Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ điều trị - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
1. HIV là gì?
HIV là viết tắt của cụm từ “ Human Immuno-deficiency Virus” - là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, đồng thời gây các rối loạn bên trong cơ thể dẫn đến sự suy yếu của cơ thể và tử vong.
Nhiễm HIV thường diễn tiến qua thời gian dài với tình trạng âm thầm, không triệu chứng nên người bệnh nhiều khi không biết mình đang bị bệnh nên sẽ làm lây lan bệnh cho cộng đồng, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao như hành nghề mại dâm, nghiện chích ma túy hoặc những người quan hệ tình dục đồng giới.
Con đường lây truyền HIV có thể là qua:
Đường máu: HIV có nhiều trong máu cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do đó, HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV.
Đường tình dục: Tất cả các hình thức quan hệ tình dục với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm cao nhất là qua đường hậu môn, rồi tiếp đến là qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng.
Lây truyền từ mẹ sang con: Từ giai đoạn mang thai, khi sinh, khi cho con bú, HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con.
2. Xét nghiệm HIV âm tính là gì?
Có 3 loại xét nghiệm liên quan đến HIV, đó là xét nghiệm sàng lọc HIV, xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV và xét nghiệm theo dõi điều trị.
- Đối với các xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện với sinh phẩm xét nghiệm nhanh HIV hoặc kỹ thuật miễn dịch đánh dấu.
- Với xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV gồm 2 phương pháp chính là xét nghiệm huyết thanh học và xét nghiệm sinh học phân tử.
Xét nghiệm huyết thanh học thường áp dụng với người lớn và trẻ em trên 18 tháng tuổi. Phương pháp này nhằm phát hiện sự hiện diện của kháng thể hoặc kháng nguyên HIV có trong máu.
Phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử thường sử dụng đối với trẻ em phơi nhiễm HIV hoặc trẻ em dưới 18 tháng tuổi có xét nghiệm kháng thể HIV dương tính; các trường hợp khác khó chẩn đoán bằng phương pháp huyết thanh học. Phương pháp này giúp phát hiện ADN/ARN của HIV tồn tại trong máu hoặc các dịch tiết.
- Xét nghiệm theo dõi điều trị đo tải lượng virus HIV tồn tại trong máu sau khi áp dụng điều trị để theo dõi tiên lượng hiệu quả điều trị trên từng bệnh nhân.
Xét nghiệm HIV âm tính là gì?
- Ý nghĩa: Là tại thời điểm xét nghiệm, người xét nghiệm không mang trong mình virus HIV hoặc xét nghiệm chưa phát hiện được virus trong cơ thể người xét nghiệm
- Độ chính xác: Không phải là tuyệt đối. Bất kỳ xét nghiệm nào cũng có chỉ số sai số cho phép và xét nghiệm HIV cũng vậy. Quan trọng hơn, khi nhiễm virus HIV, phải mất 3 đến 6 tháng để cơ thể sản xuất ra kháng thể, đây được xem là giai đoạn cửa sổ, nên ở thời điểm này có thể xét nghiệm sẽ cho kết quả âm tính.
- Nếu thấy mình có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và nghĩ rằng mình đang trong thời kỳ “cửa sổ” thì hãy làm xét nghiệm lại để khẳng định chắc chắn mình có bị nhiễm HIV hay không.
3. Ai nên xét nghiệm HIV?
Các chuyên gia khuyến khích tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13–64 nên thực hiện xét nghiệm HIV ít nhất một lần. Nếu chẳng may nhiễm virus HIV, phát hiện sớm sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần điều trị tốt hơn đồng thời có những biện pháp đề phòng lây truyền HIV cho người khác.
Với những người có nguy cơ cao hơn nên kiểm tra thường xuyên hơn. Nếu bạn có kết quả xét nghiệm HIV âm tính trong lần cuối cùng hoặc xét nghiệm đã được thực hiện hơn một năm trước, và thuộc một trong số những người dưới đây thì bạn nên đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt:
- Người có quan hệ đồng tính nam.
- Đã có quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo với một người dương tính với HIV.
- Đã quan hệ với nhiều người kể từ lần xét nghiệm HIV cuối cùng.
- Sử dụng chung bơm kim tiêm hoặc vật dụng khác như nước hoặc bông y tế với người khác.
- Đã từng bán dâm.
- Đã từng được chẩn đoán hoặc điều trị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Đã được chẩn đoán hoặc điều trị lao, viêm gan virus C
- Đã có quan hệ tình dục với một ai đó có ít nhất một trong các đặc điểm kể trên.
Tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm HIV để có thể bắt đầu điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Khi một phụ nữ được điều trị HIV sớm trong thai kỳ, nguy cơ truyền HIV sang em bé thường rất thấp.
4. Cách phòng tránh bệnh HIV
Dựa trên các con đường lây nhiễm HIV, có các biện pháp phòng tránh bệnh HIV như sau:
Cách tốt để phòng tránh HIV là không tiêm chích ma túy.
Thực hiện một lối sống lành mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi, chung thuỷ một vợ một chồng.
Đối với trường hợp quan hệ tình dục với đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV hay không thì bạn nên thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách; không để dịch sinh dục như tinh dịch, dịch âm đạo của bạn tình tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc của mình trong khi quan hệ tình dục.
Với những người trẻ, không quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng là cách phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục có hiệu quả.
Chỉ nên truyền máu và các chế phẩm máu khi thật sự cần thiết; nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
Khi biết một người đã nhiễm HIV nên tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người đó.
Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải răng, bấm móng tay, dao cạo,...
Phụ nữ nhiễm HIV tốt không nên mang thai, bởi tỷ lệ lây truyền HIV sang cho thai nhi là 30%. Nếu có thai thì uống thuốc dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp đã có thai thì nên đến cơ sở y tế để khám thai và được tư vấn cách xử lý.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Gói khám sàng lọc các bệnh xã hội tại Vinmec dành cho mọi lứa tuổi, cả nam giới và nữ giới.