Viêm gan B là một bệnh lý nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư gan. Do đó, nhiều người thường quan tâm đến các vấn đề liên quan đến xét nghiệm viêm gan B, bao gồm việc xét nghiệm viêm gan b có cần nhịn ăn không, và cần làm những việc gì, chi phí ra sao trong quá trình xét nghiệm này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Xét nghiệm viêm gan b có cần nhịn ăn không?
1.1. Trường hợp không yêu cầu nhịn ăn
Hai xét nghiệm chủ yếu để phát hiện viêm gan B mà bệnh nhân thường được chỉ định thực hiện gồm:
- Xét nghiệm HBsAG: Xét nghiệm này kiểm tra sự hiện diện của virus viêm gan B trong máu. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính có nghĩa là người bệnh đang nhiễm virus. Ngoài ra, xét nghiệm còn giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của gan, phát hiện sớm nguy cơ xơ gan và các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến gan.
- Xét nghiệm Anti-HBs: Đây là xét nghiệm kiểm tra sự tồn tại của kháng thể chống lại virus viêm gan B trong máu. Kết quả dương tính cho biết người bệnh đã có miễn dịch chống lại virus này, có thể do tiêm vắc-xin hoặc đã từng nhiễm virus. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tức người bệnh chưa có kháng thể và cần được tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh viêm gan B.
Để trả lời cho câu hỏi “xét nghiệm viêm gan b có cần nhịn ăn không” các chuyên gia y tế cho biết người bệnh không cần thiết phải nhịn ăn khi thực hiện 2 loại xét nghiệm trên. Lý do là vì viêm gan B lây truyền chủ yếu qua đường máu và không bị ảnh hưởng bởi các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm. Do đó, người bệnh có thể ăn uống nhẹ nhàng trước khi thực hiện xét nghiệm để tránh cảm giác đói và nguy cơ tụt huyết áp do đói.
1.2. Trường hợp cần nhịn ăn
Bên cạnh hai xét nghiệm cơ bản về viêm gan B đã được nhắc đến, tùy vào triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác như: Sinh thiết gan, đo nồng độ men gan, xét nghiệm kháng thể lõi virus (Anti-HBc), xét nghiệm kháng nguyên vỏ virus (HBeAG) và các xét nghiệm khác. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được yêu cầu nhịn ăn hoặc tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm.
Chẳng hạn, để xét nghiệm chức năng gan nhằm đánh giá mức độ hoạt động và mức độ tổn thương của gan, bệnh nhân cần nhịn ăn trong khoảng 8-12 tiếng trước khi thực hiện. Thức ăn giàu dầu mỡ hay thức uống chứa caffein hoặc rượu có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, trước khi thực hiện siêu âm gan, bệnh nhân cũng cần nhịn ăn ít nhất 4 tiếng để tránh tình trạng thức ăn cản trở việc quan sát và chẩn đoán hình ảnh của gan.
1.3. Trường hợp khác
Trong trường hợp sinh thiết gan, ăn no có thể khiến túi mật co bóp, giảm nguy cơ bị chọc nhầm vào túi mật trong quá trình thực hiện thủ thuật. Tuy nhiên, nhịn ăn có thể làm giảm nguy cơ nôn ói sau khi thực hiện thủ thuật. Do đó, liệu bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi thực hiện sinh thiết gan hay không phụ thuộc vào chỉ định cụ thể của bác sĩ điều trị.
2. Trước khi xét nghiệm viêm gan B cần làm những gì?
Sau khi đã hiểu rõ hơn xét nghiệm viêm gan b có cần nhịn ăn không thì người bệnh cũng cần biết thêm trước khi xét nghiệm viêm gan B cần làm những gì? Dù không yêu cầu nhịn ăn hoàn toàn trước khi thực hiện xét nghiệm viêm gan B thông thường, người bệnh nên tránh ăn quá no hoặc tiêu thụ lượng lớn thực phẩm. Thay vào đó, nên uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình thanh lọc cơ thể và thải trừ các chất độc hại ra ngoài. Đặc biệt, cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia và các loại thực phẩm có hại cho gan ít nhất hai ngày trước khi thực hiện xét nghiệm, nhằm đảm bảo tính chính xác của kết quả.
Bên cạnh đó, người bệnh nên lựa chọn thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng. Sau một đêm nghỉ ngơi, gan sẽ ở trạng thái tốt nhất để có thể cung cấp kết quả xét nghiệm chính xác nhất.
3. Chi phí xét nghiệm viêm gan B
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, đồng thời đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của các tế bào ung thư gan. Vì vậy, việc xét nghiệm viêm gan B được thực hiện rộng rãi tại các bệnh viện trên khắp cả nước.
Chi phí cho các loại xét nghiệm viêm gan B có sự chênh lệch tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm và cơ sở y tế thực hiện. Cụ thể, xét nghiệm HBsAG thường có chi phí thấp nhất, trong khi xét nghiệm kháng thể lõi virus (anti-HBc) có mức phí cao hơn, có thể dao động vài trăm nghìn đồng. Điều này giúp người bệnh có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm mà không phải lo lắng về chi phí quá cao.
Nếu người bệnh cần những xét nghiệm chuyên sâu hơn nhằm đánh giá phần vỏ và lõi của virus, điều này sẽ đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn, chi phí có thể cao hơn. Đối với các bệnh nhân mong muốn có cái nhìn tổng quan hơn về chức năng gan, chi phí xét nghiệm có thể lên tới hàng triệu đồng. Tuy nhiên, kết quả từ những xét nghiệm này sẽ cung cấp thông tin giá trị, giúp bác sĩ và bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng của gan, từ đó có kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp.
4. Tầm quan trọng của việc xét nghiệm viêm gan B
Viêm gan B là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây nhiễm cao. Việc phát hiện sớm bệnh là yếu tố then chốt giúp điều trị kịp thời và hiệu quả. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của xét nghiệm phát hiện virus viêm gan B.
Theo khuyến cáo từ giới chuyên môn, việc xét nghiệm viêm gan B là cần thiết cho tất cả mọi người, dù đã mắc bệnh hay chưa. Kết quả xét nghiệm không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh mà còn hỗ trợ bác sĩ trong việc lập kế hoạch, phác đồ điều trị phù hợp.
- Đối với người đã mắc bệnh, xét nghiệm viêm gan B giúp theo dõi diễn biến bệnh, mức độ lây nhiễm và số lượng virus trong cơ thể. Từ đó, bác sĩ có thể chọn lựa phương pháp điều trị tối ưu, kiểm soát bệnh hiệu quả.
- Đối với những người chưa mắc bệnh, việc xét nghiệm định kỳ giúp phát hiện sớm sự hiện diện của virus ngay từ giai đoạn đầu, từ đó ngăn chặn kịp thời khả năng bệnh chuyển biến nặng.
- Những người không biết mình có nhiễm virus hay không, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ, nên thực hiện xét nghiệm càng sớm càng tốt. Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính, việc tiêm vắc-xin viêm gan B là bước tiếp theo cần thiết để phòng ngừa bệnh.
- Người đã tiêm chủng cũng nên kiểm tra mức độ kháng thể (anti-HBs) định kỳ mỗi 2-3 năm để đảm bảo sự bảo vệ hiệu quả chống lại virus.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.