Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Xét nghiệm Pap smear là xét nghiệm để phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm này sẽ cho bạn cơ hội chữa trị thành công cao và phát hiện những thay đổi trong các tế bào cổ tử cung để tiên lượng ung thư phát triển trong tương lai.
1. Xét nghiệm Pap Smear là gì?
Xét nghiệm Pap Smear (tên tiếng Anh là Pap smear), còn có tên gọi khác là xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung, được sử dụng để sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm Pap Smear thường được thực hiện kết hợp với khám phụ khoa. Ở phụ nữ trên 30 tuổi, xét nghiệm Pap Smear có thể được kết hợp với xét nghiệm tìm Siêu vi papillon ở người (Human papillomavirus – HPV), đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục diễn ra phổ biến và có thể gây ung thư cổ tử cung.
2. Thực hiện xét nghiệm Pap Smear khi nào?
Nhìn chung, các bác sĩ khuyên nên bắt đầu xét nghiệm Pap Smear ở tuổi 21 và ba năm/lần đối với phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi.
Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên có thể xem xét xét nghiệm Pap 5 năm/lần nếu quy trình khám được kết hợp với xét nghiệm vi-rút. Hoặc có thể xem xét xét nghiệm HPV thay vì xét nghiệm Pap Smear.
Nếu bạn có một số yếu tố rủi ro nhất định, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm Pap Smear diễn ra thường xuyên hơn, bất kể tuổi tác. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm:
- Đã được chẩn đoán ung thư cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap Smear cho thấy các tế bào tiền ung thư
- Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) trước khi sinh
- Nhiễm HIV
- Hệ thống miễn dịch suy giảm do ghép tạng, hóa trị hoặc sử dụng corticosteroid mãn tính
- Có hút thuốc lá.
Trong một số trường hợp, phụ nữ và bác sĩ có thể quyết định không cần xét nghiệm Pap Smear, chẳng hạn như:
- Sau khi cắt tử cung toàn bộ. Sau khi cắt bỏ tử cung hoàn toàn hãy hỏi bác sĩ nếu bạn cần tiếp tục có cần thực hiện xét nghiệm Pap Smear hay không.
- Nếu phẫu thuật cắt tử cung được thực hiện do nguyên nhân không phải ung thư, chẳng hạn như u xơ tử cung,tai biến sản khoa trong quá trình sinh , bạn có thể ngừng thực hiện xét nghiệm Pap Smear thường quy. Nhưng nếu phẫu thuật cắt tử cung là do tình trạng tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung, bác sĩ có thể đề nghị tiếp tục xét nghiệm Pap Smear thường xuyên.
- Tuổi cao: Các bác sĩ thường đồng ý rằng phụ nữ có thể xem xét dừng xét nghiệm Pap Smear thường quy ở tuổi 65 nếu các xét nghiệm trước đây của họ âm tính với ung thư cổ tử cung.
Nếu bạn có hoạt động tình dục với nhiều đối tác, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiếp tục xét nghiệm Pap Smear.
3. Xét nghiệm Pap Smear sau mãn kinh
Xét nghiệm Pap Smear là công cụ tốt nhất để phát hiện các tình trạng tiền ung thư có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Nếu được phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi.
3.1 Có cần xét nghiệm Pap Smear khi hiện tại tôi đã mãn kinh?
Ngay cả khi bạn đã tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, bạn vẫn nên tiếp tục làm xét nghiệm Pap Smear.
Sàng lọc cũng có thể bị ngừng ở độ tuổi 65 hoặc 70 nếu phụ nữ đã có ít nhất ba xét nghiệm Pap Smear bình thường liên tiếp và không có xét nghiệm Pap Smear bất thường trong 10 năm trước.
3.2 Tần suất xét nghiệm Pap Smear sau mãn kinh như thế nào?
Bạn có thể làm xét nghiệm Pap Smear 3 năm/ 1 lần nếu cả hai điều kiện dưới đầy đều đúng với bạn:
- Bạn đã có kết quả xét nghiệm Pap Smear bình thường trong ba năm liên tiếp.
- Bạn chưa có kết quả xét nghiệm Pap Smear dương tính với tiền ung thư, không nhiễm HIV, không có hệ thống miễn dịch suy giảm và không có tiền sử tử cung tiếp xúc với diethylstilbestrol.
3.3 Có cần phải xét nghiệm Pap Smears nếu tôi đã cắt bỏ tử cung?
Xét nghiệm Pap Smear có thể được dừng lại sau phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn trừ khi phẫu thuật được thực hiện đối với người bệnh có ung thư cổ tử cung xâm lấn hoặc loại ung thư tử cung khác,
3.4 Những triệu chứng nào cần thực hiện xét nghiệm Pap Smears?
Khi ung thư xuất hiện ở cổ tử cung, triệu chứng phổ biến nhất là chảy máu bất thường. Chảy máu có thể bắt đầu và dừng giữa chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, hoặc có thể xảy ra sau khi quan hệ tình dục hoặc thụt rửa (mặc dù không nên thụt rửa).
Dịch tiết âm đạo bất thường là một triệu chứng khác của ung thư cổ tử cung, tuy nhiên đau không phải là dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư. Những triệu chứng này có thể được gây ra bởi nhiều bệnh lý khác nhau và không chắc chắn là dấu hiệu của ung thư; nhưng tốt nhất, bạn nên gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào xảy ra.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên là bác sĩ siêu âm sản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 11/2016. Bác sĩ Liên đã có trên 10 năm kinh nghiệm là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh khoa Siêu âm tại bệnh viện đầu ngành sản phụ khoa phía Nam - bệnh viện Từ Dũ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, webmd.com
XEM THÊM