trú với mục tiêu giảm không quá 1kg/ngày trên bệnh nhân báng bụng và phù nhiều. Đối với bệnh nhân chỉ có tràn dịch màng bụng thì giảm không quá 0,5kg/ngày.

Ở các bệnh nhân tràn dịch màng bụng nặng, dù do bất kỳ nguyên nhân nào thì cũng phải tiến hành chọc hút dịch ổ bụng. Bệnh nhân trong quá trình điều trị cần tuân thủ chế độ ăn uống riêng và dùng thuốc lợi tiểu. Ngoài ra, cần theo dõi lượng dịch ra vào để cân bằng cho phù hợp và kiểm tra điện giải đồ thường xuyên để tránh rối loạn điện giải.

Trong một vài trường hợp tràn dịch màng bụng cần phải tiến hành phẫu thuật và ghép gan.

2. Xử trí thế nào khi bị tràn dịch màng bụng?

2.1. Chế độ ăn uống phù hợp

Bệnh nhân bị tràn dịch màng bụng nên giảm lượng muối trong bữa ăn hàng ngày để tránh tích nước. Ngoài ra, bệnh nhân nên uống ít nước và các loại chất dịch khác. Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cũng là cách giúp tăng sức đề kháng, giúp ích cho quá trình điều trị.

2.2. Uống thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu sẽ giúp giảm lượng nước và muối trong cơ thể thông qua quá trình đào thải. Thuốc lợi tiểu rất có hiệu quả trong việc làm giảm tràn dịch màng bụng và hầu như không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp hiếm gặp xuất hiện một số tác dụng không mong muốn như:

  • Mất ngủ

Mất ngủ khi uống thuốc lợi tiểu
Mất ngủ khi uống thuốc lợi tiểu
  • Người mệt mỏi
  • Huyết áp thấp
  • Gặp các vấn đề về da
  • Đi tiểu nhiều lần hơn

2.3. Chọc hút dịch ổ bụng

Như đã đề cập ở trên, bệnh nhân bị tràn dịch màng bụng nặng dù do bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần tiến hành chọc hút dịch ổ bụng. Chọc dịch bụng sẽ rất có ích khi tràn dịch ổ bụng gây ra các vấn đề về hô hấp hoặc đầy bụng, chướng bụng.

Bệnh nhân có thể chọc dịch bụng nhiều lần. Trường hợp cần chọc dịch bụng thường xuyên, bệnh nhân sẽ được đặt ống catheter trên thành bụng. Đây là ống dẫn lưu giúp dẫn lưu dịch ra bên ngoài một cách thuận tiện, giúp bệnh nhân có thể chọc dịch bụng ngay cả khi đang ở nhà. Tuy nhiên, thủ thuật này rất ít khi được thực hiện ở Việt Nam.

2.4. Hóa trị liệu

Hóa trị liệu có thể dùng để điều trị với một số loại ung thư nhất định như: ung thư buồng trứng, ung thư vú... Tuy nhiên, phương pháp này hiếm khi được sử dụng trong điều trị tràn dịch màng bụng.

2.5. Tạo cầu nối

Cũng như hóa trị liệu, tạo cầu nối cũng ít khi được sử dụng ở Việt Nam. Phương pháp này sử dụng một thiết bị được gọi là “cầu nối” giúp dẫn lưu dịch từ nơi này sang nơi khác trong cơ thể.

Nói chung xử lý tràn dịch màng bụng phải đi kèm với điều trị cả nguyên nhân để ngăn chặn biến chứng, giảm các triệu chứng và không làm bệnh tiến triển nặng thêm. Bệnh nhân nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe