Xơ gan mật tiên phát: Chẩn đoán và điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Xơ gan mật tiên phát là bệnh mạn tính của gan, đặc trưng bởi tình trạng phá hủy tự miễn của ống mật trong gan và tình trạng ứ mật. Chẩn đoán và điều trị xơ gan mật tiên phát từ sớm giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

1. Chẩn đoán xơ gan mật tiên phát

1.1 Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng

Một số bệnh nhân xơ gan ứ mật nguyên phát có thể không có triệu chứng trong nhiều năm. Số khác có một số triệu chứng đặc trưng như: Mệt mỏi, ngứa da, khô miệng, khô mắt, đau phần trên bên phải bụng, vàng da và vàng mắt, sạm da không liên quan với ánh nắng, tích tụ dịch trong ổ bụng (báng bụng), sưng bàn chân và mắt cá chân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có triệu chứng tiêu chảy có thể có lẫn mỡ trong phân, lắng đọng mỡ vùng da quanh mắt và mí mắt hoặc trong các nếp gấp trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối,...

1.2 Chẩn đoán thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan: Kiểm tra nồng độ men gan để đánh giá khả năng mắc bệnh gan và tình trạng tổn thương đường mật;
  • Xét nghiệm máu kiểm tra các bệnh tự miễn: Phương pháp này có thể tìm ra kháng thể kháng ty lạp thể nếu bệnh nhân bị xơ gan ứ mật nguyên phát (các kháng thể này hầu như không xuất hiện ở người không có bệnh hoặc mắc bệnh gan khác). Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân xơ gan mật tiên phát không có kháng thể kháng ty lạp thể;
  • Chẩn đoán hình ảnh: Có thể sử dụng siêu âm gan, chụp cộng hưởng từ gan và chụp cắt lớp vi tính để tìm ra những vấn đề bất thường ở gan;
  • Sinh thiết gan: Bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ, đâm vào gan qua da rồi lấy một mẫu mô nhỏ trong gan để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Phương pháp này giúp chẩn đoán chính xác bệnh hoặc xác định giai đoạn bệnh. Bác sĩ cũng có thể lấy thêm mẫu sinh thiết gan nhiều lần để kiểm tra sự tiến triển của bệnh xơ gan mật tiên phát.

1.3 Chẩn đoán phân biệt xơ gan mật tiên phát với các bệnh khác

Bệnh cần được chẩn đoán phân biệt với tình trạng tắc nghẽn đường dẫn mật mạn tính (do sỏi hoặc chít hẹp đường mật), viêm ống mật xơ hóa nguyên phát, carcinoma của ống mật, bệnh sarcoid, độc tính của thuốc và một số trường hợp viêm gan mạn tính.


Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan được thực hiện để kiểm tra nồng độ men gan để đánh giá khả năng mắc bệnh gan và tình trạng tổn thương đường mật
Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan được thực hiện để kiểm tra nồng độ men gan để đánh giá khả năng mắc bệnh gan và tình trạng tổn thương đường mật

2. Biến chứng của bệnh xơ gan mật nguyên phát

Khi tổn thương gan tiến triển, bệnh nhân xơ gan mật nguyên phát có thể gặp một số biến chứng nghiêm trọng như:

  • Xơ gan: Là hiện tượng sẹo hóa gan, khiến gan bị suy giảm chức năng. Xơ gan có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của bệnh xơ gan mật tiên phát. Bệnh nhân bị xơ gan có thể dẫn tới suy gan (xảy ra khi gan không thể hoạt động bình thường);
  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Máu từ ruột, lách và tuyến tụy chảy vào gan qua tĩnh mạch cửa. Khi mô sẹo do bệnh xơ gan mật nguyên phát làm cản trở lưu thông dòng máu bình thường qua gan, máu sẽ không lưu thông được, làm tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa. Và vì máu không lưu thông qua gan bình thường nên các hormone, thuốc và các chất độc trong máu sẽ không được lọc khi qua gan;
  • Giãn tĩnh mạch: Khi máu lưu thông qua tĩnh mạch cửa bị chậm hoặc bị chặn thì có thể trào ngược qua các tĩnh mạch khác, đặc biệt là các tĩnh mạch trong dạ dày và thực quản. Các mạch máu này có đặc điểm là vách mỏng nên khi tăng áp lực có thể gây xuất huyết phần trên dạ dày hoặc trong thực quản, có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân;
  • Loãng xương: Bệnh nhân xơ gan mật nguyên phát có nguy cơ cao xương bị yếu và giòn, dễ gãy xương hơn so với người bình thường;
  • Thiếu hụt vitamin: Vì đường mật bị tổn thương, không cung cấp đủ lượng mật cần thiết cho nhu cầu của cơ thể nên khả năng hấp thu chất béo và các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K của hệ tiêu hóa bị sụt giảm, dẫn tới thiếu hụt các chất trên;
  • Có vấn đề về trí nhớ: Một số bệnh nhân xơ gan mật tiên phát có vấn đề về trí nhớ, giảm khả năng tập trung;
  • Ung thư gan: Bệnh phá hủy các mô gan khỏe mạnh, làm tăng nguy cơ ung thư gan;
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh khác: Người bệnh xơ gan ứ mật nguyên phát dễ mắc các bệnh về chuyển hóa hoặc rối loạn hệ miễn dịch như bệnh xơ cứng bì hạn chế, bệnh về tuyến giáp và viêm khớp dạng thấp.

Bệnh phá hủy các mô gan khỏe mạnh, làm tăng nguy cơ ung thư gan
Bệnh phá hủy các mô gan khỏe mạnh, làm tăng nguy cơ ung thư gan

3. Phương pháp điều trị xơ gan mật tiên phát

Xơ gan mật có tiến triển chậm, bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh bình thường 10 - 15 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn sau, bệnh có thể gây ra những biến chứng khó lường nên cần điều trị sớm để làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Các phương pháp điều trị bệnh gồm:

3.1 Điều trị làm chậm tiến triển của bệnh và kéo dài sự sống

  • Dùng axit ursodeoxycholic (UDCA): Đây là một axit mật giúp mật di chuyển qua gan. UDCA tuy không điều trị khỏi xơ gan mật tiên phát nhưng có thể cải thiện triệu chứng bệnh, chức năng gan và kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân nếu bắt đầu điều trị từ giai đoạn sớm của bệnh. Tuy nhiên, UDCA ít có hiệu quả hơn đối với những trường hợp có tổn thương gan tiến triển. Tác dụng phụ của bệnh có thể là tăng cân, tiêu chảy và rụng tóc;
  • Ghép gan: Trường hợp xơ gan mật nguyên phát không còn đáp ứng với điều trị nội khoa, bắt đầu bị suy gan, ghép gan được sử dụng để kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Dấu hiệu của suy gan bao gồm tích tụ dịch ở bụng, chảy máu đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng, ngứa không kiểm soát được, vàng da, gãy xương,... Ghép gan là thủ thuật loại bỏ gan bệnh, thay thế bằng lá gan khỏe mạnh từ người cho gan. Tỷ lệ sống trên 2 năm của bệnh nhân sau khi ghép gan là 80%. Tuy nhiên, xơ gan mật nguyên phát thường tái phát trên gan đã ghép (dù sau vài năm mới tái phát).

3.2 Điều trị kiểm soát, giảm nhẹ triệu chứng của bệnh

  • Kiểm soát ngứa: Có thể sử dụng cholestyramin hoặc rifampin. Triệu chứng ngứa cũng có thể được kiểm soát bằng cách cấy ghép gan khi các phương pháp khác không hiệu quả;
  • Giảm mệt mỏi: Xác định nguyên nhân gây mệt mỏi để điều trị tận gốc. Bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân sử dụng loại thuốc phù hợp để giảm mệt mỏi.

3.3 Điều trị ngăn ngừa biến chứng của bệnh

  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Bác sĩ thực hiện tầm soát tăng áp lực tĩnh mạch cửa, giãn tĩnh mạch cửa, xuất huyết đường tiêu hóa trên, sau đó chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật;
  • Thiếu hụt vitamin: Bệnh nhân cần bổ sung thêm vitamin A, D, E và K theo chỉ định của bác sĩ;
  • Loãng xương: Điều trị bằng cách bổ sung canxi và vitamin D, kết hợp với tập thể dục hằng ngày để làm tăng mật độ xương.

3.4 Điều trị giảm nhẹ bằng các thay đổi lối sống

Chăm sóc toàn trạng tốt sẽ giúp bệnh nhân xơ gan mật tiên phát khỏe mạnh hơn, cải thiện một số triệu chứng của bệnh. Những lưu ý cần thiết cho bệnh nhân là:

  • Chọn thực phẩm giảm natri vì natri góp phần gây phù nề các mô và tích tụ dịch trong khoang bụng;
  • Hạn chế sử dụng rượu bia vì gan phải phân giải rượu nên dễ làm tổn thương các nhu mô gan nếu uống rượu;

Bệnh nhân nên tập thể dục hằng ngày để giảm nguy cơ mất xương
Bệnh nhân nên tập thể dục hằng ngày để giảm nguy cơ mất xương
  • Tập thể dục hằng ngày để giảm nguy cơ mất xương;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng các loại thuốc mới hoặc thực phẩm bổ sung vì gan đang bị suy yếu sẽ nhạy cảm hơn với các tác động của thuốc và một số loại thực phẩm bổ sung.

Bệnh xơ gan mật tiên phát thường tiến triển khá âm thầm nên khi có dấu hiệu cảnh báo thì bệnh nhân cần đi khám ngay để chẩn đoán xác định bệnh và có hướng điều trị thích hợp. Trong quá trình điều trị xơ gan mật tiên phát, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe