Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xơ gan chính là giai đoạn cuối nếu không điều trị sớm của sự xơ hóa tiến triển, được đặc trưng bởi sự hình thành vách ngăn và nốt sẹo xung quanh tế bào gan.
1. Nguyên nhân gây xơ hóa gan là gì?
Xơ hóa gan xảy ra khi mô sẹo hình thành quá mức. Nguyên nhân là do người bệnh bị nhiễm trùng mạn tính với virus viêm gan B, viêm gan C hoặc viêm gan virus khác, nghiện rượu nặng, gan nhiễm mỡ không do rượu, tiếp xúc với các chất độc, chấn thương hoặc các yếu tố khác gây tổn thương gan đều có thể dẫn tới xơ hóa gan. Đặc biệt, nhiễm trùng mạn tính với virus viêm gan B, C và tình trạng nghiện rượu nặng là những nguyên nhân chính dẫn tới xơ hóa gan.
Thông thường khi có các chấn thương, phản ứng của cơ thể là hình thành các vết sẹo. Cụ thể hơn, khi các tế bào gan bị tổn thương bởi virus, rượu, chất độc, chấn thương hoặc các yếu tố khác, hệ thống miễn dịch bắt đầu sửa chữa thiệt hại. Trong trường hợp xơ hóa gan, quá trình chữa bệnh của cơ thể trở nên khó khăn, các tế bào gan bị thương sẽ tạo ra các chất, giải phóng vào gan gây ra sự tích tụ của mô sẹo.
Người có nguy cơ cao bị xơ hóa gan
- Nhiễm trùng mãn tính với virus viêm gan B hoặc C.
- Xơ hóa gan diễn ra nhanh hơn ở nam so với nữ.
- Bệnh tự miễn
- Hệ thống miễn dịch bị tổn thương (do đồng nhiễm với HIV hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau khi ghép gan)
- Nghiện rượu nặng
- Gan nhiễm mỡ
- Kháng insulin.
2. Triệu chứng bệnh xơ hóa gan là gì?
Thông thường, sự xơ hóa cần có nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ mới trở nên rõ ràng trên lâm sàng, do đó hầu như người bệnh không có triệu chứng nào. Trong giai đoạn đầu của xơ hóa, rất ít người có triệu chứng vì chức năng gan vẫn còn hoạt động tốt. Bệnh chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm chẩn đoán.
Khi các mô sẹo tích tụ nhiều do viêm và tổn thương gan vẫn tiếp tục diễn ra, các mô sẹo kết nối với nhau có thể làm gián đoạn các chức năng trao đổi chất của gan. Nếu bệnh tiến triển có thể dẫn đến xơ gan - tình trạng gan bị sẹo hóa nghiêm trọng, khiến lưu lượng máu qua gan giảm đáng kể và chức năng gan bị suy giảm nặng nề.
Bình thường, lá gan khỏe mạnh rất mềm. Khi bị xơ hóa, gan trở nên cứng và chắc hơn, đặc biệt khi tiến triển đến xơ gan, gan có thể cứng như đá và thương được xác định bằng các kỹ thuật y khoa.
3. Điều trị ngăn ngừa xơ hóa gan tiến triển
Những phương pháp điều trị gan xơ hóa đều tập trung làm chậm lại sự tiến triển của bệnh bằng cách điều trị các tác nhân gây bệnh như: điều trị viêm gan virus, tránh uống rượu, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và hạn chế muối, chất béo...
>>Xem thêm: Vai trò của thảo dược trong điều trị, chống xơ hoá gan- Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.