Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trên lâm sàng, biểu hiện của huyết áp thấp không rầm rộ như tăng huyết áp và đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não. Do vậy để chẩn đoán chính xác huyết áp thấp cần phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm tim, điện tâm đồ, xét nghiệm máu...
Xét nghiệm cận lâm sàng nhằm mục đích xác định nguyên nhân bệnh lý của huyết áp thấp để phục vụ cho quá trình điều trị được hiệu quả và kịp thời. Các xét nghiệm và chẩn đoán huyết áp thấp mà bác sĩ có thể đề nghị gồm:
1. Đo huyết áp
Huyết áp của người bình thường sẽ dao động ở mức 120/80mmHg.
Huyết áp thấp được chẩn đoán xác định khi đo huyết áp có chỉ số huyết áp tâm thu nhỏ hơn 85mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn hoặc bằng 60mmHg.
Việc đo huyết áp có thể được thực hiện bằng máy đo cơ hoặc máy đo huyết áp điện tử. Để chẩn đoán xác định huyết áp thấp cần thực hiện đo huyết áp nhiều lần trong một ngày ở những thời điểm khác nhau và tiến hành liên tục trong vài ngày liên tiếp.
2. Xét nghiệm máu
Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp đánh giá tổng quan về sức khỏe cơ thể, kiểm tra xem bạn có bị hạ đường huyết, bệnh tiểu đường hoặc thiếu máu không, bởi những bệnh này có thể khiến huyết áp thấp hơn bình thường.
Các yếu tố cần quan tâm trong xét nghiệm máu có liên quan đến huyết áp: chỉ số đường huyết, các loại tế bào máu đặc biệt là hồng cầu (để đánh giá tình trạng thiếu máu) và bạch cầu (xác định sự tồn tại của nhiễm khuẩn) và các chỉ số về men tim.
3. Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc tim, nhịp tim, khả năng co bóp bơm máu đi của tim. Điện tâm đồ cũng giúp phát hiện dấu hiệu của những cơn đau tim đã và đang xảy ra.
Trong một vài trường hợp, trên kết quả điện tâm đồ có xuất hiện một vài dấu hiệu bất thường sau đó biến mất. Khi đó bệnh nhân sẽ được yêu cầu đeo máy đo ghi điện tâm đồ trong vòng 24 giờ (Holter Monitor) để có thể theo dõi kiểm tra hoạt động của tim trong 1 ngày, hỗ trợ cho chẩn đoán được chính xác hơn.
4. Siêu âm tim
Siêu âm tim giúp đánh giá chính xác những bất thường trong cấu trúc cũng như chức năng tim. Sóng siêu âm được truyền đi, âm dội lại được bộ chuyển đổi transducer ghi lại, sau đó máy tính sẽ sử dụng thông tin từ bộ chuyển đổi để tạo ra hình ảnh chuyển động trên màn hình.
5. Siêu âm tim gắng sức
Siêu âm tim trong thời điểm hoạt động gắng sức sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác được nguyên nhân gây huyết áp thấp là nguyên nhân tại tim hay do các vấn đề ngoài tim.
Khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân sẽ phải vận động như đi bộ hay chạy bộ; nếu không thể vận động thì có thể được cho uống thuốc kích thích để tim hoạt động nhiều hơn. Quá trình này được theo dõi bằng điện tim hay siêu âm tim, đồng thời theo dõi cả huyết áp.
6. Xét nghiệm cận lâm sàng phối hợp khác
- Phương pháp Valsalva (Valsalva hay còn gọi là hệ thống thần kinh tự động) là phương pháp giúp phân tích nhịp tim và huyết áp sau một chu kỳ hít thở sâu.
- Kiểm tra huyết áp trên bàn nghiêng: phương pháp này nhằm đánh giá phản ứng của cơ thể trước những thay đổi trong tư thế. Người bệnh nằm trên bàn nghiêng, nâng phần trên của cơ thể, mô phỏng sự chuyển động từ tư thế nằm ngang sang đứng.
Huyết áp không chỉ đơn giản là vấn đề của hệ tuần hoàn mạch máu mà nó liên quan tới tất cả các bộ phận trên cơ thể. Chẩn đoán chính xác các bệnh lý của huyết áp nói chung và huyết áp thấp nói riêng là điều rất cần thiết trong trị liệu. Hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín và chất lượng để được thăm khám và điều trị tối ưu nhất và kịp thời nhất.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện uy tín hàng đầu trong thăm khám, phát hiện và điều trị các bệnh về tim mạch, trong đó có thực hiện các phương pháp đo huyết áp hiện đại, tiên tiến.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.