Xoa bóp bấm huyệt điều trị táo bón

Táo bón là tình trạng rối loạn tiêu hóa rất phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong Y Học Cổ Truyền, có nhiều phương pháp trị bệnh khác nhau, bên cạnh điều trị nguyên nhân, thay đổi lối sống thì xoa bóp bấm huyệt trị táo bón là phương pháp hiệu quả, thường được áp dụng.

1. Nguyên nhân gây táo bón

Táo bón là tình trạng đi đại tiện ít hơn 3 lần trong một tuần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón, dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:

  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: thiếu chất xơ, ít nước
  • Uống nhiều cà phê, trà hoặc rượu (những chất này đều chứa caffein có tác dụng lợi tiểu, khiến người bệnh đi tiểu nhiều dẫn đến mất nước tương đối, gây ra sự tăng hấp thụ nước từ ruột và điều này làm phân cứng hơn gây ra táo bón);
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo động vật (kể cả các sản phẩm từ sữa, thịt và trứng), đường tinh luyện;
  • Nhịn đi vệ sinh (có nghĩa là khi có cảm giác mắc đi tiêu nhưng người bệnh bỏ qua, có thể là do ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay do bận rộn)... Nếu điều này xảy ra kéo dài, sau một thời gian, người bệnh có thể mất cảm giác muốn đi tiêu và gây ra táo bón;

Táo bón dễ găp ở người ít vận động
Táo bón dễ găp ở người ít vận động

  • Ít vận động
  • Mang thai: Áp lực của tử cung đè lên ruột, thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ làm chậm vận động ruột, thay đổi chế độ ăn, vết nứt hậu môn, trĩ, uống thuốc sắt có thể gây ra tình trạng táo bón khi mang thai.
  • Sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây táo bón: Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng acid, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi (verapamil), thuốc chống viêm không steroid, thuốc có chứa chất gây nghiện (codein, morphin), một số loại thuốc hướng tâm thần, thuốc chống co giật
  • Người cao tuổi

2. Xoa bóp bấm huyệt điều trị táo bón

Phương pháp xoa bóp bấm huyệt điều trị táo bón được chỉ định với các trường hợp táo bón cơ năng, chống chỉ định ở người có dấu hiệu tắc ruột, dính ruột.

Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành xoa, xát, miết, day, nhào vùng bụng bệnh nhân, bấm tả các huyệt:

  • Hợp cốc
  • Trung quản
  • Đại trường du
  • Đới mạch
  • Chương môn
  • Nhật nguyệt
  • Đại hoành
  • Thiên khu
  • Thứ liêu
  • Hạ quản
  • Kỳ môn
  • Quan nguyên: dưới rốn 3 tấc

Day bổ các huyệt: Tam âm giao (vị trí ở đỉnh mắt cá trong đo lên 3 tấc, sát bờ xương chày), túc tam lý (vị trí từ dưới lõm ngoài xương bánh chè (độc tỵ) đo xuống 3 tấc, cách mào xương chày 1 khoát ngón tay về phía ngoài).

Liệu trình được tiến hành như sau: xoa bóp thực hiện 30 phút/lần/ngày, mỗi liệu trình điều trị từ 2 - 4 lần, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh. Có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục.


Xoa bóp bấm huyệt điều trị táo bón được sử dụng phổ biến trong Y Học Cổ Truyền.
Xoa bóp bấm huyệt điều trị táo bón được sử dụng phổ biến trong Y Học Cổ Truyền.

3. Lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt chữa táo bón

Xoa bóp bấm huyệt trị táo bón là phương pháp tác động từ bên ngoài để giúp lưu thông khí huyết và dùng lực tác động thúc đẩy nhu động ruột. Để trị táo bón hiệu quả, cần kiên trì phương pháp điều trị nhiều ngày theo phác đồ của bác sĩ Y Học Cổ Truyền, bên cạnh đó cần thay đổi lối sống như có chế độ ăn phù hợp, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm lên men như sữa chua, hạn chế những thực phẩm cay nóng, giảm các chất béo động vật (kể cả các sản phẩm từ sữa, trứng), tập thể dục thường xuyên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe