Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng bị rơi xuống và xoắn lại, kèm theo động mạch cấp máu cho buồng trứng cũng bị xoắn, cắt đứt lưu lượng máu đến nuôi dưỡng buồng trứng và ống dẫn trứng. Hậu quả có thể dẫn tới hoại tử buồng trứng nếu không được can thiệp kịp thời. Vậy bệnh lý xoắn buồng trứng nguy hiểm ra sao, người bệnh có những triệu chứng bệnh như thế nào?
1. Các triệu chứng của xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng là bệnh lý phụ khoa, hay gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản và trên những buồng trứng có u. Đây thường là một bệnh cảnh cấp cứu. Xoắn nang buồng trứng xảy ra khi buồng trứng bị xoắn quanh bởi dây chằng giữ nó. Hiện tượng này làm cắt đứt lượng máu đến buồng trứng, ống dẫn trứng và hậu quả có thể dẫn đến chết các mô buồng trứng.
Bệnh xoắn buồng trứng có các triệu chứng lâm sàng thường không rõ ràng, nhiều biểu hiện khác nhau, phụ thuộc vào thời gian, vị trí, mức độ và tần suất xoắn như:
- Cơn đau đột ngột xuất hiện, đau ở vùng chậu, thường là vùng chậu phải, đau liên tục hoặc từng cơn, đau nhiều kèm theo nôn, buồn nôn. Vài ngày hoặc vài tuần trước có thể người bệnh xuất hiện đau âm ỉ từng cơn, đau nhức (có thể do tình trạng xoắn không liên tục do xoắn có thể tự nới ra được). Cơn đau thường không giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường và tiến triển xấu đi khá nhanh, chỉ trong vài giờ. Trường hợp xoắn buồng trứng diễn ra chậm hoặc tự tháo xoắn, cơn đau có thể dịu đi.
- Tiểu khó, tiểu rắt, táo bón, phù 2 chân là những triệu chứng biểu hiện tình trạng chèn ép của những cơ quan lân cận, có thể gặp.
- Sốt có thể gặp khi người bệnh đến muộn và có biến chứng của hoại tử buồng trứng và có nhiễm trùng.
Các triệu chứng của bệnh có thể gặp ở nhiều bệnh khác: sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm ruột thừa, viêm dạ dày ruột... gây khó khăn cho chẩn đoán xác định bệnh xoắn buồng trứng.
2. Đối tượng có nguy cơ bị xoắn buồng trứng
Bệnh thường gặp ở những người bệnh là phụ nữ có các đặc điểm sau:
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: những người này thường có buồng trứng di chuyển nhiều hơn, mô buồng trứng linh hoạt hơn nên khả năng dễ xoắn vặn hơn. Theo thời gian, khi phụ nữ nhiều tuổi, buồng trứng nhỏ lại nên ít có khả năng bị xoắn, nguy cơ mắc bệnh càng thấp. Độ tuổi sinh đẻ là yếu tố thuận lợi, tuy nhiên phụ nữ sau mãn kinh vẫn có nguy cơ bị xoắn buồng trứng.
- Tiền sử người bệnh được phát hiện có u nang buồng trứng. Số lượng u nang càng nhiều, khối lượng buồng trứng tăng lên, gây mất cân bằng và dễ xoay lật thì tỷ lệ bị nang xoắn buồng trứng càng cao. Đặc biệt lưu ý với đối tượng nguy cơ cao là những người bệnh mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
- Người bệnh áp dụng nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản: hầu hết kích thước của buồng trứng sẽ tăng lên, khả năng xoắn càng cao, đặc biệt khi người bệnh hoạt động thể lực mạnh.
- Ống dẫn trứng dài do chiều dài tăng tỷ lệ với tăng nguy cơ mắc buồng trứng xoắn.
- Người bệnh từng phẫu thuật vùng chậu trước đây.
- Phụ nữ đang mang thai, do buồng trứng tăng kích thước cùng với sự lỏng lẻo của những mô nâng đỡ buồng trứng.
- Kích thích sự rụng trứng hoặc buồng trứng to hơn 4cm (đặc biệt là có khối u lành tính). Các khối u lành tính có khả năng gây xoắn hơn khối u ác tính.
3. Các phương pháp điều trị xoắn buồng trứng
Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính giúp bảo tồn buồng trứng. Trong đa số các trường hợp đến sớm, phẫu thuật nội soi được thực hiện để tháo xoắn buồng trứng, có thể cân nhắc với phẫu thuật cố định buồng trứng tránh xoắn tái phát. Ngoài ra có thể tiến hành mổ ổ bụng để chẩn đoán và cố gắng hạn chế các biến chứng ở buồng trứng và ống dẫn trứng. Buồng trứng nếu bị hoại tử và chết sẽ được phẫu thuật cắt bỏ. Nếu có nang buồng trứng hoặc khối u, có thể phẫu thuật bóc u, cắt u.
Trên lâm sàng, bác sĩ có thể kê cho người bệnh sử dụng những thuốc giảm đau để làm nhẹ triệu chứng, bao gồm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, nhóm thuốc opioid...
4. Xoắn buồng trứng nguy hiểm như thế nào?
Vậy u nang buồng trứng xoắn có nguy hiểm không? Bệnh lý xoắn buồng trứng nguy hiểm cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng về sau do đây là một bệnh cảnh cấp cứu trong sản phụ khoa. Bệnh thường xảy ra khi người bệnh đang trong độ tuổi sinh sản, nếu điều trị muộn, biến chứng có thể xảy ra là hoại tử buồng trứng, nguy cơ nhiễm trùng buồng trứng, áp xe vùng chậu hông hoặc viêm phúc mạc, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này, thậm chí gây tử vong.
Bệnh gây đau dữ dội khi buồng trứng không nhận đủ máu nuôi. Khi không được phát hiện và xử lý kịp thời, có thể dẫn đến chết mô buồng trứng.
Các dấu hiệu của bệnh xoắn buồng trứng có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, điều này là nguy hiểm nếu bệnh không được phát hiện kịp thời. Phẫu thuật là cách tốt nhất giúp bảo tồn buồng trứng. Khi không được phát hiện kịp thời, các mô đã hoại tử và phần phụ cần được phẫu thuật cắt bỏ.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần tái khám theo dõi để đảm bảo buồng trứng được chữa lành và phục hồi tốt, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tóm lại xoắn buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa cần cấp cứu xử trí kịp thời. Bệnh nguy hiểm do những triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu dễ nhầm với nhiều bệnh khác. Việc đến khám, chẩn đoán và điều trị chính xác và kịp thời giúp cứu lấy buồng trứng, bảo vệ khả năng sinh sản của người bệnh và hạn chế các nguy cơ, biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.